Mỹ bất an vì gương mặt đàm phán thương mại mới của Trung Quốc

Thứ sáu, 12/07/2019, 06:24 AM

Việc Bắc Kinh chọn Bộ trưởng Thương mại Trung Sơn, nhà đàm phán mới theo khuynh hướng diều hâu của Trung Quốc, có thể khiến thỏa thuận thương mại ngày càng trở nên khó khăn.

my-bat-an-vi-guong-mat-dam-phan-thuong-mai-moi-cua-trung-quoc
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trung Sơn. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trung Sơn, được một số quan chức Nhà Trắng xem là nhân vật có lập trường cứng rắn, bất ngờ đóng vai trò quan trọng sau khi Bắc Kinh và Washington đồng ý tiếp tục đàm phán thương mại.

Ông Trung cùng với Phó Thủ tướng Lưu Hạc đã tham gia cuộc điện đàm với Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer của Mỹ hôm 10/7, qua đó nối lại cuộc thương thảo bị đình trệ từ tháng 5.

Trước ông Trung, phái đoàn đàm phán Trung Quốc hồi tháng 4 tiếp nhận ông Yu Jianhua, một trong những nhà đàm phán thương mại dày dạn kinh nghiệm nhất.

Cùng lúc này, những hy vọng nhen nhóm từ hội nghị G20 cuối tháng trước về một thỏa thuận thương mại đang dần biến mất. Trung Quốc vẫn chưa có đơn hàng lớn nào với nông sản Mỹ, dù Tổng thống Trump tuyên bố ông Tập sẽ đặt hàng “gần như ngay lập tức”. Vẫn chưa có ngày giờ cụ thể cho vòng đàm phán tiếp theo, theo Washington Post.

“(Việc xuất hiện ông Chung) thể hiện sự mất niềm tin vào ông Lưu Hạc và mong muốn của lãnh đạo Trung Quốc bổ sung thêm một người khôn khéo hơn về chính trị”, Dennis Wilder, từng là chuyên viên phân tích Trung Quốc ở Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). “Tôi chắc chắn ông ấy được lệnh cứng rắn hơn với Mỹ”.

Tương tự, ông Scott Kennedy, cố vấn cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, trụ sở ở Mỹ) dự báo ông Trung Sơn sẽ quyết liệt bảo vệ lợi ích thương mại của đất nước.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng giới chức Mỹ đang phản ứng quá mức với sự xuất hiện của ông Trương trong phái đoàn đàm phán Trung Quốc.

Ông Clete Willems, chuyên gia của Công ty luật Akin Gump, cho rằng Trung Quốc cũng có cả "diều hâu" và "bồ câu" như phía Mỹ và Bắc Kinh cần phải đưa cả 2 phe vào trong nhóm đàm phán nếu muốn có thỏa thuận.

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trung Sơn lên chức bộ trưởng sau khi làm giám đốc hai công ty nhà nước và phó thống đốc tỉnh Chiết Giang, trong thời gian Chủ tịch Tập Cận Bình làm bí thư tỉnh này.

“Ông Trung là diều hâu của những diều hâu”, cựu chiến lược gia trưởng của Nhà Trắng Stephen Bannon nói với Washington Post.

Ông là quan chức thương mại lão làng thứ hai được tăng cường vào nhóm đàm phán của Trung Quốc, sau ông Du Kiến Hoa, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc ở Geneva, và là một trong những nhà đàm phán thương mại giàu kinh nghiệm nhất Trung Quốc.

Dù vậy, có ý kiến nói ông Lưu khó bị lép vế bởi các nhân vật mới. Ông Lưu và ông Tập là bạn từ thuở nhỏ.

“Một số người ở Nhà Trắng, không có kinh nghiệm sâu đàm phán với nhiều đại diện Trung Quốc, có thể đang võ đoán quá nhiều về ai quan trọng hơn”, James Green, từng là quan chức thương mại cao cấp trong đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh cho tới đầu năm nay, nói với Washington Post.

Vòng đàm phán sắp tới, nếu được nối lại, cũng sẽ phải đối mặt những vấn đề từng khiến tiến trình này sụp đổ hồi tháng 5.

Mỹ hiện đòi hỏi Trung Quốc cam kết đưa vào luật những nội dung nhằm giải tỏa nỗi lo của Washington về vấn đề ăn cắp tài sản trí tuệ và buộc chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, hai bên còn không tìm được tiếng nói chung về chuyện Bắc Kinh muốn Washington dỡ bỏ toàn bộ thuế áp lên 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc vào năm ngoái.

Theo một số nhà phân tích, Trung Quốc có thể sẵn sàng chờ đợi kịch bản ông Trump rời Nhà Trắng sau cuộc bầu cử năm 2020, một phần vì kinh tế đất nước đã ổn định nhờ các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ.

Một lý do khác là Bắc Kinh không còn quá tin vào khả năng đạt thỏa thuận với Washington bởi sự đổi ý thường xuyên của ông Trump liên quan đến mối đe dọa thuế quan nhằm vào hàng nhập khẩu Trung Quốc. "Trung Quốc không còn quan tâm đến việc đạt được thỏa thuận lớn với ông Trump" - ông Kennedy nhận định.

 

Tiết lộ 'lá bài' quan trọng của Trung Quốc trong vòng đàm phán mới với Mỹ

Bắc Kinh có thể sử dụng danh sách “thực thể không đáng tin cậy” là điều kiện đàm phán quan trọng khi cuộc đối thoại thương mại với Mỹ khôi phục tuần tới.

 

Cựu đại sứ Triều Tiên tại Việt Nam sẽ là trưởng đoàn đàm phán với Mỹ?

Vị cựu đại sứ Triều Tiên tại Việt Nam Kim Myong-gil sau khi về nước có thể sẽ đảm nhiệm vai trò mới: Trưởng đoàn đàm phán phi hạt nhân với Mỹ