Mỹ sẽ trừng phạt Trung Quốc tuần này, Trung Quốc mở rộng sân bay gần Ấn Độ

Thứ tư, 27/05/2020, 13:44 PM

Trung Quốc mở rộng gấp đôi một sân bay ở Tây Tạng, cách nơi tranh chấp với Ấn Độ chỉ hơn 200 km. Washington sắp công bố một số biện pháp trừng phạt Bắc Kinh.

Tin thế giới 27/5: Mỹ sẽ trừng phạt Trung Quốc tuần này.

Tin thế giới 27/5: Mỹ sẽ trừng phạt Trung Quốc tuần này.

Tin thế giới 27/5: Trung Quốc mở rộng sân bay gần Ấn Độ

Ảnh vệ tinh được Đài truyền hình Ấn Độ NDTV công bố ngày 26/5 cho thấy Trung Quốc đang mở rộng sân bay hỗn hợp Ngari Gunsa ở phía tây Tây Tạng.

Hôm 6/4, sân bay Ngari Gunsa mới chỉ có một đường băng và nhà ga đón khách nhỏ. Nhưng đến 6 tuần sau, diện tích sân bay đã tăng gấp đôi, trong đó có một công trường lớn ở phía Bắc nhà ga. Phía Nam sân bay cũng đang thi công, dường như là một đường băng hoặc đường lăn hỗ trợ.

Sân bay Ngari Gunsa phục vụ cả hoạt động vận tải dân sự và quân sự. Không quân Trung Quốc đã điều ít nhất 4 tiêm kích J-11 đến đây từ cuối năm 2019. Động thái mở rộng sân bay của Trung Quốc được cho là nhằm tăng khả năng tiếp nhận và vận hành tiêm kích ở sát biên giới Ấn Độ cũng như đối phó phi đội tiêm kích hạng nặng Su-30MKI.

Ngari Gunsa là một trong những sân bay cao nhất thế giới, ở độ cao gần 4.300 m so với mực nước biển. Do vậy, máy bay khó hạ cánh do không khí loãng.

Sân bay chỉ cách hồ Pangong Tso khoảng 200 km. Đây là nơi lực lượng biên phòng Trung Quốc và Ấn Độ đã có cuộc chạm trán với hôm 9/5 khiến nhiều người bị thương. Quân đội Ấn Độ và Trung Quốc sau đó đã liên lạc và thực hiện các biện pháp giảm căng thẳng.

Tin thế giới 27/5: Mỹ sẽ hành động với Trung Quốc trong tuần này

Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ có hành động chống lại Trung Quốc tuần này vì dự luật an ninh Hong Kong.

"Chúng tôi đang tiến hành một số thứ. Tôi nghĩ mọi người sẽ thấy nó rất hay, nhưng tôi sẽ không nói về điều đó hôm nay", ông Trump nói với phóng viên tại Nhà Trắng khi được hỏi liệu ông trừng phạt Trung Quốc về luật an ninh với Hong Kong hay không.

"Mọi người sẽ được biết trước cuối tuần này. Tôi nghĩ nó rất mạnh mẽ", Trump trả lời. Trước đó, người phát ngôn Nhà Trắng Kayleigh McEnany cho biết Tổng thống không hài lòng về dự luật an ninh Hong Kong và cho rằng "thật khó để xem Hong Kong vẫn là trung tâm tài chính nếu Trung Quốc tiếp quản thành phố này".

Hôm 22/5, dự luật an ninh Hong Kong đã được đệ trình lên quốc hội Trung Quốc. Theo thông tin ban đầu, dự luật cấm các hoạt động ly khai, lật đổ, cũng như sự can thiệp của nước ngoài và khủng bố trong thành phố.

Trung Quốc cho rằng dự luật củng cố nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ", phục vụ lợi ích và hỗ trợ Hong Kong. Trưởng Đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga tuyên bố dự luật không ảnh hưởng đến quyền, tự do, tính độc lập tư pháp của đặc khu và bà sẽ "hợp tác hoàn toàn" với quốc hội Trung Quốc để hoàn thành dự luật.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia khác như Mỹ, Anh, Australia, Canada cho rằng luật an ninh này sẽ chấm dứt quyền tự trị của Hong Kong và gây hại cho cả nền kinh tế của cả Hong Kong và Trung Quốc đại lục.

Hôm 24/5, hàng ngàn người Hong Kong đã xuống đường biểu tình để phản đối dự luật. Một số cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình đã xảy ra.