Mỹ dọa sẽ trừng phạt Myanmar sau cuộc chính biến

Thứ ba, 02/02/2021, 07:14 AM

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 1/2 đe dọa sẽ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với giới lãnh đạo quân sự của Myanmar.

Tổng thống Joe Biden trong một buổi phát biểu tại Phòng Bầu dục hôm 28/1. Ảnh: AP

Tổng thống Joe Biden trong một buổi phát biểu tại Phòng Bầu dục hôm 28/1. Ảnh: AP

Theo Reuters, tuyên bố mới của Tổng thống Biden hôm 1/2 đã lên án vụ chính biến và việc giam giữ nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi là “cuộc tấn công trực tiếp vào quá trình chuyển giao sang nền dân chủ và pháp quyền của Myanmar".

“Mỹ đã dỡ bỏ lệnh trừng phạt với Myanmar trong thập kỷ qua dựa trên sự tiến bộ đối với nền dân chủ của nước này. Việc đảo ngược tiến bộ trên sẽ thúc đẩy xem xét lại ngay lập tức các lệnh và quyền hạn trừng phạt, tiếp sau là các hành động phù hợp”, ông Biden nói.

Tổng thống Joe Biden kêu gọi quân đội Myanmar dỡ bỏ tất cả các lệnh hạn chế về viễn thông, và kiềm chế sử dụng vũ lực đối với dân thường. Ông cho biết, Mỹ đang “rất lưu tâm đến những người sát cánh cùng người dân Myanmar trong thời khắc khó khăn này.”

Trước đó, Myo Nyunt, người phát ngôn của đảng Liên minh quốc gia vì Dân chủ (NLD), cho biết nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và nhiều nhân vật cấp cao khác trong đảng đã bị bắt giữ trong một cuộc đột kích của quân đội vào rạng sáng 1/2.

Vụ bắt giữ diễn ra sau nhiều ngày căng thẳng leo thang giữa chính phủ dân sự và quân đội. Theo kế hoạch, Quốc hội Myanmar trong hôm 1/2 sẽ nhóm họp phiên đầu tiên, sau khi đảng NLD giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử hồi tháng 11/2020.

Kênh truyền hình Myawadday vào sáng hôm 1/2 đã phát tuyên bố rằng, Myanmar hiện đã chuyển sang tình trạng khẩn cấp quốc gia, và mọi quyền điều hành đất nước sẽ được giao cho quân đội trong thời hạn khoảng 1 năm.

Trước đó, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) kêu gọi các bên ở Myanmar hoà giải, tiến hành đối thoại đưa đất nước nhanh chóng quay trở lại trạng thái bình thường.

Cụ thể, Brunei - nước Chủ tịch ASEAN 2021 đã kêu gọi đối thoại, hòa giải giữa các bên, kênh Channel News Asia đưa tin.

ASEAN đã lên tiếng sau khi lực lượng quân đội Myanmar bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cùng nhiều quan chức cấp cao khác, tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm và bổ nhiệm một vị tướng lên nắm quyền tổng thống.

Trong thông cáo của nước Chủ tịch ASEAN, Brunei nói rằng ASEAN “khuyến khích theo đuổi đối thoại, hòa giải và khuyến khích việc trở lại tình trạng bình thường phù hợp với ý chí và lợi ích của người dân Myanmar”.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết trong tuyên bố đưa ra ngày 1/2 để trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước những diễn biến tình hình gần đây tại Myanmar

“Là nước láng giềng trong khu vực và cùng là thành viên ASEAN, Việt Nam hết sức quan tâm theo dõi tình hình đang diễn ra tại Myanmar. Việt Nam mong muốn Myanmar sớm ổn định tình hình để xây dựng và phát triển đất nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và tiếp tục đóng góp cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN”, bà Hằng nói.