Mỗi lít xăng cõng 4 loại thuế, muốn giảm giá cũng khó

Thứ hai, 01/11/2021, 06:48 AM

Mỗi lít xăng bán ra thị trường "gánh" gần 40% chi phí thuế. Trong 4 loại thuế, 3 loại phí được đưa vào làm cơ sở để tính giá xăng dầu thuế bảo vệ môi trường có mức thu cao nhất.

gia-xang-dau-tang

Đợt tăng giá xăng dầu gần nhất hôm 26/10 là cú sốc đối với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân, tạo "dư chấn" đến hôm nay.

Cụ thể, xăng E5RON92 tăng thêm 1.430 đồng/lít, lên mức 23.110 đồng/lít; xăng RON95-III tăng thêm 1.460 đồng/lít, lên mức 24.330 đồng/lít.

Dầu diesel 0.05S cũng tăng 1.170 đồng/lít (lên mức 18.710 đồng/lít), dầu hỏa tăng 1.010 đồng/lít (lên mức 17.630 đồng/lít), dầu mazut 180CST 3.5S tăng 120 đồng/kg, lên mức 17.210 đồng/kg.

Giá xăng dầu tăng nhiều khả năng trong những ngày tới nền kinh tế sẽ thiết lập mặt bằng giá mới bởi đây là mặt hàng thiết yếu, liên quan mật thiết đến kết cấu giá thành của hầu hết các hàng hóa, dịch vụ.

Từ đầu năm 2021 đến nay, giá xăng dầu được điều chỉnh 19 lần, trong đó xu hướng chủ đạo là tăng, hiện xăng RON 95 đã cán mức 24.338 đồng/lít, dầu diesel 18.716 đồng/lít, đây là những mức giá cao nhất từ trước tới giờ, lại rơi vào thời điểm doanh nghiệp và người dân đang gượng dậy sau nhiều tháng oằn mình bởi Covid-19. Chịu tác động nặng nề nhất là lĩnh vực vận tải, vì tiền xăng dầu luôn chiếm đến 40% trong kết cấu giá dịch vụ của ngành này. 

Ngoài yếu tố khách quan do giá xăng dầu thế giới tăng, từ chủ quan tác động các loại thuế, phí đang áp trên mỗi lít xăng đẩy giá nhiên liệu này đi lên.

Hiện nay, một lít xăng chịu nhiều loại thuế. Cụ thể, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng.

Ngoài ra, còn có một số khoản không phải là thuế, nhưng cũng được đưa vào làm cơ sở để tính giá xăng dầu như chi phí định mức, lợi nhuận định mức, Quỹ bình ổn giá (trong đó mức trích Quỹ bình ổn giá là linh hoạt hơn).

Cụ thể, cơ cấu giá xăng được cộng 8 khoản, gồm: giá CIF tính thuế (giá xăng nhập + chi phí vận chuyển), thuế nhập khẩu (10%), thuế giá trị gia tăng (10%), thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng RON95 và 8% với xăng E5), thuế bảo vệ môi trường (3.800 đồng với E5, 4.000 đồng với RON 95).

Ngoài ra, còn có chi phí định mức kinh doanh (1.050 đồng/lít với xăng RON95 và 1.250 đồng/lít với xăng E5), lợi nhuận định mức (300 đồng) và trích quỹ bình ổn (300 đồng, nhưng biến động theo thực tế mỗi kỳ điều hành).

Giá bán xăng E5 sau kỳ điều chỉnh ngày 26/10 là 23.110 đồng/lít. Giá bán xăng RON95 là 24.430 đồng/lít. Tỷ lệ thuế trong giá bán ra của xăng E5 chiếm khoảng 39% giá bán. Còn tỷ lệ thuế trong mỗi lít xăng RON95 bán ra thị trường chiếm khoảng 38% giá bán.

Có thể thấy, trong 4 loại thuế đánh vào xăng dầu, thuế bảo vệ môi trường là chiếm tỷ lệ cao nhất, “gắn” với số tiền tuyệt đối, thay vì tỷ lệ phần trăm như nhiều loại thuế khác. Do đó, dù giá xăng giảm sâu hay tăng mạnh, chi phí thuế bảo vệ môi trường cho mỗi lít xăng dầu là không đổi.

Cho nên vào tháng 3/2020, khi giá xăng lao dốc mạnh, chỉ còn 12.560 đồng/lít xăng RON95 thì tỷ lệ thuế khi đó chiếm tới 49% trên mỗi lít xăng RON95 và chiếm 47% trên mỗi lít xăng E5.

Ngoài vấn đề thuế, phí áp lên mỗi lít xăng một câu hỏi được dư luận đặt ra trước đây chúng ta phụ thuộc 100% vào xăng dầu thành phẩm nhập khẩu, còn nay sản lượng từ 2 nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) và Nghi Sơn (Thanh Hóa) đã đáp ứng được khoảng 30% tổng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước, vậy tại sao giá bán xăng dầu cứ tăng mãi? Có thể tăng sản lượng trong nước để giảm lượng nhập, qua đó kéo giá xuống phần nào, được không?

Từ 1/1/2012, xăng bắt đầu chịu thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít. Dầu diesel mức thu 500 đồng/lít; dầu hoả, dầu mazút, dầu nhờn mức thu 300 đồng/lít; mỡ nhờn mức thu 300 đồng/kg.

Tiếp đó, từ 1/5/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít) và một số mặt hàng xăng dầu khác...

Từ 1/1/2019 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên kịch khung. Theo đó, thuế môi trường với xăng tăng thêm 1.000 đồng/lít, lên kịch khung 4.000 đồng. Các mặt hàng dầu cũng đồng loạt tăng thuế môi trường...

Tỷ lệ thu thuế bảo vệ môi trường nói chung so với tổng thu ngân sách nhà nước đã tăng từ hơn 1% lên hơn 4% (năm 2019 là 4,07%).