Năm học tới, học phí sẽ chưa tăng?

Thứ ba, 17/11/2020, 07:12 AM

Trước tình hình dịch bệnh và mưa lũ, Bộ GD&ĐT đã có văn bản báo cáo Chính phủ, đề xuất mức học phí của năm học tới của một số bậc học sẽ tiếp tục áp dụng theo khung của năm học hiện tại…

 Dự kiến sẽ áp dụng mức học phí mới từ năm học 2021 – 2022, tuy nhiên Bộ GD&ĐT đang đề xuất hoãn việc thực hiện. Ảnh minh họa: Q.Anh

 Dự kiến sẽ áp dụng mức học phí mới từ năm học 2021 – 2022, tuy nhiên Bộ GD&ĐT đang đề xuất hoãn việc thực hiện. Ảnh minh họa: Q.Anh

Những quy định mới trong Dự thảo

Bộ GD&ĐT vừa thông báo lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với Dự thảo (lần 2) Nghị định quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Bộ GD&ĐT cho biết, Dự thảo nhằm thay thế cho Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ sẽ hết hiệu lực từ năm học 2021 - 2022. Theo đó, Dự thảo cũng nêu đề xuất khung học phí của năm học 2021 - 2022 sẽ căn cứ vào kịch bản tăng trưởng kinh tế của Tổng cục Thống kê thông báo giai đoạn 2021 - 2025 là 7,5%, cùng với tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hằng năm khoảng 4 - 5%/năm.

Tuy nhiên, để bảo đảm an sinh xã hội và chia sẻ với gia đình người học, Bộ GD&ĐT đề xuất chỉ tăng 7,5%/năm với học phí mầm non, phổ thông. Với lộ trình này thì đến năm học 2025 - 2026 bù đắp được 50% chi phí đào tạo, đến năm 2030 học phí sẽ bù đắp đủ chi phí đào tạo (đối với trường chưa tự bảo đảm chi thường xuyên).

Theo Dự thảo, đối với cơ sở giáo dục chưa tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng trong nước năm học 2021 - 2020 (đơn vị tính theo nghìn đồng/tháng/học sinh) như sau: Mầm non 300 - 540 (thành thị); 100 - 220 (nông thôn); 50 - 110 (vùng dân tộc thiểu số và miền núi). Tiểu học: 300 - 540 (thành thị); 100 - 220 (nông thôn); 50 - 110 (vùng dân tộc thiểu số và miền núi). THCS: 300 - 650 (thành thị); 100 - 270 (nông thôn); 50 - 170 (vùng dân tộc thiểu số và miền núi). THPT: 300 - 650 (thành thị); 200 - 330 (nông thôn); 100 - 220 (vùng dân tộc thiểu số và miền núi).

Theo Bộ GD&ĐT, việc tăng học phí giúp các cơ sở giáo dục có thể có thêm nguồn kinh phí đầu tư thêm vào các hoạt động hỗ trợ người học như định hướng nghề nghiệp, tư vấn hướng nghiệp… cho học sinh ở cấp học này. Đối với cơ sở giáo dục ĐH công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học trong nước, Bộ GD&ĐT đề xuất mức tăng học phí năm học 2021 - 2022 là 12,5% so với năm học 2020 - 2021 và các năm tiếp theo.

Tiếp tục lắng nghe ý kiến người dân

Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo lần 2, một số ý kiến phụ huynh cho rằng, việc tăng học phí trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tình hình dịch bệnh COVID-19 có những diễn biến phức tạp là chưa phù hợp... Nhiều phụ huynh đồng tình với việc tăng học phí, nhưng quản lý chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay. Phụ huynh Nguyễn Thu Hương có con học THCS tại Hà Nội cho biết: "Hiện nay, học phí các bậc học ở trường công lập tại Hà Nội là khá thấp so với nhiều tỉnh thành khác. Tuy nhiên, ngoài học phí, học sinh còn tham gia rất nhiều khoản thu khác như tiền học 2 buổi/ngày, tiền chăm sóc bán trú, tiền ăn, tiếng Anh liên kết, câu lạc bộ, học thêm tại trường… Do đó, nếu tăng học phí cũng cần giảm bớt các tiết học thu phí tại trường học".

Chia sẻ về câu chuyện mức học phí hiện nay ở một số nơi còn thấp do thành phố hỗ trợ ngân sách, một hiệu trưởng trường THPT tại Hà Nội đã về hưu thẳng thắn cho biết: "Hiện nay học phí là khá thấp, các trường cũng khó có thể nâng cao chất lượng giáo dục, bởi vậy mới phát triển xã hội hóa giáo dục, nhưng cũng đã xảy ra nhiều tranh cãi… Bởi vậy, tăng học phí cũng là cần thiết nếu dựa trên tính toán kỹ, phù hợp với thu nhập người dân. Trong bối cảnh hiện nay, cũng nhiều gia đình đang gặp rất nhiều khó khăn".

Trước những băn khoăn, lo lắng của phụ huynh, trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Nghị định số 86 có hiệu lực đến hết năm học 2020 - 2021, nên Bộ GD&ĐT đã xây dựng Nghị định thay thế để các cơ sở GD&ĐT có căn cứ pháp lý thực hiện từ năm học 2021 - 2022. Quá trình xây dựng và đề xuất mức tăng học phí đã được tính toán dựa trên kế hoạch và các căn cứ hợp lý. Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp; nước ta vừa trải qua nhiều đợt bão, lũ nghiêm trọng, để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người dân.

Cũng theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Bộ GD&ĐT đã có văn bản báo cáo Chính phủ và đề xuất xem xét, cho phép được gia hạn thời gian áp dụng Nghị định số 86 trong năm học 2021 - 2022 với mức học phí giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp áp dụng theo mức học phí của năm học 2020 - 2021 đã được quy định tại Nghị định số 86; mức học phí mầm non, phổ thông áp dụng theo khung của năm học 2020 - 2021 và tiếp tục giao HĐND cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế của địa phương để xem xét phê duyệt. Đồng thời, cho phép Bộ GD&ĐT được lùi thời gian trình ban hành Nghị định sang năm 2021 để có điều kiện tiếp thu ý kiến rộng rãi của toàn xã hội và tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Nghị định.

Bộ GD&ĐT cho biết, ngoài các đối tượng được miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập như quy định hiện hành, Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo còn bổ sung một số đối tượng mới. Cụ thể, bổ sung lộ trình miễn học phí cho trẻ em mầm non 5 tuổi và học sinh THCS được miễn học phí theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019. Học sinh THCS ngoài đối tượng ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo kể từ năm học 2025 - 2026 sẽ được miễn học phí…

Bài liên quan