New York Times vạch trần ‘bí mật bẩn’ của ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ

Thứ hai, 17/12/2018, 16:20 PM

Theo một cuộc điều tra từ New York Times, ngành công nghiệp dầu mỏ đang thực hiện một chiến dịch quan hệ công chúng bí mật nhằm làm suy yếu các tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu của Mỹ.

new-york-times-vach-tran-bi-mat-ban-cua-nganh-cong-nghiep-dau-mo-my
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch nâng mức khí thải cho phép đối với xe hơi.

Năm nay, khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch nâng mức khí thải cho phép đối với xe hơi, nhiều nhà sản xuất xe “giật mình” bởi nó còn tuyệt vời hơn những gì họ mong đợi. Tuy nhiên, có một đối tượng khác được hưởng lợi và cũng chính là bên thúc đẩy kế hoạch này, đó là ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ, NYT ngày 13/12 cho hay. 

Tại quốc hội, trên Facebook, Marathon Petroleum, nhà máy lọc dầu lớn nhất nước Mỹ, đã bắt tay với các tập đoàn công nghiệp dầu mỏ hùng mạnh và một mạng lưới chính sách bảo thủ được tài trợ bởi tỷ phú công nghiệp Charles G. Koch để thực hiện một chiến dịch lén lút nhằm hạ các tiêu chuẩn khí thải xe hơi, NYT khẳng định.

Lập luận chính của chiến dịch là nước Mỹ không còn phải lo lắng về bảo tồn năng lượng nữa hay không cần các tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng nữa bởi giờ Mỹ đã là một nhà sản xuất xăng dầu lớn.

Một lá thư được cho là để gửi cho các thành viên quốc hội Mỹ mà NYT thu thập được có ý nói rằng, khi sự khan hiếm dầu mỏ không còn là vấn đề đáng lo ngại nữa, người Mỹ nên được lựa chọn những phương tiện phù hợp nhất với nhu cầu của họ. Đây cũng là những luận điểm chính thức mà chính quyền ông Trump đã đưa ra khi đề xuất giảm tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu.

new-york-times-vach-tran-bi-mat-ban-cua-nganh-cong-nghiep-dau-mo-my
Marathon Petroleum bị cho là đã thực hiện chiến dịch giảm tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu của Mỹ.

Theo điều tra của NYT, không chỉ ở quốc hội, các nhà lọc dầu còn đang tiến hành một chiến dịch lén lút để thuyết phục công chúng rằng các tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu không còn cần thiết. Marathon đã hợp tác với Hội đồng trao đổi lập pháp Mỹ (ALEC), để đẩy quảng cáo trên Facebook và vận động hành lang ở cấp tiểu bang và liên bang. Họ tuyên bố một nghị quyết gọi các tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu là “hậu quả của một câu chuyện không được chứng minh về sự khan hiếm tài nguyên”.

Một tuần sau khi Washington công bố kế hoạch hạ thấp tiêu chuẩn về khí thải đối với xe ô tô, một quảng cáo trên Facebook có hình ảnh ông Trump vẫy tay cùng thông điệp “Hãy ủng hộ chương trình tự do xe hơi của tổng thống” đã xuất hiện và kéo dài tới hai tháng.

Ngành công nghiệp dầu mỏ cho rằng các quy định tiết kiệm nhiên liệu không cần thiết nữa bởi Mỹ là một nhà sản xuất dầu lớn. Suy nghĩ này cũng đã bị “ngấm” vào giới chính trị, và nó cũng giải thích cho sự thờ ơ đột ngột đối với tình trạng Dự trữ xăng dầu chiến lược (SPR) đang bị bán ồ ạt sau nhiều thập kỷ được bảo vệ nghiêm ngặt.

Động lực khá rõ ràng. Nếu các phương tiện tiết kiệm nhiên liệu hiệu quả hơn xuất hiện ngày càng nhiều, doanh số bán xăng của các nhà máy lọc dầu sẽ giảm. Các nhà sản xuất ô tô phải lo lắng về việc tuân thủ các tiêu chuẩn về nhiên liệu còn các nhà lọc dầu lại muốn bán nhiều nhiên liệu hơn. Giám đốc điều hành của Marathon, Gary Heminger, đã nói với các nhà đầu tư vào đầu tháng 12/2018  rằng khi các tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu được giảm xuống, ngành lọc dầu sẽ bán thêm được 350.000 đến 400.000 thùng xăng mỗi ngày.

Đến năm 2030, việc đóng băng các tiêu chuẩn của ngành ô tô theo như đang được đề xuất sẽ dẫn đến nhu cầu dầu của Mỹ tăng từ 221.000 đến 644.000 thùng mỗi ngày, Tập đoàn Rhodium cho hay.

Một số chuyên gia cho rằng việc giảm các tiêu chuẩn khí thải ngành xe hơi có thể sẽ dẫn đến tác động lớn nhất đối với phát thải khí nhà kính của Mỹ hơn bất kỳ kế hoạch nào khác mà chính quyền của ông Trump đang theo đuổi.

Trong khi đó, Amy Myers Jaffe, thành viên cao cấp về năng lượng và môi trường tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, đã tóm tắt cuộc điều tra của New York Times trên twitter như sau: “Marathon Petroleum, nhà lọc dầu lớn nhất nước Mỹ, muốn bạn dùng nhiều sản phẩm của họ hơn, mua nhiều xăng dầu hơn, lái xe có công nghệ kém, để công việc tương lai rơi vào tay Trung Quốc, tăng cường sức mạnh của Saudi/OPEC, gây hại cho an ninh quốc gia Mỹ”.

 

Giá xăng dầu sẽ tăng Tết Kỷ Hợi 2019?

Giá xăng dầu thế giới tăng ngay sau khi EPEC cắt giảm 200.000 thùng/ngày, giá xăng dầu thế giới tăng sẽ đẩy giá xăng trong nước tăng.

 

Chính quyền Pháp nhượng bộ người biểu tình, hoãn tăng thuế xăng dầu trong 6 tháng

Hôm nay (4/12), Thủ tướng Pháp Edouard Philippe ra thông báo sẽ hoãn việc tăng thuế nhiên liệu trong 6 tháng. Đây là động thái nhằm xoa dịu phong trào biểu tình đã bị cực đoan hóa và đẩy Paris vào hỗn loạn cuối tuần trước.

 

Bạo động ở Paris: Giá xăng dầu chỉ là cái cớ hay giọt nước làm tràn ly?

Người biểu tình ở Pháp phản đối thuế cao, tăng thuế nhiên liệu, đòi Tổng thống Marcon từ chức. Các cuộc biểu tình khá phổ biến ở Pháp nhưng lần này nó ở mức tồi tệ nhất trong thập kỉ qua. Tình trạng đó được cho là có căn nguyên rất sâu rộng.