Thứ năm, 12/04/2018, 06:30 AM
  • Click để copy

Nạn nhân vụ lừa đảo tiền ảo 15 nghìn tỷ: ‘Tôi đã quá tin vào chiêu PR của họ’

Nhiều nạn nhân trong vụ tố lừa đảo bằng tiền ảo 15 nghìn tỷ đồng chia sẻ rằng họ đã quá tin vào những chiêu quảng cáo “chiêu PR” về iFan.

nan-nhan-vu-lua-dao-tien-ao-15-nghin-ty-toi-da-qua-tin-vao-chieu-pr-cua-ho
Hàng ngàn người trở thành nạn nhân của tiền ảo iFan.

Sinh viên cũng muốn đổi đời bằng tiền ảo

Trao đổi với chúng tôi, Trần Phương (tên nạn nhân đã thay đổi) dù mới là một sinh viên đại học (ở Nha Trang) nhưng đã mất đến hơn 100 triệu đồng vì đầu tư vào tiền ảo iFan chia sẻ: “Tôi đã quá tin vào chiêu quảng cáo của họ. Họ quảng cáo trên mạng và các blog quá hoàn hảo đến nỗi tôi không có gì nghi ngờ”.

Theo Phương, mặc dù chưa bao giờ đầu tư chơi tiền ảo song qua quảng cáo và qua bạn bè giới thiệu bạn trẻ này đã tự tìm đến iFan như một kênh đầu tư kinh doanh nhằm “đổi đời”.

“Mình tìm hiểu và thấy rằng ở nước ngoài người ta cũng thường đầu tư tiền ảo để kiếm lời nhanh chóng nên mình cũng xin tiền gia đình để đầu tư. Ban đầu cứ tưởng lợi chứ không ai biết được sẽ có ngày hôm nay”, chàng sinh viên chia sẻ.

Phương cũng cho biết, thời gian đầu tư đến lúc nhận ra mình “ăn quả lừa từ tiền ảo” chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn.

“Tôi nhớ là khoảng tháng 8/2017, ban đầu mua lúc đó giá của iFan là 5 USD/đồng và mua 800 iFan. Khi mua được vài ngày thì giá tiền ảo iFan liên tục tăng, có lúc lên đến 8 USD/đồng thậm chí có lúc là 10 USD/đồng. Sau đó thấy đã có lãi mình muốn rút nhưng họ tìm mọi cách để không cho mình rút tiền về.  Đến khi iFan hạ dần chỉ còn 0,01 USD/đồng. Quá trình diễn ra rất ngắn chỉ trong vòng 1 tháng”, Phương kể.

Cũng theo lời kể của nạn nhân này, hầu hết người chơi chỉ chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng chứ không có hóa đơn hay hợp đồng gì. “Cho đến khi giá hạ rất thấp và trang giao dịch bị khóa thì các nạn nhân mới nhận ra mình bị lừa đảo”, Phương chia sẻ.

Phương "bật mí" rằng có rất nhiều sinh viên dù còn đang đi học như mình nhưng cũng kéo nhau hùn vốn để chơi và số tiền bị mất còn lớn hơn rất nhiều.

Chiêu PR hoàn hảo

Trong khi đó, anh K. một nạn nhân đến từ TP.HCM chia sẻ, bản thân đã “dính bẫy” iFan khi đến dự một sự kiện cực kỳ hoành tráng do nhóm người có tiếng kinh doanh tiền ảo tổ chức.

Ngay lần đầu, được nhóm người này “rót mật” khi hứa hẹn trong tương lai iFan có thể thay tiền mặt dùng để thanh toán phí khách sạn, mua vé xem ca nhạc, thanh toán học phí cho con với giá ưu đãi giảm 40-50% giá thị trường bên ngoài.

Đặc biệt, tại các sự kiện này những lãnh đạo đại diện iFan đã tiến hành bốc thăm, hoặc gọi tên ngẫu nhiên để tặng người chơi một số vốn iFan ban đầu. Hơn nữa, giới lãnh đạo iFan cũng có những người có tiếng trong giới kinh doanh tiền ảo.

nan-nhan-vu-lua-dao-tien-ao-15-nghin-ty-toi-da-qua-tin-vao-chieu-pr-cua-ho
Nạn nhân của tiền ảo iFan gồm đủ mọi tầng lớp.

