Mối quan hệ WHO và Trung Quốc bị đặt dấu hỏi giữa dịch Covid-19

Thứ bảy, 15/02/2020, 13:16 PM

CNN ngày 15/2 cho rằng cuộc khủng hoảng dịch virus corona Covid-19 đang đặt ra câu hỏi về mối quan hệ của Trung Quốc với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay trước cuộc họp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 28/1/2020.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay trước cuộc họp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 28/1/2020.

Ngồi cạnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã hết lời khen ngợi về phản ứng của Trung Quốc với dịch virus corona Covid-19.

"Chúng tôi đánh giá cao sự nghiêm túc của Trung Quốc trong đợt dịch này, đặc biệt là cam kết từ lãnh đạo cao nhất và sự minh bạch mà họ đã thể hiện", Tedros nói. Bình luận trên được truyền thông Trung Quốc trích dẫn nhiều lần trong nhiều tuần qua.

Đó là cuộc gặp vào cuối tháng 1/2020, sau khi ông Tập bắt đầu kiểm soát tình hình do sự thất bại rõ ràng của các quan chức địa phương trong việc ngăn chặn dịch bệnh ở tỉnh Hồ Bắc.

Khi ông Tập và ông Tedros gặp nhau ở thủ đô Trung Quốc, số ca nhiễm và tử vong đang gia tăng cùng với những thông tin rằng các quan chức ở tỉnh Hồ Bắc và Vũ Hán - thành phố nơi phát hiện ra chủng virus corona mới đầu tiên - đã tìm cách hạ thấp và kiểm soát tin tức về virus này, thậm chí khiển trách cả những người cảnh báo về dịch bệnh.

Vài ngày sau, WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu và một lần nữa Tedros ca ngợi phản ứng của Bắc Kinh.

Theo CNN, mặc dù Trung Quốc đã hành động nhanh chóng sau sự can thiệp của ông Tập, phong tỏa một số thành phố lớn và dồn nguồn lực vào cuộc chiến chống lại virus, nhưng Trung Quốc vẫn bị nghi ngờ kiểm soát chặt chẽ thông tin về virus.

Sự khen ngợi của WHO về phản ứng của Trung Quốc đã khiến các nhà phê bình đặt câu hỏi về mối quan hệ của họ.

WHO thuộc Liên Hợp Quốc, dựa vào tài trợ và sự hợp tác của các thành viên. Do đó, các quốc gia thành viên giàu có như Trung Quốc có ảnh hưởng đáng kể. Quan điểm của WHO về Trung Quốc cũng khơi lại cuộc tranh luận lâu dài về việc liệu WHO, được thành lập 72 năm trước, có đủ độc lập để thực hiện mục đích của mình hay không.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không trả lời các câu hỏi liên quan đến mối quan hệ của Bắc Kinh với WHO. Trả lời CNN sau khi một lần nữa ca ngợi Trung Quốc đã "làm cho chúng ta an toàn hơn" trong tuần này, giám đốc WHO nói: "Tôi biết có rất nhiều áp lực đối với WHO khi chúng tôi đánh giá cao những gì Trung Quốc đang làm nhưng chúng tôi không nên không nói sự thật chỉ vì áp lực. Chúng tôi không nói bất cứ điều gì để xoa dịu bất cứ ai. Vì đó là sự thật”.

WHO bị pha trộn y tế và chính trị

WHO được thành lập vào năm 1948 dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc (UN), với nhiệm vụ điều phối chính sách y tế quốc tế, đặc biệt là về bệnh truyền nhiễm. Kể từ đó, tổ chức này đã có nhiều thành công, đặc biệt nhất trong số đó là loại trừ bệnh đậu mùa và giảm 99% các trường hợp bại liệt, cũng như chống lại các bệnh mãn tính và giải quyết tình trạng hút thuốc lá.

