Mỹ điều tàu chiến áp sát đá Chữ Thập và đá Vành Khăn ở Trường Sa

Thứ năm, 29/08/2019, 06:18 AM

Tàu khu trục Wayne E. Meyer đi vào phạm vi 12 hải lý quanh đá Chữ Thập và đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa trong cuộc tuần tra ngày 28/8

My dieu tau chien ap sat da Chu Thap va da Vanh Khan o Truong Sa hinh anh 1
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer "đi thuyền trong phạm vi 12 hải lý của đá Chữ Thập và đá Vành Khăn để thách thức các yêu sách hàng hải quá đáng và bảo vệ quyền tiếp cận các tuyến đường thủy theo luật pháp quốc tế", Chỉ huy Hải quân Mỹ Reann Mommsen, người phát ngôn của Hạm đội 7, nói với CNN trong một tuyên bố.

"Mỹ sẽ bay, đi thuyền và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép", bà nói và nhấn mạnh rằng hoạt động tự do hàng hải (FONOP) "không phải là về bất kỳ một quốc gia nào, cũng không phải là về tuyên bố chính trị".

Dưới thời Tổng thống Trump, hải quân Mỹ tăng cường các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông. Hoạt động của tàu Wayne E. Meyer diễn ra trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang mạnh mẽ vào cuối tuần trước khi hai bên tung các đòn thuế ăn miếng trả miếng.

Một quan chức quốc phòng Mỹ nói với CNN rằng một tàu quân sự Trung Quốc đã đi theo tàu chiến Mỹ trong hoạt động này nhưng tất cả các tương tác đều an toàn và chuyên nghiệp.

Đá Vành Khăn và đá Chữ Thập là hai trong 7 thực thể ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép và cải tạo thành đảo nhân tạo. Trung Quốc thúc đẩy hoạt động quân sự hóa tại các đảo nhân tạo này, xây dựng nhiều cơ sở quân sự và các đường băng đủ khả năng tiếp nhận tiêm kích và oanh tạc cơ hạng nặng.

Vị trí các bãi đá bị Trung Quốc bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo ở Trường Sa. Đồ họa: Thư viện Quốc hội Mỹ.

Vị trí các bãi đá bị Trung Quốc bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo ở Trường Sa. Đồ họa: Thư viện Quốc hội Mỹ.

Hôm 26/8, Lầu Năm Góc đã đưa ra tuyên bố rằng họ "rất lo ngại bởi những nỗ lực liên tục của Trung Quốc nhằm vi phạm trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương". Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Trung Quốc đã "nối lại sự can thiệp cưỡng chế đối với các hoạt động dầu khí lâu năm của Việt Nam trên Biển Đông".

"Trung Quốc sẽ không chiếm được lòng tin của các nước láng giềng cũng như sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế bằng cách duy trì các chiến thuật bắt nạt", tuyên bố nói thêm.

Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc quay trở lại khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Bộ Ngoại giao ngày 16/8 đã phản đối hành động này.

Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể chối cãi với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời tôn trọng hoạt động tự do hàng hải và hoan nghênh các hành động đóng góp cho hòa bình, an ninh khu vực của các quốc gia trên Biển Đông.

"Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và luật pháp quốc tế", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói.

 

Việt Nam phản ứng về việc Mỹ đưa tàu sân bay vào Biển Đông

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải và hàng không phù hợp với luật pháp quốc tế tại khu vực Biển Đông.

 

Báo Mỹ: Việt Nam có chiến lược thông minh để ngăn Trung Quốc ở Biển Đông

Việt Nam đã có chiến lược thông minh để ngăn chặn các hành vi ngang ngược của Trung Quốc, ngăn Bắc Kinh định chiếm gần như toàn bộ Biển Đông, tờ Forbes của Mỹ ngày 7/8 bình luận.