Mỹ sai ở đâu khi gắn mác Việt Nam thao túng tiền tệ?

Chủ nhật, 27/12/2020, 08:18 AM

Chuyên gia David Dapice nhận định bộ tiêu chí được Mỹ sử dụng để cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ không còn phù hợp với thời kỳ dịch Covid-19.

Ngày 16/12, Bộ Tài chính Mỹ xác định Việt Nam và Thụy Sĩ là hai quốc gia thao túng tiền tệ cùng với 10 quốc gia thuộc diện theo dõi. Phía Mỹ cáo buộc Việt Nam đáp ứng cả 3 tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Mỹ, thặng dư cán cân vãng lai và mua ròng ngoại tệ.

Trao đổi với Zing, ông David Dapice, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Trung tâm Ash về Quản trị Dân chủ và Đổi mới, thuộc Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy, Đại học Harvard nhận định Việt Nam không đáng bị gắn mác thao túng tiền tệ.

Theo ông, các tiêu chí trong bộ quy tắc của Mỹ không được điều chỉnh phù hợp với thời kỳ dịch Covid-19. Tuy nhiên, vị chuyên gia khẳng định chính quyền mới của Mỹ sẽ bị đặt vào thế khó với động thái của chính quyền ông Trump.

Các lập luận nhằm hỗ trợ cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ của Bộ Tài chính Mỹ rất yếu ớt.

Các lập luận nhằm hỗ trợ cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ của Bộ Tài chính Mỹ rất yếu ớt.

Bộ quy tắc để dán nhãn không phù hợp

"Tôi không nghĩ rằng Việt Nam nên bị gắn mác thao túng tiền tệ vì về cơ bản, tỷ giá hối đoái VND/USD thực (được điều chỉnh theo chênh lệch lạm phát ở hai nước) ổn định kể từ năm 2016. Nếu tính từ năm 2010, sức mạnh đồng tiền Việt Nam so với đồng USD thậm chí còn tăng, đi ngược với cáo buộc phá giá đồng tiền", ông Dapice nói với Zing.

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam cũng không ở mức "vượt trội", thậm chí thấp hơn hầu hết nền kinh tế khác trong khu vực ASEAN và Ấn Độ. Trong khi đó, đồng tiền được định giá thấp sẽ dẫn đến dự trữ ngoại hối tăng. Vì vậy, các lập luận cho rằng Việt Nam thao túng tiền tệ khá yếu.

"Đáng nói, các tiêu chí trong bộ quy tắc của Mỹ không được điều chỉnh cho thời kỳ dịch Covid-19. Tại đó, thâm hụt tài chính của Mỹ là 3.000 tỷ USD và nhiều nhà máy Mỹ phải đóng cửa. Chưa kể đến việc Mỹ áp thuế nặng lên hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc, từ đó chuyển làn sóng FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) từ Trung Quốc sang Việt Nam", ông Dapice nhấn mạnh.

Trong khi đó, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch Covid-19 và duy trì hoạt động của gần như mọi nhà máy.

"Tóm lại, Việt Nam không đáng bị đánh thuế đối với hàng hóa xuất khẩu vì mác thao túng tiền tệ. Hầu hết vấn đề và sự mất cân bằng thương mại đều do đòn thuế của Mỹ đối với Trung Quốc, thâm hụt tài chính và thương mại của Mỹ gia tăng và đồng USD mạnh đến năm 2019", vị chuyên gia kết luận.

"Vào thời điểm này, tôi nghĩ quyết định của chính quyền ông Trump mang tính chính trị nhiều hơn. Tổng thống Donald Trump đang cố gắng thu hút sự ủng hộ từ các nhóm ủng hộ bảo hộ thương mại", ông nói thêm.

Ông David Dapice, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Trung tâm Ash về Quản trị Dân chủ và Đổi mới, thuộc Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy, Đại học Harvard.

Ông David Dapice, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Trung tâm Ash về Quản trị Dân chủ và Đổi mới, thuộc Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy, Đại học Harvard.

