Nâng khống thiết bị y tế Bệnh viện Bạch Mai: 'Tiền tỷ chứ không phải mớ rau, con cá'

Thứ sáu, 04/09/2020, 13:36 PM

Việc thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai bị nâng khống từ 7,6 tỷ đồng lên 40 tỷ đồng khiến người bệnh phải trả tiền gấp nhiều lần làm không ít người cảm thấy phẫn nộ.

 

Thiết bị y tế ở Bệnh viện Bạch Mai bị nâng khống khiến người bệnh bị

Thiết bị y tế ở Bệnh viện Bạch Mai bị nâng khống khiến người bệnh bị "móc túi" gây phẫn nộ.

Tại sao thiết bị y tế ở Bệnh viện Bạch Mai dễ dàng bị nâng khống?

Vụ việc nâng khống thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ đang là tâm điểm chú ý của dư luận.

Một trong những câu hỏi đang được nhiều người đặt ra là trách nhiệm của Bệnh viện Bạch Mai trong vụ việc này ở đâu? Lương tâm của những người thầy thuốc ở đâu? Phải chăng họ không hề biết những chiếc máy chính tay sử dụng cho bệnh nhân có giá thành bao nhiêu? Và phải chăng họ cũng là nạn nhân trong vụ việc này như những lời phát biểu của Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Dương Đức Hùng khi trả lời báo chí?

Qua tìm hiểu hoạt động tại các bệnh viện hiện nay được biết, mỗi bệnh viện đều có phòng ban chuyên môn phụ trách về vấn đề vật tư, trang thiết bị y tế. Những đơn vị này có chức năng phụ trách về vật tư, trang thiết bị tại Bệnh viện, tham mưu cho lãnh đạo Bệnh viện những vật tư cần mua, cần sửa chữa...

Vậy họ có biết về giá thành các loại vật tư trang thiết bị hay không? Trong vụ việc nâng khống này họ có biết giá thành thiết bị bị nâng khống gấp nhiều lần hay không? Tại sao những trang thiết bị y tế có giá cả chục tỷ đồng bị nâng khống gấp nhiều lần lại được chấp nhận đưa vào Bệnh viện Bạch Mai như thế?...Đó là những câu hỏi nhiều người đặt ra và chắc chắn sẽ được cơ quan chức năng điều tra làm rõ. 

"Thiết bị y tế giá hàng chục tỷ đồng chứ đâu phải mớ rau, ngọn cỏ ngoài chợ mà dễ dàng nâng khống, thế nhưng tại sao lại xảy ra chuyện như thế, tại sao những thiết bị này vẫn đường đường đặt tại Bệnh viện lớn như ở Bạch Mai?", Một chuyên gia kinh tế chia sẻ với PV.

Đối tượng Phạm Đức Tuấn - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty BMS và Ngô Thị Thu Huyền - Phó giám đốc.

Đối tượng Phạm Đức Tuấn - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty BMS và Ngô Thị Thu Huyền - Phó giám đốc.

Chia sẻ về việc bệnh nhân bị móc túi trong vụ việc này một nhà từ thiện bức xúc: "Phải nói những bệnh nhân này bị cướp đoạt một cách trắng trợn. Bởi đứng trước nguy cơ bệnh tật, thậm chí cái chết, mấy ai có khả năng từ chối một phương pháp, thiết bị có thể cứu mình".

"Thay vì phải trả số tiền nhỏ, thì biết bao gia đình phải cầm cố tài sản, vay mượn, để có tiền mổ máy, điều trị... Ví như nếu ca mổ đó chỉ hết 4 triệu đồng thì họ có đủ nhưng khi lên đến 23 triệu hoặc hơn nữa có thể họ không đủ và phải chạy chọt, dẫn đến không được mổ đúng ngày, không mổ đúng cách thì mạng sống của họ cũng gần như bị tước đoạt".

Còn những ai tiếp tay nâng khống thiết bị y tế?

Bày tỏ quan điểm về vụ việc này với báo chí, nguyên ĐBQH Bùi Thị An cho rằng: Chủ trương xã hội hóa y tế là hướng đi đúng, nhưng xã hội hóa mà đi lệch theo kiểu móc nối, nâng khống, chia chác lợi ích là không thể chấp nhận.

Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện lớn còn vậy, các bệnh viện khác sẽ như thế nào. Cần thiết phải quy trách nhiệm cho lãnh đạo, xử lý đến gốc rễ, không thể có vùng cấm.

Để chấm dứt tình trạng này, đề nghị công khai hết các giá thành thiết bị y tế liên kết trong các bệnh viện công để người dân giám sát, đặc biệt tại các bệnh viện lớn.

Trên tờ Tiền Phong, TS Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chuyên ngành III cho biết, không chỉ Bạch Mai, tại nhiều Bệnh viện công hiện nay cũng xảy ra hiện tượng thu vượt, thu sai các khoản trong cơ cấu giá…, một số đơn vị còn chia lợi nhuận cho đối tác khi đã hết thời gian liên doanh, liên kết.

TS. Lê Đình Thăng cho biết, KTNN đã đề nghị chấm dứt tình trạng thu các khoản thu đã kết cấu trong cơ cấu giá; thực hiện đúng quy trình kỹ thuật để tránh việc lạm dụng dịch vụ kỹ thuật không cần thiết làm tăng chi phí cho người bệnh; rà soát lại các khoản thu chưa có trong cơ cấu giá..., rà soát lại mức thu đối với các bệnh nhân không có thẻ BHYT, đảm bảo thu đúng theo quy định của Nhà nước.

Đối với hoạt động liên doanh, liên kết, KTNN đề nghị không đưa vào cơ cấu giá các khoản lãi vay mua máy của đối tác, đàm phán với các đối tác điều chỉnh giảm giá hoặc giảm thời gian liên kết và tỷ lệ phân chia phù hợp để đảm bảo hài hòa lợi ích các bên, trong đó có lợi ích của người bệnh.

Dù Bộ Y tế đã xây dựng trong kết cấu giá tiền giường thuộc Bệnh viện hạng I có các trang thiết bị phục vụ người bệnh như, điều hòa, máy hút ẩm, quạt thông gió, cây nước…một số Bệnh viện không trang bị nhưng người bệnh vẫn phải chi trả một khoản chi phí bất hợp lý này.

Theo TS Lê Đình Thăng, KTNN cảnh báo việc đầu tư công ồ ạt tại nhiều Bệnh viện dựa trên nguồn vốn vay không được kiểm soát kỹ có thể dẫn đến rủi ro về hiệu quả đầu tư và lãi suất khoản vay. Không những thế, toàn bộ chi phí phát sinh sẽ được cộng dồn vào chi phí KCB, đẩy giá KCB lên cao, vượt quá khả năng chi trả của người bệnh.

Kết quả kiểm toán một số năm gần đây cho thấy, tại một số đơn vị còn chia lợi nhuận cho đối tác khi đã hết thời gian liên doanh, liên kết…Thậm chí có trường hợp ký hợp đồng liên kết với thời gian thực hiện dài hơn vòng đời thiết kế và khấu hao của máy móc thiết bị; có công ty bên ngoài đưa máy móc tham gia liên kết với BV công nhưng sử dụng hóa chất độc quyền do chính họ cung cấp.

Bài liên quan