Nhập khẩu hàng Trung Quốc dán mác hàng Việt: Biểu hiện kinh doanh chụp giật

Thứ tư, 26/06/2019, 19:16 PM

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, vụ việc của Asanzo có thể dẫn đến phạm luật, vi phạm đạo đức kinh doanh, thiếu trách nhiệm đối với xã hội. Việc làm của họ có biểu hiện cho con đường “chụp giật".

nhap-khau-hang-trung-quoc-dan-mac-hang-viet-bieu-hien-kinh-doanh-chup-giat
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, vụ việc của Asanzo có thể dẫn đến phạm luật, vi phạm đạo đức kinh doanh, thiếu trách nhiệm đối với xã hội. Việc làm của họ có biểu hiện cho con đường “chụp giật". Ảnh minh họa

Những ngày qua, hàng loạt thông tin về việc Công ty Cổ phần Tập đoàn điện tử Asanzo do ông Phạm Văn Tam đứng đầu đã nhập linh kiện rồi xé nhãn Trung Quốc, lột tem và dán tem nhãn "made in Vietnam" vào để bán, gây bức xúc dư luận.

Chia sẻ với báo giới tại hành lang Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, vụ việc của Asanzo có thể dẫn đến phạm luật, vi phạm đạo đức kinh doanh, thiếu trách nhiệm đối với xã hội. Việc làm của họ có biểu hiện cho con đường “chụp giật".

Chủ tịch VCCI cho rằng, nếu doanh nghiệp nhập khẩu nguyên đai, nguyên kiện hàng của Trung Quốc, sau đó dán nhãn “Made in Vietnam” chắc chắn đó là sự không trung thực và lừa dối người tiêu dùng.

"Đây không chỉ là vấn đề kinh doanh, mà đó là ý thức và tinh thần dân tộc. Chúng ta đang phát động phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, doanh nghiệp gắn mác như vậy đã gây nhầm lẫn, lừa dối khách hàng, đi ngược xu thế của một cuộc vận động lớn, đi ngược sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam" - TS Vũ Tiến Lộc nói.

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc nêu lên bất cập quy định về xuất xứ hàng hóa. Theo đó, hiện nay khái niệm “xuất xứ” từ Việt Nam thì có, nhưng “Made in Vietnam” thì chưa rõ. Như vậy, trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đây là chưa đưa ra được một khái niệm thống nhất về vấn đề này.

Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý thị trường chống gian lận thương mại đã để những hành vi như vậy diễn ra mà không phát hiện được.

"Đối với trách nhiệm của Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao trong vụ việc này, theo tôi việc Asanzo là cơ quan này dựa trên sự bình xét của người tiêu dùng. Và chắc là trong quá trình đó, Hội có trao đổi với cơ quan quản lý nhưng không phát hiện ra sai phạm.

Tuy nhiên, chung tôi rất hoan nghênh khi Hội đã có phản ứng nhanh, kịp thời tước bỏ ngay danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao đã trao cho Asanzo", TS Vũ Tiến Lộc nói.

Trước đó, trả lời Dân trí, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin trên báo chí về việc Tập đoàn Asanzo sử dụng hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt thì đơn vị này đã tiến hành “tước” danh hiệu HVNCLC của Tập đoàn Asanzo.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, hành vi nhập hàng Trung Quốc ghi xuất xứ Việt Nam đã gây tổn thương nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng trong nước, dù vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra.

“Chúng tôi đánh giá cao hoạt động nghiệp vụ của anh chị em phóng viên đã đầu tư công phu, theo đuổi gần 6 tháng để đưa ra ánh sáng một vấn nạn tai hại là hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt, mà trong bối cảnh hiện nay thì càng có thể gây ra thiệt hại lớn cho Việt Nam vì có thể bị cho là tiếp tay cho cách làm ăn gian lận, man trá”, bà Hạnh nói.

Theo bà Hạnh, trong trường hợp của Asanzo, các cơ quan quản lý địa phương không có phát hiện vi phạm về pháp luật và rất nhiều báo đài vẫn liên tục đăng bài biểu dương sản phẩm, danh hiệu, giải thưởng và người đứng đầu tập đoàn.

Mặc dù các cơ quan chức năng còn gặp bất cập trong việc kiểm soát, ngăn chặn tình trạng làm ăn gian dối thì Hội Doanh nghiệp HVNCLC đã chủ động loại “hàng loạt” doanh nghiệp có dấu hiệu hay chứng cứ vi phạm. Thế nhưng, điều đáng tiếc là Hội đã để sót tên của Asanzo.

“Thay mặt ban chấp hành, tôi nhận lỗi với người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính về sai sót này. Chúng tôi tước quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận HVNCLC đối với doanh nghiệp Asanzo theo điều 6 - Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận HVNCLC”, bà Hạnh thẳng thắn chia sẻ.

Vụ việc Asanzo chưa lắng xuống, dư luận xôn xao trước thông tin hình ảnh về sản phẩm nồi cơm điện SHD8602 của Công ty CP Tập đoàn Sunhouse có tem hàng Việt Nam chất lượng cao nhưng ở dưới kệ bán hàng lại ghi xuất xứ Trung Quốc.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ người tiêu dùng, Công ty CP Tập đoàn Sunhouse đã có “động thái” lên tiếng về vụ việc này. Theo như giải thích từ phía tập đoàn này cho biết, hình ảnh sản phẩm được đặt tại bảng giá của siêu thị Co.op Mart ghi xuất xứ Trung Quốc dẫn đến hiểu lầm sản phẩm SHD8602 nhập khẩu Trung quốc…

 

Từ vụ Asanzo: Danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao 'trao nhầm' cho bao nhiêu doanh nghiệp?

Asazo - Hàng Việt Nam chất lượng cao đã bị cáo buộc dùng hàng Trung Quốc nhưng "đội lốt" hàng Việt Nam. Điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng. Nhất là phong trào người Việt Nam dùng hàng Việt Nam đang lên cao.

 

Sau Asanzo nhiều doanh nghiệp vào 'tầm ngắm' thanh, kiểm tra

Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát nhằm phát hiện các trường hợp tương tự Asanzo và đề xuất các biện pháp thanh kiểm tra, chống thất thu, nợ động thuế, chống chuyển giá, trốn thuế...

 

Việt Nam chi 30 tỉ USD nhập thiết bị, linh kiện... Trung Quốc

Nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện nhập từ Trung Quốc tính đến tháng 5-2019, kim ngạch nhập khẩu đạt hơn năm tỉ USD, tốc độ tăng lên đến 81% so với cùng kỳ năm ngoái.