Trong cuộc phỏng vấn với Zing, ông Dapice cũng dẫn bài viết của giáo sư Jason Furman - nhà kinh tế nổi tiếng nước Mỹ - cho rằng mác thao túng tiền tệ của Mỹ với Việt Nam là một sai lầm. "Việc cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ là một sai lầm cơ bản và cho thấy những vấn đề lớn của khái niệm thao túng tiền tệ", giáo sư Furman khẳng định trong bài viết đăng trên trang web của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson.

Nhà kinh tế Furman là giáo sư Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard và là thành viên Viện Kinh tế Quốc tế Peterson. Hồi năm 2013, ông được Tổng thống Mỹ Barack Obama bổ nhiệm làm chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Mỹ.

Giáo sư Furman cho rằng theo một khía cạnh nào đó, tất cả chính sách tiền tệ đều là "thao túng tiền tệ". Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất, đồng USD sẽ suy yếu và điều đó có lợi cho xuất khẩu Mỹ.

Một quốc gia sử dụng tỷ giá hối đoái cố định có thể đạt mục tiêu tương tự bằng cách giảm tỷ giá. Trong cả hai trường hợp, các chính sách đều thay đổi lãi suất và tỷ giá. "Và không có nhiều cơ sở để phân biệt rõ ràng hai cách tiếp cận", giáo sư Furman nhấn mạnh.

"Chính quyền mới sẽ đảo ngược hành động"Lối ngoại giao trừng phạt thương mại của chính quyền Mỹ hiện tại gây ít nhiều bất lợi cho Việt Nam. Theo ông Dapice, mức thuế 25% đối với hàng hóa Việt Nam có thể làm tăng giá hàng hóa đối với người tiêu dùng Mỹ. Tuy nhiên, đó sẽ là đòn giáng mạnh đối với các nhà sản xuất Việt Nam và những công ty đầu tư vào Việt Nam như Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trên thực tế, giá trị gia tăng trong lĩnh vực điện tử của Việt Nam khá thấp. Phần lớn giá trị hàng điện tử xuất khẩu kể trên đến từ các quốc gia kể trên.

"Trong những tuần cuối ở Nhà Trắng, không loại trừ khả năng Tổng thống Trump sẽ hành động", ông Dapice cảnh báo. Tuy nhiên, hành động của ông Trump không kéo dài lâu. Tổng thống mới có thể đảo ngược những động thái này.

"Tôi không cho rằng chính quyền mới của Mỹ sẽ hiếu chiến hay theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ không công bằng. Tuy nhiên, nếu chính quyền ông Trump áp thuế vào đầu tháng 1, chính quyền mới có thể bị đặt vào thế khó", ông nói thêm.

Điều trớ trêu là chính đòn thuế đã khiến xuất khẩu của Mỹ giảm và thâm hụt thương mại gia tăng. Vì vậy, những người có lý trí sẽ ủng hộ việc mở cửa thị trường (như Việt Nam đang làm) thay vì đóng cửa giống ông Trump.

Việt Nam không đáng bị đánh thuế đối với hàng hóa xuất khẩu do mác thao túng tiền tệ

- Ông David Dapice

Trong khi đó, theo giáo sư Furman, việc cáo buộc sai là một vấn đề đáng chú ý. Điều này sẽ khiến Mỹ giảm tập trung vào các khía cạnh quan trọng hơn của mối quan hệ kinh tế với Việt Nam. "Cái giá cuối cùng mà Mỹ phải trả là thay vì tập trung giải quyết các vấn đề trong nước, Mỹ lại chuyển mối lo ngại sang những tác nhân bên ngoài", ông Furman cảnh báo.

Về giải pháp ứng phó, ông Dapice nhận định: "Việt Nam có thể hứa mua hàng hóa Mỹ. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam nên phối hợp và chủ động trao đổi với phía Mỹ. Qua đó, các bộ phận khác nhau trong chính quyền Mỹ sẽ cân nhắc về một chính sách cân bằng hơn".

Theo vị chuyên gia tại Trung tâm Ash, chính quyền tiếp theo của Mỹ nên tái gia nhập TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, nay là CPTPP), hoặc đàm phán một Hiệp định Thương mại Tự do với Việt Nam để đạt các thỏa thuận tương tự trong TPP. "Tôi tin rằng điều này có thể thực hiện được nếu Việt Nam quan tâm", ông Dapice khẳng định.