Đã đến lúc Mỹ 'vẫn ổn' dù không thân với Arab Saudi?

Thứ sáu, 19/10/2018, 16:02 PM

CNN ngày 19/10 bình luận, Tổng thống Trump dường như lo ngại Washington sẽ vướng quá nhiều rủi ro nếu khiến Arab Saudi phải trả giá về cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khác cho rằng, lo ngại đó không còn cần thiết.

da-den-luc-my-van-on-du-khong-than-voi-arab-saudi
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Thái tử Arab Saudi hồi tháng 3/2018 tại Nhà Trắng.

Theo CNN, vì nhiều lý do chính trị và địa chính trị trong nước, ông Trump tin rằng sẽ có lợi hơn nếu tìm được “đường thoát” cho chính Mỹ và đồng minh Arab Saudi khỏi cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại lớn nhất trong gần hai năm cầm quyền của ông, thay vì dùng Arab Saudi làm “gương” cho hình phạt của Mỹ đối với những nước bị Washington cáo buộc vi phạm nhân quyền.

Arab Saudi đã tạo thành nền tảng cho chính sách Trung Đông của Tổng thống Donald Trump, và quyết định trừng phạt nghiêm trọng vương quốc này có thể châm ngòi cho một sự kỳ thị, làm tê liệt hy vọng đối đầu Iran của ông Trump. Nó cũng sẽ làm suy yếu vị trí chiến lược của Washington trong khu vực hay đem lại cơ hội cho các cường quốc đối thủ như Trung Quốc. Đó có thể là điều Nhà Trắng đang lo ngại.

Sự chần chừ của ông Trump trước những áp lực trong nước và các đồng minh được cho là do ông không muốn đánh mất các đơn hàng mua vũ khí Arab Saudi cũng như không muốn các cường quốc khác như Trung Quốc và Nga tận dụng cơ hội khi Mỹ và Arab Saudi căng thẳng. Chính quyền của ông Trump cũng cho rằng vương quốc này đóng vai trò quan trọng đối với an ninh năng lượng và lợi ích ở Trung Đông của Mỹ.

“Tôi không thích trường hợp (Arab Saudi) hủy hợp đồng mua vũ khí 110 tỷ USD. Các bạn biết họ sẽ làm vậy. Họ sẽ dùng số tiền đó để chi tiêu (mua vũ khí) của Nga, Trung Quốc hoặc của quốc gia nào đó”, ông Trump nói với các phóng viên hồi tuần trước.

Nhiều nhà quan sát cho rằng đó là lý do Nhà Trắng đang khăng khăng chờ đợi bằng chứng từ các cuộc điều tra của chính phủ Arab Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ trước khi quyết định hành động. Động thái này khác hẳn với cách thức mà Washington luôn làm trước đây.

Ví dụ gần đây nhất là vụ hai cha con cựu điệp viên Nga Spikal nghi bị đầu độc ở Anh. Dù chưa có kết quả điều tra cuối cùng nhưng Mỹ đã hùa theo đồng minh Anh, trục xuất hàng chục nhà ngoại giao Nga.

Việc ông Trump một mặt tuyên bố sẽ trừng phạt nghiêm khắc Arab Saudi, mặt khác cho vương quốc này thêm thời gian điều tra sẽ giúp ông xoa dịu những áp lực trong nước và từ các đồng minh, đồng thời để cho Arab Saudi tìm “lối thoát” hợp lý.

Nhiều nhà bình luận cho rằng việc để Arab Saudi điều tra là không khách quan và khó có thể tìm ra sự thật. "Cách duy nhất để có một cuộc điều tra công bằng và khách quan là phải điều tra từ bên ngoài", nhà bình luận an ninh quốc gia Max Boot của CNN cho biết. "Kết quả điều tra sẽ không thể kết luận thái tử - người đứng đầu vương quốc, là người đứng sau vụ việc”, ông nói.

Mỹ vẫn ổn nếu không thân với Arab Saudi?

Trong khi đó, tờ USA Today ngày 16/10 dẫn lời nhiều chuyên gia bình luận rằng một mối quan hệ ít thân thiện với Arab Saudi không thể gây hại cho lợi ích của Mỹ ở Trung Đông. Đã đến lúc ngừng “coi như không biết” những hành động tệ hại của Arab Saudi.

da-den-luc-my-van-on-du-khong-than-voi-arab-saudi
Nhà báo Khashoggi đang trở thành tâm điểm trong quan hệ Mỹ - Arab Saudi.

Giới chính trị gia ở Washington dường như đang muốn trừng phạt quyết liệt đồng minh lâu năm Arab Saudi. Các viện chính sách đang trả lại tiền đầu tư, nhiều công ty đang từ chối các doanh nghiệp Arab Saudi và Quốc hội Mỹ đang tích cực cân nhắc các biện pháp trừng phạt vương quốc này. Dường như, người duy nhất đang băn khoăn là Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông chấp nhận lời phủ nhận liên quan đến vụ nhà báo Khashoggi mất tích của Vua Salman.

Nếu ở bốn thập kỷ trước, những lo ngại của ông Trump là cần thiết bởi khi đó dầu mỏ và an ninh thực sự là những lý do để Mỹ phải duy trì quan hệ tốt đẹp với Arab Saudi, nhưng giờ tình thế đã khác vì nhiều lý do, USA Today dẫn lời nhiều chuyên gia nhận định.

