Mỹ bắt đầu hành động để vô hiệu hóa 'quân bài' đất hiếm của Trung Quốc

Thứ năm, 06/06/2019, 13:56 PM

Chính phủ Mỹ đã đề ra chiến lược sâu rộng để giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu đất hiếm từ Trung Quốc sau khi Bắc Kinh đe dọa ngừng bán khoáng sản chiến lược quan trọng này cho Mỹ, tờ South China Morning Post ngày 6/6 đưa tin.

Mỹ đang hành động nhằm vô hiệu hóa
Mỹ đưa ra hàng loạt biện pháp giảm phụ thuộc vào đất hiếm Trung Quốc.

Trong báo cáo dài 50 trang được công bố ngày 4/6, Bộ Thương mại Mỹ đã phác thảo một loạt các biện pháp để tăng nguồn cung trong nước và chấm dứt sự phụ thuộc vào đất hiếm nhập khẩu từ Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh đe dọa sử dụng đất hiếm, nguyên liệu không thể thiếu trong ngành công nghệ cao, thiết bị quân sự, làm “vũ khí” đối đầu Mỹ trong cuộc chiến thương mại.

Theo Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, năm 2018, khoảng 59% lượng nhập khẩu đất hiếm của Mỹ - vốn rất quan trọng đối với thiết bị điện tử tiêu dùng và quân sự - đến từ Trung Quốc.

Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ lưu ý rằng trong số 35 khoáng sản được coi là trọng yếu của Chính phủ Mỹ, nguồn cung của 31 khoáng sản chủ yếu đến từ các nguồn nước ngoài và 14 khoáng sản khác là hoàn toàn nhập khẩu.

Theo Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, các giao dịch thương mại về khoáng sản của Trung Quốc với Mỹ năm 2018 đạt tới gần 92 triệu USD.

“Những khoáng sản quan trọng này thường bị bỏ qua nhưng cuộc sống hiện đại mà không có chúng là điều không thể. Thông qua các khuyến nghị được nêu chi tiết trong báo cáo này, chính phủ liên bang sẽ có hành động chưa từng có để đảm bảo rằng Mỹ sẽ không bị cắt đứt khỏi các nguồn nguyên liệu quan trọng này”, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết hôm 4/6.

Trong báo cáo, Bộ Thương mại Mỹ đưa ra 61 khuyến nghị về để tăng cường khả năng tự cung cấp các khoáng sản quan trọng, bao gồm đất hiếm, từ các bước ngắn hạn, như dự trữ, đến các động thái dài hạn bao gồm thăm dò các nguồn khoáng sản, xây dựng các mỏ mới và tái thiết lập năng lực sản xuất và chế biến.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đi thăm một cơ sở sản xuất đất hiếm ở Giang Tây ngay sau khi Mỹ tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đi thăm một cơ sở sản xuất đất hiếm ở Giang Tây ngay sau khi Mỹ tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc.

Nó cũng kêu gọi tăng cường thương mại và hợp tác với các đồng minh như Nhật Bản, Australia và EU, những nước có trữ lượng và sản lượng đất hiếm cao. Tăng cường nghiên cứu và phát triển nguồn cung đất hiếm và các khoáng sản quan trọng trong nước.

Hiện, mỏ Mountain Pass của California là cơ sở đất  hiếm  duy nhất của Mỹ hoạt động. Nhưng MP Materials, chủ sở hữu của Mountain Pass, vận chuyển khoảng 50.000 tấn đất hiếm khai thác mỗi năm cho Trung Quốc xử lý vì lo ngại môi trường. Do đó, hiện không có cơ sở chế biến đất hiếm nào ở Mỹ.

Để phát triển ngành công nghiệp khai khoáng ở Mỹ, báo cáo đề xuất hợp lý hóa các giấy phép khai thác, loại bỏ các trở ngại pháp lý cho khai thác khoáng sản quan trọng.

Báo cáo cũng đề xuất Mỹ mở rộng hợp tác giữa chính phủ và tư nhân để tăng đường đầu tư khai thác.

