Mỹ muốn nói chuyện, cần thiện chí

Chủ nhật, 02/06/2019, 06:26 AM

Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 1/6 cho biết, Iran có thể sẵn sàng đàm phán nếu Mỹ cho thấy sự tôn trọng và tuân thủ các quy tắc quốc tế, song Tehran sẽ không bị "gây sức ép" để buộc phải đàm phán.

my-muon-noi-chuyen-hay-thien-chi
Tổng thống Rouhani tại al-Quds (Jerusalem) ngày 31/5. (Nguồn: AFP)

Hãng thông tấn Fars dẫn lời Tổng thống Hassan Rouhani nói: "Chúng tôi rất logic và sẽ đàm phán nếu bên còn lại ngồi vào bàn đàm phán với thái độ tôn trọng cũng như tuân thủ các quy tắc quốc tế, chứ không phải khi bên đó ra lệnh đàm phán".

Cùng ngày, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố Tehran không cần trung gian hòa giải trong các cuộc đàm phán với Washington, nhưng quyết định về đối thoại nên để cho cấp cao nhất đưa ra.

Trả lời phỏng vấn đài Al-Alam, ông Zarif cho biết: "Chúng tôi tuyên bố chúng tôi không cần trung gian hòa giải".

Theo Ngoại trưởng Zarif, để đảm bảo các cuộc đối thoại có ý nghĩa, phía Mỹ nên quay trở lại hoàn thành các nghĩa vụ của mình trong thỏa thuận hạt nhân. Ông Zarif nói thêm: "Trước tiên họ phải thể hiện rằng họ là một bên của thỏa thuận này".

Trước đó, vào ngày 29/5, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng thể hiện sẵn sàng đối thoại, không loại trừ khả năng đàm phán với Mỹ nếu Washington dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Tổng thống Rouhani nêu rõ bất cứ khi nào Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt bất công, thực thi đầy đủ các cam kết và quay trở lại bàn đàm phán mà Washington tự rời bỏ, Iran sẽ mở cánh cửa đàm phán. Tuy nhiên, theo ông, người dân Iran sẽ chỉ đánh giá phía Mỹ qua các hành động cụ thể.

Hồi tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khẳng định ông luôn để ngỏ khả năng đàm phán với Iran nếu Tehran thể hiện mong muốn như vậy. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng chỉ rõ rằng Washington không phản đối ý tưởng có sự tham gia của bên trung gian trong đàm phán.

Căng thẳng giữa Tehran và Washington gia tăng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với nước này, đặc biệt thời gian gần đây Washington gia tăng sức ép tối đa với Tehran bằng cách chấm dứt miễn trừ trừng phạt đối với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu dầu thô từ Iran. Căng thẳng leo thang đẩy hai quốc gia này vào nguy cơ đối đầu quân sự khi Mỹ đã điều động thêm quân cùng các máy bay ném bom và tàu sân bay tới Trung Đông, tuyên bố động thái trên nhằm đối phó với "các mối đe dọa từ Iran."

Liên quan đến 4 tàu chở dầu bị tấn công ở ngoài khơi Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) ngày 12/5 vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi đã bác bỏ cáo buộc của Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho rằng Tehran "đứng sau" vụ tấn công.

Trong một tuyên bố đăng tải trên trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Iran, ông Mousavi nêu rõ việc Mỹ đưa ra những cáo buộc "nực cười" như vậy không có gì lạ lẫm. Theo ông, với sự kiên nhẫn, cảnh giác cao độ, và sẵn sàng phòng thủ, Iran sẽ ngăn chặn những âm mưu gây bất ổn khu vực. Trước đó, phát biểu tại thủ đô Abu Dhabi, ông Bolton cho rằng 4 tàu trên đã bị tấn công bằng "thủy lôi hải quân gần như chắc chắn từ Iran".

 

Lo sợ leo thang căng thẳng ở Trung Đông, ông Putin từ chối bán S-400 cho Iran

Nga dường như lo ngại sự xuất hiện của hệ thống S-400 trên lãnh thổ Iran có thể làm căng thẳng leo thang tại Trung Đông.

 

Trung Quốc tuân thủ lệnh trừng phạt của Mỹ, ngừng mua dầu Iran

Trung Quốc đã ngừng mua dầu từ Iran sau khi Washington tuyên bố quyết định không gia hạn miễn trừ lệnh trừng phạt Iran đối với một số quốc gia, Wall Street Journal ngày 28/5 dẫn các nguồn tin trong ngành dầu khí Iran cho hay.