Mua 105 chiếc F-35 của Mỹ, Nhật Bản có thể khiến Trung Quốc ‘nóng mắt’

Thứ tư, 29/05/2019, 16:08 PM

Quyết định của Nhật Bản về việc sẽ mua 105 chiếc máy bay chiến đấu F-35 Lightning của Mỹ có thể làm tăng nhiệt cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á, các nhà phân tích nhận định.

Nhật Bản sẽ sở hữu đội máy bay F-35 nhiều nhất trong số các đồng minh của Mỹ. (Ảnh: AP)
Nhật Bản sẽ sở hữu đội máy bay F-35 nhiều nhất trong số các đồng minh của Mỹ. (Ảnh: AP)
 
 Thỏa thuận này được thông báo từ tháng 12 năm ngoái, nhưng mới được Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận hôm 28/5 nhân chuyến thăm 4 ngày đến Nhật Bản.

Nhật Bản “vừa mới thông báo ý định mua 105 chiếc máy bay tàng hình F-35 mới toanh. Tàng hình, vì thực tế là bạn không thể thấy chúng. Hợp đồng này sẽ giúp Nhật Bản sở hữu đội F-35 nhiều hơn bất kỳ đồng minh nào của Mỹ”, ông Trump phát biểu tại cung điện Akasaka của Nhật.

Thương vụ F-35 này có thể giúp Nhật Bản tái khẳng định vai trò một cường quốc về an ninh nhưng cũng đặt ra thách thức mới cho quân đội Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh đang gia tăng phạm vi hoạt động của mình trên khắp khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong những năm gần đây.

Cho đến nay đã có hàng chục đồng minh của Mỹ đặt hàng F-35.

Chính phủ Úc gần đây dành 17 tỷ USD mua dòng máy bay này và Hàn Quốc cũng đặt mua 40 chiếc F-35A. Lockheed Martin, hãng chế tạo F-35, hy vọng Seoul sẽ mua thêm 20 chiếc như thế nữa.

Washington và Tokyo từ lâu đã lo ngại trước sự mở rộng quân sự của Trung Quốc. Cách đây 3 năm, Nhật Bản thông báo chiến lược chính sách đối ngoại mới của họ về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do để tiếp tục thúc đẩy “pháp quyền, tự do hàng hải và tự do thương mại”.

Lo ngại của Washington được phản ánh trong báo cáo thường niên của quốc hội trong năm nay, trong đó cảnh báo rằng chỉ vài chục năm nữa, Trung Quốc sẽ tập trung hiện thực hóa mục tiêu một quốc gia hùng mạnh và thịnh vượng, được hỗ trợ bởi một quân đội “đẳng cấp thế giới”, trở thành một cường quốc vượt trội ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Các nhà quan sát quân sự cho rằng thương vụ F-35 nói trên, cùng với kế hoạch hiện đại hóa các tàu sân bay trực thăng lớp Izumo của Nhật, sẽ trở thành một mối đe dọa đối với kế hoạch của Trung Quốc trên biển Đông, bằng cách mở rộng phạm vi hoạt động của lực lượng phòng không Nhật Bản.

Nhật Bản không có đòi hỏi chủ quyền trên biển Đông nhưng luôn coi đây là vùng biển có tầm quan trọng chiến lược.

Ông Zhou Chenming, một chuyên gia quân sự làm việc tại Bắc Kinh, đánh giá: “Thỏa thuận này có thể giúp Nhật Bản đối phó với những mối đe dọa từ Trung Quốc...và có thể được coi là một phần quan trọng của chiến lược toàn cầu của Mỹ”.

“Cân bằng quyền lực ở châu Á – Thái Bình Dương sẽ thay đổi khi Nhật Bản đặt mua một lượng lớn máy bay chiến đấu như vậy”, ông Zhou nói.

Các nhà phân tích cũng cho rằng dù dòng máy bay chiến đấu J-20 thế hệ 5 của Trung Quốc giúp quân đội nước này có được vị trí đi đầu trong cuộc đua máy bay tàng hình, nhưng loại máy bay đó đã gặp nhiều trục trặc về động cơ sau khi được đưa vào biên chế năm 2017.

Thỏa thuận mua F-35 của Nhật Bản sẽ gây áp lực khiến Trung Quốc phải đẩy nhanh chương trình phát triển J-20.

“Nếu Nhật Bản mua các máy bay F-35B, loại hoạt động từ tàu sân bay, thì sẽ làm đảo lộn tình hình biển Đông. Nhật Bản cũng có kế hoạch sẽ đưa F-35B lên các tàu sân bay”, ông Zhang Baohui, giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương tại ĐH Lingnan tại Hong Kong, đánh giá.

 

Đã tìm thấy xác phi cơ F-35 của Nhật Bản trong lúc TT Trump đến thăm

Các đội tìm kiếm của quân đội Nhật Bản đã tìm được phần cánh và một số bộ phận của động cơ máy bay F-35A, phiên bản thông thường của dòng máy bay F-35, đã bị rơi ở ngoài khơi tỉnh Aomori (Nhật Bản) vào ngày 9/4 vừa qua.

 

Nga có thể bán Su-57 nếu Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi dự án F-35 với Mỹ

Nga có thể mời Thổ Nhĩ Kỳ tham gia làm đối tác phát triển S-500, tổ hợp phòng không kế tiếp của S-400.

Nguồn: https://www.tienphong.vn/the-gioi/mua-105-chiec-f35-cua-my-nhat-ban-co-the-khien-trung-quoc-nong-mat-1421858.tpo