Bộ Thương mại Mỹ cảnh báo: “Nếu Trung Quốc hoặc Nga ngừng xuất khẩu (đất hiếm) sang Mỹ và các đồng minh trong một thời gian dài, tương tự như lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc năm 2010 với Nhật Bản, một sự gián đoạn nguồn cung kéo dài có thể gây ra những cú sốc đáng kể trên toàn chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng của Mỹ và nhiều nước khác”.

Lo ngại này là hoàn toàn có căn cứ bởi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang căng thẳng. Mỹ tăng thuế 25% đối với 200 tỉ USD hàng Trung Quốc cũng như dọa sẽ tăng thuế với hơn 300 tỷ USD còn lại. Bắc Kinh có nhiều động thái cho thấy có thể sẽ dùng đất hiếm để đáp trả Mỹ.

Ngày 4/6, Ủy ban Phát triển và Tài nguyên Quốc gia (NDRC), cơ quan lập kế hoạch hàng đầu của Trung Quốc, cho hay các chuyên gia trong lĩnh vực này đã thúc giục họ xem xét việc thắt chặt kiểm soát xuất khẩu và thiết lập một cơ chế kiểm tra kỹ lưỡng hơn đối với việc xuất khẩu các loại khoáng sản, bao gồm cả đất hiếm.

Theo Ngân hàng Merrill Lynch của Mỹ, năm 2018, Trung Quốc chiếm tới 78% sản lượng đất hiếm của cả thế giới dù nước này không phải là nước duy nhất có trữ lượng đất hiếm. Nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ, hạn chế khai thác vì lo ngại những tác động xấu đến môi trường.

Ông Helen Lau, một nhà phân tích kim loại và khai thác khoáng sản tại Công ty Chứng khoán Argonaut, cho biết theo quan điểm của Trung Quốc, quy định tốt hơn về đất hiếm sẽ ‘giết chết hai con chim bằng một hòn đá’ vì ngoài việc sử dụng nó làm đòn bẩy chống lại Mỹ, nó cũng sẽ giúp giải quyết một loạt các vấn đề môi trường.

Tuy nhiên, ông cho rằng đây cũng là cơ hội cho Mỹ giảm phụ thuộc vào khoáng sản Trung Quốc. “Trong nhiều thập kỷ, Mỹ đã không phát triển ngành khai thác và chế biến đất hiếm, mặc dù họ rất giàu tài nguyên đất hiếm. Tôi nghĩ rằng thật là hợp lý khi một quốc gia muốn cải chính việc một số khoáng sản quan trọng bị phụ thuộc quá mức vào nước khác”, ông Lau cho hay.

“Trung Quốc có nhiều quan bài quan trọng và Mỹ cũng vậy. Vì vậy chúng ta không chắc quân bài nào sẽ là quân bài thực sự. Liệu đất hiếm có phải là vũ khí hiệu quả hay không vẫn chưa thực sự có câu trả lời”, ông Lau nói thêm.

 

Nga kí thỏa thuận phát triển 5G với Huawei bất chấp Mỹ cảnh báo gián điệp

Huawei của Trung Quốc vừa ký thỏa thuận phát triển mạng 5G tại Nga trong bối cảnh tập đoàn viễn thông này đang bị Mỹ cho vào danh sách đen và bị nhiều nước phương Tây “tẩy chay” vì lo ngại an ninh.

 

'Án tử' cho các công ty công nghệ Mỹ nếu không tẩy chay Huawei

Nếu không chịu tẩy chay Huawei theo đề nghị của chính phủ Mỹ, các hãng công nghệ sẽ phải đối mặt với những lệnh trừng phạt, thậm chí là án hình sự.

 

Mỹ không chia sẻ thông tin tình báo nếu Đức dùng Huawei

Mỹ tiếp tục gây áp lực lên đồng minh châu Âu khi nói rằng các nước sử dụng thiết bị Huawei để xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông sẽ không được chia sẻ dữ liệu tình báo quan trọng.