Sau những lần sự kiện như thế anh K. cùng các nạn nhân khác không còn tiếc rẻ xuống tay cả bạc tỷ để mua iFan.

“Họ hứa hẹn khi iFan lên sàn sẽ tạo ra hệ sinh thái kết nối mọi người. Ví dụ, chị mua đồng iFan với giá 0.1 USD, nhưng khi nó được niêm yết trên sàn, giá có thể tăng lên 5 USD, 6 USD. Chúng tôi đợi đồng iFan lên sàn rồi bán ra, khi đó lợi nhuận rất tốt. Đồng iFan giống như bitcoin, nhưng bitcoin là tiền điện tử, đã được lên sàn quốc tế, còn iFan vẫn là tiền ảo vì chưa được lên sàn", một nạn nhân bày tỏ.

Từ khi mọi chuyện vỡ lở, mọi người không thể liên lạc được với ban lãnh đạo công ty. Coi đây là bài học lớn của đời mình. Giờ đây, những nạn nhân như Phương, như anh K. đều không hy vọng lấy lại được số tiền đã mất nhưng có chung mong muốn là cơ quan chức năng tìm ra những kẻ “lừa đảo” để trị tội trước pháp luật.

Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học cho rằng: Đây là vụ việc rất nghiêm trọng, các cơ quan tố tụng cần nhanh chóng vào cuộc.

Theo nhìn nhận của vị chuyên gia này, trong vụ án này nói riêng cũng như những vụ án lừa đảo đa cấp đã xảy ra, nạn nhân luôn có một phần lỗi khi sẵn sàng biến mình thành con mồi. Kẻ phạm tội sở dĩ gây án thành công, tất cả là vì lòng tham, do tính hám lợi cố hữu của con người đã bị kích hoạt. Chính lòng tham làm con người ta hoa mắt, không nhận ra ẩn họa phía sau những lời đường mật hứa hẹn về lợi ích vô cùng hấp dẫn khi đầu tư vào đồng tiền ảo.

"Từng làm việc với hàng ngàn bị hại trong các vụ án đa cấp lừa đảo trước đây, chúng tôi nhận thấy không phải bị hại nào cũng đáng thương. Nhiều người biết là việc tham gia có rủi ro, thậm chí là lừa đảo nhưng vì cái lợi trước mắt nên vẫn tham gia. Hoặc lỡ tham gia rồi thì cố lôi kéo người khác vào để rút được vốn ra và được hưởng hoa hồng phát triển mạng lưới", Trung tá Hiếu phân tích.

nan-nhan-vu-lua-dao-tien-ao-15-nghin-ty-toi-da-qua-tin-vao-chieu-pr-cua-ho
Hàng loạt gương mặt nghệ sĩ nổi tiếng được iFan dùng làm hình ảnh quảng cáo trên mạng xã hội hòng tăng lòng tin từ nhà đầu tư.

Sau khi dư luận phản ánh về việc nhiều nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng xuất hiện trong các hình ảnh quảng cáo về iFan thì một loạt ca sĩ đã lên tiếng khẳng định mình không liên quan. Ca sĩ Lam Trường, Lệ Quyên, Đàm Vĩnh Hưng đều khẳng định chưa bao giờ có bất kỳ hợp đồng, thỏa thuận nào với công ty liên quan dự án tiền ảo iFan. 

 

iFan kiếm tiền như thế nào?

15.000 tỷ đồng mà iFan bị tố lừa đảo là con số vô cùng lớn. Tuy nhiên chuỗi đa cấp khổng lồ này có cách để làm được điều đó.

 

TP.HCM đã lên tiếng, giao công an điều tra vụ đường dây tiền ảo lừa đảo 15 nghìn tỷ

TP.HCM đã chỉ đạo Công an TP phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh vụ việc liên quan đến đường dây tiền ảo đa cấp bị tố cáo “lừa đảo hơn 15 nghìn tỷ đồng”.

 

Vụ lừa đảo bằng tiền ảo 15 nghìn tỷ: Lòng tham đã đánh lừa tất cả

Chia sẻ xung quanh câu chuyện hơn 32.000 người bị lừa đảo bằng tiền ảo iFan với số tiền cáo buộc lên đến 15 nghìn tỷ đồng, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng lòng tham của mỗi người đã đánh lừa chính họ.