Năm 2018 phải chấm dứt tình trạng dư thừa nhân lực sư phạm: ‘Nói hay nhưng liệu có làm được’?

Thứ ba, 02/01/2018, 14:02 PM

“Bộ trưởng đang rất mong muốn cải thiện chất lượng đào tạo sư phạm, từ đó nâng cao chất lượng giáo viên. Tuy nhiên, cái mốc năm 2018 là rất khó. Năm 2018 là khi nào, quý mấy? Nếu là quý 1 thì đã có gì trong tay để thực hiện?”.

giai phap giao duc
"Giải quyết lao động ngành sư phạm dư thừa là đúng, nhưng những giải pháp của Bộ trưởng đưa ra liệu có khả thi", Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương nghi vấn?

Giải quyết lao động ngành sư phạm dư thừa là đúng, nhưng liệu có khả thi?

Vừa qua, hàng loạt giải pháp, mục tiêu được đưa ra yêu cầu cần thực hiện ngay trong năm 2018 để chấm dứt tình trạng dư thừa cử nhân sư phạm đã được Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nêu trong hội nghị giữa các trường sư phạm được tổ chức ở Hà Nội.

Tuy nhiên, biện pháp đưa ra là một chuyện, thực tế hóa được những điều đó mới là quan trọng. Nêu quan điểm xung quanh vấn đề này, ông Vũ Văn Lương, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương nhận định: “Lộ trình năm 2018 cho những giải pháp và mục tiêu ấy sẽ khó thực hiện được”.

Ông Vũ Văn Lương cho rằng, Bộ trưởng đang rất mong muốn cải thiện chất lượng đào tạo sư phạm, từ đó nâng cao chất lượng giáo viên. Tuy nhiên, cái mốc năm 2018 là rất khó. Năm 2018 là khi nào, quý mấy? Nếu là quý 1 thì chúng ta đã có gì trong tay để thực hiện.

Thực tại số lượng giáo viên đã tốt nghiệp về địa phương rất nhiều. Trong đó, một số giáo viên họ làm công ty hoặc làm một số việc khác để chờ việc, con số này cũng không hề nhỏ. Tôi không thể khẳng định là bao nhiêu năm nữa sẽ hết nhưng ví dụ tại tỉnh Hải Dương một năm có 300 - 400 giáo viên nghỉ hưu, nhưng con số sinh viên sư phạm ra trường và chưa có việc lớn hơn rất nhiều. Có lẽ vài chục năm nữa mới bố trí hết, đấy là trong điều kiện chúng ta không cần đào tạo thêm mới”.

Trước mục tiêu Bộ Giáo dục đưa ra, Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương cho biết, đó là quan điểm đúng đắn, nhưng có giải quyết được vấn đề hay không lại là chuyện không hề đơn giản.

Ông Lương khẳng định, hiện nay, số lượng sinh viên sư phạm ra trường phần lớn là chờ thời cơ để xin việc. Ông lo ngại, trong thời gian chờ đợi giải quyết việc ấy, các sinh viên đang thất nghiệp liệu có bị rơi kiến thức: “Các em sẽ làm gì để sống? Cộng với chúng ta đang chủ trương giảm biên chế một cách quyết liệt. Ý của Bộ trưởng rất hay nhưng hậu quả của các trường sư phạm để lại là rất lớn rồi. Theo tôi, không thể giải quyết hết được”.

ong-vu-van-luong1
Ông Vũ Văn Lương, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương. Ảnh: Công Luân.

"Bộ trưởng nói, sẽ chuyển đổi ngành nghề cho những sinh viên này. Nhưng tôi đặt ra câu hỏi là “Ai chuyển?”. Bây giờ chỉ có chuyển vào làm công nhân thôi! Chỉ tiêu công chức, viên chức trong ngành giáo dục là nhiều nhất còn không bố trí hết thì làm sao có chuyện những ngành khác sẽ sử dụng số sinh viên đó. Chưa kể sinh viên sư phạm rất khó thích nghi và chuyển đổi ngành nghề. Những ngành nghề khác người ta cũng đào tạo, thậm chí là cũng đang dư thừa", ông Lương phân tích.

