Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan chỉ để kiếm tiền?

Thứ ba, 10/04/2018, 10:31 AM

Trong khi Trung Quốc cảnh báo sẽ sử dụng các biện pháp quân sự để ngăn chặn Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan thì nhiều nhà phân tích lại cho rằng Mỹ muốn bán vũ khí cho Đài Loan chỉ để kiếm tiền.

my-ban-vu-khi-cho-dai-loan-chi-de-kiem-tien
Ngay khi đắc cử hồi năm 2016, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến Trung Quốc tức giận khi nhận điện chúc mừng của nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn.

Ngày 10/4, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn bình luận của nhiều nhà phân tích cho hay, việc Washington cấp giấy phép tiếp thị cho các nhà thầu quốc phòng Mỹ cung cấp cho Đài Loan công nghệ và các bộ phận đóng tàu ngầm chỉ là để kiếm tiền, chứ không phải muốn trang bị vũ khí cho Đài Loan.

Wang Kung-yi, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Văn hóa Trung Quốc ở Đài Bắc nói: "Chính sách châu Á-Thái Bình Dương của ông Trump là khuyến khích các đồng minh châu Á tăng khả năng phòng thủ và mua vũ khí từ Mỹ. Điều đó giúp Mỹ kiếm được nhiều tiền hơn”.

Về trường hợp của Đài Bắc, mặc dù được các công ty Mỹ cung cấp thiết bị hay công nghệ cho chương trình tự phát triển tàu ngầm nhưng nếu không có những công nghệ tiên tiến, các hệ thống vũ khí tinh vi, và chuyên môn trong việc thử nghiệm cũng như tích hợp các hệ thống vũ khí thì kế hoạch xây dựng 8 tàu ngầm sẽ khó thực hiện được.

Bên cạnh đó, ông Wang cũng chỉ ra sự khác biệt giữa giấy phép tiếp thị và giấy phép bán vũ khí thực sự cho Đài Loan.

Ông nói: "Giấy phép tiếp thị có nghĩa là Đài Bắc phải thỏa thuận với các nhà thầu và tự chịu rủi ro khi mua hàng. Giấy phép bán vũ khí có nghĩa là Mỹ sẽ cung cấp ít nhất một số loại bảo đảm về hoạt động của thiết bị".

my-ban-vu-khi-cho-dai-loan-chi-de-kiem-tien
Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn có lập trường rất cứng rắn với Trung Quốc đại lục. Bà từ chối chấp nhận chính sách "Một Trung Quốc".

Ví dụ, khi Đài Loan chế tạo các chiến đấu cơ cách đây nhiều năm, Mỹ không chỉ cung cấp các công nghệ cần thiết mà còn cả hàng trăm kỹ thuật viên để giúp lắp ráp và thử nghiệm các máy bay trước khi chúng được đưa ra sản xuất đại trà.

Arthur Ding, giám đốc của Viện Quan hệ Quốc tế tại Đại học Quốc gia Chengchi, Đài Loan, tỏ ra nghi ngờ về việc Washington có thực sự chuyển giao công nghệ tiên tiến và hệ thống vũ khí tinh vi cho Đài Bắc.

Ông nói: "Trong quá khứ, công nghệ của Mỹ chuyển sang Đài Loan chỉ giới hạn ở những mặt hàng có tính chất tự vệ, không tinh vi, không hiện đại". Ông cho biết thêm rằng Đài Loan cũng thiếu cả những kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm, có kỹ năng cao để kế hợp tàu ngầm và các hệ thống vũ khí.

Vì vậy, việc cấp giấy phép tiếp thị không phải là bằng chứng cho thấy Đài Loan sẽ sớm phát triển được 1 đội tàu ngầm.

Năm ngoái, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã công bố kế hoạch xây dựng 8 tàu ngầm để thay thế 4 tàu lỗi thời hiện tại.

my-ban-vu-khi-cho-dai-loan-chi-de-kiem-tien
Đài Loan có kế hoạch đóng thêm 8 tàu ngầm thay cho 4 tàu lỗi thời hiện tại.

Hồi năm 2001, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã thông qua việc bán 8 tàu ngầm thông thường cho Đài Loan nhưng kế hoạch này không thành công bởi một phần vì Mỹ không còn đóng các tàu đó nữa.

Đức và Tây Ban Nha được cho là đã từ chối bán thiết kế tàu ngầm của mình cho Đài Loan vì sợ làm tổn hại mối quan hệ với Bắc Kinh.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, sự căng thẳng giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan leo thang kể từ khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền năm 2016 và từ chối chấp nhận nguyên tắc “Một Trung Quốc”. Thời gian gần đây Bắc Kinh  tăng cường tập trận xung quanh hòn đảo này.

Trong khi đó, mối quan hệ Trung Quốc – Mỹ cũng đang rất xấu không chỉ bởi cuộc đối đầu thương mại mà còn là việc Washington quyết định cấp giấy phép tiếp thị cho các nhà thầu quốc phòng bán công nghệ và thiết bị tàu ngầm cho Đài Loan.

Ngày 9/4, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Wu Qian đã chỉ trích mạnh mẽ quyết định đó.

Ông Wu nói: “Trung Quốc kiên quyết phản đối việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Đây là điều rõ ràng và nhất quán. Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Nguyên tắc “Một Trung Quốc” là nền tảng chính trị cho quan hệ Washington - Bắc Kinh. Quân đội Trung Quốc có khả năng và quyết tâm đánh bại mọi nỗ lực nhằm chia cắt đất nước và sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ”.

Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần có những động thái đi ngược với chính sách “Một Trung Quốc”. Hồi cuối năm 2016, ngay sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ, ông đã nhận cuộc điện đàm chúc mừng của nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn.

Trung Quốc liên tục kêu gọi Mỹ không thiết lập các mối quan hệ chính thức với Đài Loan và ngừng các thương vụ mua bán quân sự.

 

Truyền thông Trung Quốc xúi Bắc Kinh hãy làm Mỹ phải ‘đau nhớ đời’

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh đang có cuộc đấu đá qua lại về thương mại, nhiều tờ báo Trung Quốc đã thúc giục nước này phải mạnh tay để Mỹ phải chịu nỗi đau nhớ đời.