Thứ nhất, lợi ích của Mỹ và Arab Saudi ở Trung Đông đang dần có những khác biệt. Arab Saudi muốn kiềm chế Iran nhưng cũng đang gây hỗn loạn ở nhiều nước láng giềng. Cuộc chiến do Arab Saudi dẫn đầu ở Yemen đã tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo và dẫn đến nạn đói tồi tệ nhất trong nhiều năm qua ở nước này. Vì điều này, Mỹ cũng đã bị chỉ trích bởi là nguồn cung cấp vũ khí chủ yếu của Arab Saudi.

Mặc dù cũng đang ủng hộ phe đối lập ở Syria như Mỹ nhưng nước này đã bắt đầu phong tỏa Qatar hay bắt cóc Thủ tướng Lebanon. Việc Arab Saudi bao vây Qatar - một trong những địa điểm đặt căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ tại Trung Đông cũng đã phá vỡ sự thống nhất của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh - nguồn ủng hộ chính trị đáng kể cho các chính sách của Mỹ trong khu vực.

Chính sách đối ngoại của Arab Saudi được cho là ngày càng gây bất ổn Trung Đông. Giảm thiểu mối quan hệ của Mỹ với Arab Saudi chắc chắn sẽ không làm hỏng mà ngược lại có thể cải thiện lợi ích của Mỹ ở Trung Đông.

Thứ hai, thị trường dầu mỏ toàn cầu đã thay đổi rất nhiều so với khi Tổng thống Jimmy Carter lập luận vào năm 1980 rằng Mỹ cần bảo vệ Trung Đông để đảm bảo dòng dầu ở đây. Đúng là Arab Saudi vẫn là một nhà sản xuất dầu mỏ lớn trên toàn cầu, nhưng những thay đổi trên thị trường thế giới gần đây đã chứng minh nước Mỹ ngày nay ít phụ thuộc hơn rất nhiều vào năng lượng Trung Đông .

Ngoài ra, sự hợp tác về mặt năng lượng giữa Mỹ và Arab Saudi cũng không còn tốt đẹp như trước.  Vương quốc này từng đồng ý tăng cường sản xuất dầu mỏ theo yêu cầu của Mỹ nếu giá nhiên liệu ở phương Tây lên quá cao. Tháng 6/2018, khi ông Trump áp đặt các lệnh trừng phạt, cắt đứt nguồn cung dầu mỏ Iran khỏi thị trường thế giới, Arab Saudi đồng ý với Washington về việc tăng cường sản xuất thêm 500.000 thùng dầu/ngày. Nhưng kể từ đó, Arab Saudi không làm theo yêu cầu tăng số lượng các thùng dầu của Mỹ nữa. Điều này đã thực sự khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump chật vật để giữ giá xăng dầu trong nước không tăng sau khi trừng phạt Iran.

Theo USA Today, ngay cả việc ông Trump biện minh rằng bán vũ khí cho Arab Saudi rất quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ cũng là sai lầm. Các chuyên gia tin rằng các hợp đồng mua vũ khí trị giá 110 tỷ USD với Arab Saudi thực tế chỉ có giá trị khoảng 28 tỷ USD. Quan trọng hơn, các đơn hàng mua vũ khí của vương quốc này chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng thể ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ.

Trong khi đó, dù mối quan hệ hai nước không có “sứt mẻ” gì sau vụ nhà báo Khashoggi, Arab Saudi cũng đang tìm cách độc lập hơn về thương mại và nguồn cung cấp vũ khí từ Mỹ cũng như thiết lập vị thế quyết đoán hơn trong khu vực. Trong 4 năm qua, vương quốc này đã mua vũ khí cả từ Anh, Nga, Trung Quốc, Phần Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều quốc gia khác, thay vì chỉ chọn Mỹ như trước đây.

Vì những lý do trên, nhiều nhà phân tích khẳng định, những lo ngại của ông Trump khi định trừng phạt Arab Saudi về vụ nhà báo Khashoggi mất tích là không cần thiết.

 

Đã xác định được nơi thi thể nhà báo Arab Saudi bị vứt?

Thổ Nhĩ Kỳ đã xác định được một số địa điểm có thể là nơi thi thể nhà báo Arab Saudi Khashoggi bị vứt, trong đó có một khu rừng ở ngoại ô thành phố Istanbul.

 

Diễn biến ngày 18, 19/10 vụ nhà báo Arab Saudi nghi bị sát hại

Thổ Nhĩ Kỳ nói đã cho Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nghe đoạn ghi âm ghi lại khoảnh khắc nhà báo Arab Saudi bị sát hại và phân xác tại lãnh sự quán ở Istanbul là một trong những diễn biến mới nhất.

 

Thái tử Ả Rập Saudi phủ nhận liên quan nghi án nhà báo Khashoggi bị sát hại

New York Times dẫn lời cơ quan tình báo Mỹ cho hay họ có nhiều bằng chứng cho thấy người của Thái tử Mohammed bin Salman có liên quan đến vụ việc, khi một cận vệ của ông bất ngờ xuất hiện tại Lãnh sự quán Ả Rập Saudi tại Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm vụ án diễn ra.