Mùa xuân Tây Tạng

Thứ hai, 27/01/2020, 19:55 PM

Người Tây Tạng mừng xuân mới rất dài ngày. Ngày lễ tết của họ kéo dài tới 2 tuần. Là một nước châu Á đậm đà bản sắc, tết của người Tây Tạng có những nét riêng vô cùng độc đáo.

 

 

Lễ hội đón năm mới của Tây Tạng. Ảnh: Tibet.cn.

Tây Tạng là vùng đất cao từ 3.500 tới 5.000 m – được mệnh danh là “xứ tuyết”, “nóc của trái đất”, hay “Cực Thứ Ba / Third Pole“, hai cực kia là Bắc Cực và Nam Cực. Nghĩ đến Tây Tạng là nhìn thấy hình ảnh mênh mông của những thảo nguyên với núi cao và lũng sâu, bầu trời thường thì trong xanh như ngọc. 

Người nông dân Tây Tạng chủ yếu trồng lúa mạch và khoai tây là hoa màu phụ. Khí hậu thay đổi thất thường như mưa đá, đông giá nên mùa màng luôn luôn bị hư hại. Nguồn thực phẩm ổn định hơn là nuôi gia súc ngoài đàn bò Yaks còn có trừu, dê và gà để lấy trứng. Tsampa làm từ bột lúa mạch sấy là món ăn thường nhật của người Tây Tạng.

Tây Tạng là một trong số hiếm hoi những quốc gia không sử dụng lịch âm - dương mà có cách đếm ngày riêng gọi là lịch Tây Tạng. Tuy nhiên lịch này cũng được dựa trên và gần giống với lịch âm mà chúng ta quen thuộc. Cụ thể, lịch Tây Tạng bao gồm mười hai đến mười ba tháng. Ngày đầu năm của Tây Tạng cũng thường rơi vào khoảng tháng hai dương lịch như chúng ta, song không trùng với Tết. Người Tây Tạng cũng như chúng ta, ăn mừng khoảng thời gian đầu năm này và gọi nó là Losar, được phái sinh từ tiếng Tây Tạng "lo" - mới và "sar" - năm.

Tết Losar là ngày lễ quan trọng nhất theo lịch của người Tây Tạng. Dịp lễ này thường kéo dài trong 2 tuần, bắt đầu từ ngày đầu tiên của tháng đầu tiên cho đến ngày thứ 15 trong tháng. Các hoạt động đón mừng năm mới chủ yếu rơi vào 3 ngày đầu tiên.

 

 

Múa Mặt nạ ở Tây Tạng

Trong đó, hoạt động quan trọng nhất là người dân địa phương mặc áo choàng trang trí thật đẹp, tham gia vào các tiết mục biểu diễn lớn như hát, nhảy, biểu diễn trang phục. Những màn biểu diễn này mang đậm đặc trưng của văn hóa Tây Tạng truyền thống như những điệu múa nghi lễ, múa mũ đen, múa kiếm, hoạt cảnh về cuộc chiến giữa thiện và ác...

Vào ngày lễ, người dân tất bật chuẩn bị như mua sắm, nướng bánh, trang trí bàn thờ, phòng khách. Người thân từ xa trở về nhà, đoàn tụ cùng gia đình.

Đêm giao thừa là thời khắc quan trọng nhất, khép lại năm cũ và đón mừng một năm thuận lợi tốt lành đang đến. Thông thường, gia đình cử người lớn nhất trong nhà để hát ca ngợi Thần núi (Amyes-lhari và Amyes-magpa) ở chùa vào đêm giao thừa và sáng sớm ngày đầu tiên năm mới. Thường, phụ nữ Tây Tạng không bị cấm thực hiện nhiệm vụ này. Nhưng vì việc cúng bái ở đây thường được quan niệm là việc của đàn ông nên dĩ nhiên rất ít khi nhìn thấy phụ nữ thực hiện nhiệm vụ này.

Ẩm thực ngày tết của người Tây Tạng

Những món ăn ngày Tết được người Tạng chuẩn bị hàng tuần trước đó.

 

 

Súp Guthuk

Guthuk là 1 món ăn đặc biệt không thể thiếu trong dịp tết cổ truyền của người dân Tây Tạng. Đây là 1 món ăn nhẹ gần giống với sủi cảo của người Trung Quốc, được làm từ 9 nguyên liệu khác nhau bao gồm phô mai khô cùng các loại ngũ cốc. Bên trong viên sủi cảo được cất giấu một vật đặc biệt như hạt tiêu, muối, ớt, gạo hoặc than. Vật được tìm thấy trong viên sủi cảo được coi là biểu hiện về tính cách của con người.

Nếu một người tìm thấy ớt trong viên sủi cảo, có nghĩa người đó có miệng lưỡi cay độc. Nếu các vật màu trắng như len, gạo, muối được tìm thấy thì là dấu hiệu của sự may mắn. Ngược lại, nếu một người tìm thấy than trong viên sủi cảo có nghĩa người đó “có trái tim đen tối”. Khi ăn sủi cảo, các thành viên trong gia đình cho nhau thấy mình nhận được vật gì và cùng nhau cười đùa rất vui vẻ.

 

 

Bánh bao Sha Momo

Sha Momo là bánh bao thịt bò Tây Tạng, đôi khi là thịt dê, hay bất kì con vật nào được nuôi lấy thịt của gia đình. Người Tây Tạng ăn sha momo vào bữa sáng đầu tiên của năm, và bữa sáng này được ăn từ rất sớm, khoảng 2 đến 3 giờ sáng, và sau đó là cả ngày thăm viếng họ hàng, người thân. Sha momo là món ăn được yêu thích nhất của người dân Tây Tạng, đây là loại bánh bao có vỏ mỏng tinh tế, nhân bên trong được giữ mọng nước và ẩm mềm, song không giống với loại bánh bao súp mà chỉ có một ít nước thịt ngọt béo.

Bánh mỳ Rebgong là món quà tặng truyền thống từ xa xưa của người Tây Tạng. Nhiều chiếc bánh mì Rebgong có thể làm từ bột được ủ cả trăm năm, do món bánh mì này được phát minh từ trước khi có men sống. Một khoảng thời gian trước lễ Losar, tất cả những người phụ nữ trong gia đình sẽ cùng nhau làm đến hơn 50 chiếc bánh mì Rebgong chỉ để dành tặng. Đây là một trong số những món ăn tuyệt không thể thiếu trong lễ mừng năm mới của người Tây Tạng.

 

 

Bánh Khapsay

Khapsay là một món bánh truyền thống quan trọng để ăn mừng năm mới của người Tây Tạng. Bánh Khapsay cũng có thể xuất hiện trong nhiều dịp quan trọng như cưới hỏi, tiệc đăng cơ của Lạt Ma... Món bánh khapsay có nhiều chủng loại và hình dáng, song loại phổ biến nhất là bhungue amcho (tai lừa) và mukdung có hình dạng như bím tóc. Bánh có vị ngọt ngọt và mằn mặn, thơm đậm mùi bơ được làm từ sữa dê hoặc bò Tây Tạng. Bơ này được dùng để chế biến nhiều món ăn khác như món trà bơ nổi tiếng, tuy nhiên bạn sẽ thấy hơi tanh nếu không quen.