Giải pháp nào khả thi khi giải quyết nguồn nhân lực sư phạm dư thừa?

Theo giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Hải dương, 10 năm trở lại đây, việc mở trường đại học, ngành nghề đào tạo là tràn lan. Gần như trường nào cũng đa ngành, đào tạo ra tốn kém cho xã hội rất nhiều.

“Nếu như được đề xuất với Bộ trong năm học tới Hải Dương đào tạo bao nhiêu sinh viên sư phạm, tôi sẽ đề xuất không cần. Bởi nội tại nguồn nhân lực sư phạm trong tỉnh còn thừa rất nhiều. Chúng tôi sẽ không đào tạo nguồn nhân lực sư phạm trong nhiều trong nhiều năm tiếp theo nữa, ông nói.

Từ ví dụ tại Hải Dương cho thấy có thể, các trường sư phạm phải ngừng đào tạo. Nếu như vậy, cuộc sống thầy cô trường đó sẽ thế nào. Về phía địa phương, xã hội thì tốt. Nhưng về các trường thì là cả bài toán khó.

Bây giờ có thể giải thể, sáp nhập một số trường sư phạm và giải quyết số giáo viên không đáp ứng được nhu cầu, giải quyết chế độ về hưu sớm, về một cục... Nhưng để làm được điều đó cần có rất nhiều nghị định của Chính phủ, Quốc hội, chứ không thể làm ngay.

Đề xuất giải pháp cho việc này, theo ông Vũ Văn Lương, cần phải quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, những trường không phải sư phạm thì không cho đào tạo nữa. Xin cơ chế chính sách của Chính phủ, Quốc hội để giải thể, sáp nhập các trường sư phạm lại.

Thứ hai có thể phải tạm dừng đào tạo 1 năm, 2 năm hoặc nếu có đào tạo thì phải là số lượng rất ít để đáp ứng cho TP. Hồ Chí Minh, vùng núi, những nơi thiếu giáo viên. Thứ ba, cơ chế chính sách cho giáo viên. Bây giờ đi làm công nhân cũng được 6, 7 triệu đồng một tháng. Nghề cao quý thì mức lương cũng phải tương xứng chứ. Cô giáo mầm non có 2 triệu đồng thì ai muốn vào nghề. 

Quan trọng học xong 4 năm làm gì? Thu nhập bao nhiêu? Nếu bạn được 27, 30 điểm bạn vào công an quân đội, học xong ra có việc ngay, không phải lo toan chạy việc gì cả, chứ mấy ai chọn vào sư phạm?”

Ông Lương cho biêt thêm, mới đây cũng đề xuất tăng lương giáo viên, nhưng Quốc hội vẫn chưa duyệt. Năm 2018 làm sao có thể tăng luôn được. Nếu như hỏi địa phương 1 năm cần bao nhiêu giáo viên, tôi đăng ký được ngay, nhìn vào lượng giáo viên sắp nghỉ hưu là được. Bao năm qua chưa bao giờ Bộ GD hỏi câu này.

Theo vị này, muốn nâng điểm đầu vào phải có giải pháp, giải pháp chính là sức hút của ngành. Học sư phạm miễn giảm vài đồng học phí cũng không đáng kể gì so với những chi phí khác và đó còn là bài toán cả cuộc đời.

 

Bỏ ‘lệnh cấm’ thi vào lớp 6: Chính sách giáo dục không thể nay đổi mai thay!

Đây là khẳng định của PGS.TS Phạm Ngọc Trung, học viện Báo chí và Tuyên truyền. Theo ông, cách đây 2 năm, bộ GD&ĐT quyết định không tuyển sinh đầu vào bậc THCS.