Năm học mới gần kề, bao giờ mới có quy chuẩn về sữa học đường?

Thứ bảy, 17/08/2019, 10:40 AM

Trước thềm năm học mới với những vấn đề xoay quanh tiêu chuẩn về Sữa học đường, đại diện Bộ Y tế khẳng định vẫn đang lấy ý kiến việc bổ sung vi chất như thế nào.

nam-hoc-moi-gan-ke-bao-gio-moi-co-quy-chuan-ve-sua-hoc-duong
Hiện nay, tại Việt Nam đã có 13 tỉnh thành đang triển khai chương trình Sữa học đường.

Chương trình Sữa học đường được Thủ tướng phê duyệt tháng 7/2016. Hai tháng sau đó, Bộ Y tế ban hành quy định tạm thời với sữa tươi trong chương trình Sữa học đường, nhưng không nêu rõ cần bổ sung bao nhiêu vi chất và hàm lượng từng vi chất.

Trước thềm năm học mới, vấn đề về sữa học đường lại 1 lần nữa "nóng". Cho biết về việc áp dụng quy định về tiêu chuẩn sữa học đường, ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) khẳng định: "Nói chậm trễ trong việc ban hành quy chuẩn về sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường là chưa chính xác.

Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký không dưới 3 lần công văn gửi UBND các địa phương đề nghị triển khai, nhắc rất rõ nguyên liệu sản xuất ra sữa tươi học đường phải đáp ứng thông tư của Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thông và phải theo quyết định 5450 ( Bộ Y tế ban hành từ 28/9/2016, cách đây 3 năm), khi chưa có quyết định nào ra mới thì quyết định 5450 vẫn có hiệu lực. Với các quy định hiện hành của Bộ Y tế, sự vào cuộc của các cấp, các doanh nghiệp và người dân thực hiện thì việc triển khai sữa học đường vẫn đang thực hiện".

Trong cuộc trao đổi, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) cũng thừa nhận, Bộ Y tế chưa thống nhất được việc bổ sung bao nhiêu vi chất vào sản phẩm sữa học đường. Đến nay vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau trong việc bổ sung vi chất vào sữa học đường, như tranh cãi nên bổ sung 3, 18 hay 21 vi chất.

Vì vậy, Bộ Y tế vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Hiện Bộ Y tế đang lấy ý kiến doanh nghiệp và các nhà khoa học. Ông Nguyễn Đức Vinh cho rằng, việc bổ sung vi chất vào sữa cần phải có căn cứ khoa học, có tính khả thi và phải phù hợp với quốc tế.

Ông Nguyễn Đức Vinh cũng chia sẻ, để cải thiện tình trạng thấp còi ở trẻ em trong quyết định của Thủ tướng nêu rõ không chỉ triển khai sữa học đường mà còn rất nhiều chương trình can thiệp khác tác động vào, đặc biệt là vai trò của Bộ GD-ĐT trong việc giáo dục dinh dưỡng hợp lý, tăng cường hoạt động thể lực.

Theo ông Vinh, việc bổ sung vi chất như thế nào cũng cần xem xét lựa chọn phương án giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước, giảm chi phí người dân và bảo đảm quyền lợi của các doanh nghiệp tham gia cung cấp sản phẩm phục vụ chương trình.

Ngày 8/7/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1340/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Chương trình Sữa học đường. Đồng thời, ngay sau đó, ngày 28/9/2016 Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5450/QĐ-BYT về Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi của Chương trình Sữa học đường cùng các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện Chương trình Sữa học đường.

Trong hướng dẫn, Bộ Y tế nhấn mạnh: Sản phẩm dùng trong Chương trình Sữa học đường phải sử dụng nguyên liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu theo Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2017 của Bộ NN&PTNT. Nguyên liệu sữa tươi này khi sản xuất thành sản phẩm sữa học đường phải đạt yêu cầu theo quy định tại Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế.

 

Hà Nội tham gia chương trình Sữa học đường, đạt tỷ lệ 87,7%

Ngày 06/8/2019, Sở Giáo dục và Đào tạo (Sở GDĐT) Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Tổng kết chương trình Sữa học đường (SHĐ) năm học 2018-2019 và đưa ra kế hoạch triển khai chương trình SHĐ năm học 2019-2020 với sự tham dự của các đại diện Sở, Ngành, Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội.

 

Diễn viên Mạnh Trường: 'Mong nhiều trẻ em được thụ hưởng chương trình sữa học đường hơn nữa'

Sau 2 ngày ghé thăm "resort" bò sữa Tây Ninh và Nhà máy sữa Vinamilk Bình Dương, "tận mục sở thị" dây chuyền sản xuất cũng như hành trình kỳ công cho ra đời những hộp sữa học đường chất lượng và giàu dinh dưỡng, diễn viên Mạnh Trường mong sẽ có nhiều hơn nữa trẻ em khắp cả nước được thụ hưởng chương trình sữa học đường.

 

Gói thầu Sữa học đường Hà Nội: Chủ đầu tư được 'lợi kép'

Lợi ích kép của Chương trình sữa học đường của Hà Nội khi đơn vị trúng thầu có mức hỗ trợ cao hơn so mức mời thầu giúp tiết kiệm cho ngân sách Thành phố hàng trăm tỉ đồng và còn mang về cho trẻ em thủ đô sản phẩm được bổ sung thêm nhiều vi chất dinh dưỡng quan trọng.