Một hộ dân nguy cơ mất Tết ‘dài cổ’ chờ hỗ trợ 200 con lợn dịch tả Châu Phi

Thứ hai, 13/01/2020, 06:47 AM

Có đàn lợn 214 con đến tuổi xuất chuồng với trọng lợn 14,7 tấn không may mắc phải Dịch tả Châu Phi phải tiêu thủy cùng đàn lợn giống 250 con, thế nhưng đến nay vẫn chưa nhận tiền hỗ trợ.

Chuồng trại bỏ trống không của gia đình nông dân Phạm Như Thủy sau khi 464 con lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi.

Chuồng trại bỏ trống không của gia đình nông dân Phạm Như Thủy sau khi 464 con lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi.

Mới đây, ông Phạm Như Thủy (SN 1972) là một hộ nông dân chăn nuôi lợn ở xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội đã gửi đơn kêu cứu lên các cơ quan chức năng phản ánh về việc không nhận được hỗ trợ, hỗ trợ đối với đàn lợn hàng trăm con bị tiêu hủy trong đợt dịch tả Châu Phi bùng phát vừa qua.

Theo trình bày của gia đình ông Thủy, gia đình ông vốn là nông dân chăn nuôi lợn có truyền thống 20 năm ở địa phương.

Trước thời điểm dịch tả Châu Phi xuất hiện, gia đình ông có đàn lợn 214 con đến tuổi xuất chuồng (nuôi từ tháng 11/2018) với tổng trọng lượng đàn lợn lên đến hơn 14,7 tấn.

Nhận thấy đàn lợn của gia đình vẫn khỏe mạnh, chuẩn bị bán được nên ngày 10/6/2019, gia đình ông Thủy đã tiến hành mua 250 con lợn giống của Công ty TNHH MTV chăn nuôi Hòa Phát (địa chỉ ở Bắc Giang) để về kế đàn, tiếp tục chăn nuôi, tăng gia sản xuất.

Tất cả 250 con lợn đều có giấy tờ nguồn gốc và kiểm dịch rõ ràng của Chi cục Chăn nuôi và thú y Bắc Giang và các ngành chức năng.

Đơn kêu cứu của gia đình người nông dân có lợn bị tiêu hủy vì dịch Châu Phi nhưng chưa được hỗ trợ.

Đơn kêu cứu của gia đình người nông dân có lợn bị tiêu hủy vì dịch Châu Phi nhưng chưa được hỗ trợ.

Đến ngày 14/6/2019, gia đình ông Phạm Như Thủy bỗng phát hiện đàn lợn đến tuổi xuất chuồng 214 con xuất hiện triệu chứng nhiễm dịch tả Châu Phi nên đã thông báo với chính quyền địa phương.

Sau đó, trong các ngày 19/6 và 20/6/2019, gia đình đã phải tiêu hủy cả 2 đàn lợn gồm 250 con lợn giống đã được kiểm dịch và 214 con đến tuổi xuất chuồng.

Đối với đàn lợn giống 250 con, trọng lượng 4.248kg đã được kiểm dịch, gia đình ông Thủy không những không được hỗ trợ tiền tiêu hủy mà còn bị UBND xã Hồng Hà lập biên bản xử phạt 2.500.000 đồng về hành vi nhập đàn lợn trong khi trên địa bàn huyện đang có dịch. Gia đình ông Thủy sau đó đã chấp hành nghiêm chỉnh.

Thế nhưng với đàn lợn 214 con đến tuổi xuất chuồng dù bị tiêu hủy nhưng đến nay gia đình ông Thủy vẫn chưa được nhận một đồng tiền hỗ trợ nào từ Nhà nước, mặc dù các hộ nuôi lợn khác trong cùng địa phương đã được hỗ trợ hết.

“Căn cứ theo quyết định 793/QĐ-TTG 2019 về việc hỗ trợ kinh phí phòng chống dịch tả lợn Châu Phi và điều kiện thực tế từ gia đình tôi, chúng tôi nhận thấy đàn lợn 214 con của gia đình hoàn toàn đủ điều kiện để được hỗ trợ…”, ông Thủy nêu kiến nghị.

Ông Thủy xót xa cho biết: “Là nông dân chúng tôi chỉ biết mong vào đồng tiền kiếm được từ chăn nuôi, khi dịch đến chúng tôi là người xót xa nhất. Với đàn lợn giống 250 con, trước khi nhập để tái đàn chúng tôi cũng đã xem xét điều kiện có đầy đủ giấy tờ kiểm dịch mới dám nhập về.

Đã không hỗ trợ, thậm chí xử phạt chúng tôi chịu chấp nhận nhưng tại sao đàn lợn 214 con đến tuổi xuất chuồng, mất chi phí chăm bẵm gần 8 tháng trời của gia đình chúng tôi cũng không được hỗ trợ?”.

Theo gia đình ông Thủy, tất cả các chi phí mua giống đến thức ăn, làm chuồng gia đình đều phải đi vay vốn ở khắp nơi. Vì vậy việc đàn lợn giống 214 con với trọng lượng trên 14,7 tấn đến nay vẫn chưa có đền bù khiến cuộc sống của gia đình ông rất lao đao.

Khi dịp Tết Nguyên đán Canh tý đang cận kề, trong khi nhà nhà đang sắm sửa đón xuân thì gia đình ông Thủy vẫn mất ăn mất ngủ lo lắng vì không có tiền để trả nợ. “Từ khi bệnh dịch đến nay, chuồng trại của gia đình vẫn để không, không làm ăn được gì…”, vợ chồng ông Thủy xót xa chia sẻ.

Giấy chứng nhận kiểm dịch đối với 250 con lợn giống mà gia đình ông Phạm Như Thủy nhập về.

Giấy chứng nhận kiểm dịch đối với 250 con lợn giống mà gia đình ông Phạm Như Thủy nhập về.

Trước phản ánh trên, trao đổi với PV, một cán bộ UBND xã Hồng Hà cho biết, trường hợp của gia đình ông Thủy cần phải được hỗ trợ bởi việc nhập lợn 250 con của gia đình đã bị xử phạt còn việc 214 con lợn đến tuổi xuất chuồng bị mắc dịch và phải tiêu hủy là 2 việc khác nhau.

“Hiện chúng tôi đã làm đề nghị hỗ trợ cho gia đình ông Thủy lên huyện, Phòng Kinh tế huyện Đan Phượng sẽ quyết định việc này”, vị cán bộ chia sẻ.

Liên quan đến việc này, trong công văn gửi UBND huyện Đan Phượng và gia đình ông Phạm Như Thủy, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội đã đề nghị UBND huyện xem xét để hỗ trợ thiệt hại đối với đàn lợn 214 con của gia đình ông Thủy vì đã chăn nuôi tại thời điểm thống kê tháng 4/2019.

Thế nhưng không hiểu lý do vì sao đến thời điểm này gia đình ông Thủy vẫn chưa nhận được hỗ trợ đối với đàn lợn 214 con?

Chúng tôi tiếp tục thông tin sự việc.