Nhưng trong lịch sử 7 thập kỷ của mình, WHO hiếm khi không bị chỉ trích. Nhiều người cho rằng tổ chức này quá quan liêu, quá phụ thuộc vào một số ít các nhà tài trợ lớn và thường bị cản trở bởi các mối quan tâm chính trị. Sau cuộc bầu cử năm 2017, chính trị gia người Nigeria Tedros trở thành tổng giám đốc mới nhất của WHO hứa hẹn cải cách quy mô lớn .

Là người châu Phi đầu tiên giữ vị trí này, Tedros tiếp quản sau khi WHO tự nhận là phản ứng kém với dịch Ebola 2013-2016 ở Tây Phi. Theo một đánh giá học thuật, WHO đã mất 5 tháng để tuyên bố ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC) đối với Ebola, một sự chậm trễ "chắc chắn đã đóng góp vào quy mô chưa từng có của vụ dịch".

Mọi người đeo khẩu trang ở Sân bay Quốc tế Bắc Kinh.

Mọi người đeo khẩu trang ở Sân bay Quốc tế Bắc Kinh.

Thất bại này một phần do bộ máy quan liêu phức tạp của WHO với 6 văn phòng khu vực chỉ được kiểm soát một cách lỏng lẻo bởi trụ sở tại Geneva. Các nguyên nhân cho sự thất bại với Ebola bao gồm đội giám sát quá tải và thiếu thốn, áp lực chính trị từ các chính phủ Tây Phi khi họ không sẵn sàng chịu thiệt hại kinh tế do tuyên bố PHEIC gây ra.

Các chuyên gia đã gióng lên hồi chuông cảnh báo các vấn đề của WHO trong nhiều năm. Trong một báo cáo năm 2014, cựu cố vấn của WHO Charles Clift đã viết rằng hầu hết các nhà quan sát - bao gồm nhiều người trong cuộc trước đây - đã đồng ý rằng tổ chức này "quá chính trị, quá quan liêu....quá rụt rè trong việc tiếp cận các vấn đề gây tranh cãi, quá tải và quá chậm để thích nghi với sự thay đổi".

"WHO vừa là cơ quan kỹ thuật vừa là cơ quan hoạch định chính sách", Clift viết. "Sự xâm nhập quá mức của những cân nhắc chính trị trong công việc kỹ thuật của nó có thể làm tổn hại đến uy quyền và uy tín của một tổ chức mang tiêu chuẩn cho y tế".

Không giống như các tổ chức như Medecins Sans Frontieres (MSF), WHO thường không có các nhóm thu thập thông tin của riêng mình, thay vào đó, họ dựa vào dữ liệu do các quốc gia thành viên cung cấp - một cấu trúc bị cho là làm chậm trễ việc tuyên bố Ebola là một trường hợp khẩn cấp.

Điều này có nghĩa là WHO chỉ có được thông tin khi các quốc gia thành viên thông báo. Nếu một quốc gia nơi dịch bệnh đang phát triển không chia sẻ dữ liệu, WHO cũng chẳng thể làm gì nhiều.

Ngoài vấn đề tài chính, WHO còn bị kiểm soát trực tiếp bởi các quốc gia thành viên, những người đề cử và bầu tổng giám đốc của tổ chức và đưa ra chương trình nghị sự. Điều này có nghĩa là WHO không thể đủ khả năng, về mặt chính trị hoặc tài chính, để đối kháng với các quốc gia có ảnh hưởng lớn đối với các quốc gia khác như Trung Quốc.

WHO là gì?

WHO là viết tắt của World Health Organization (Tổ chức Y tế Thế giới). Đây là một cơ quan của Liên Hiệp Quốc. Nó được thành lập vào ngày 7/4/1948. WHO có trụ sở đặt tại Geneva, Thụy Sĩ.

WHO đóng vai trò thẩm quyền điều phối các vấn đề sức khỏe và y tế cộng đồng trên bình diện quốc tế. WHO tham gia giúp đỡ các quốc gia thành viên, cung cấp những thông tin chính xác, những địa chỉ đáng tin cậy trên lĩnh vực sức khỏe con người.

Tổ chức này cũng chịu trách nhiệm giải quyết những vấn đề cấp bách về sức khỏe cộng đồng hay dịch bệnh của con người.

Bài liên quan