Nga cắt khí đốt tới Đức

Thứ tư, 01/06/2022, 13:51 PM

Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom thông báo ngừng cung cấp khí đốt đến Đức thông qua hãng Shell Energy vì từ chối thanh toán bằng đồng ruble.

Một nhân viên kiểm tra thiết bị giám sát tại trạm nén khí Slavyanskaya, điểm bắt đầu đường ống khí đốt Nord Stream 2 từ Nga sang Đức. Ảnh:TASS.

Một nhân viên kiểm tra thiết bị giám sát tại trạm nén khí Slavyanskaya, điểm bắt đầu đường ống khí đốt Nord Stream 2 từ Nga sang Đức. Ảnh:TASS.

Gazprom cho biết họ sẽ cắt nguồn cung khí đốt cho hãng Shell Energy với hợp đồng cung cấp khí đốt cho Đức, cũng như công ty điện lực Orsted của Đan Mạch vào ngày 1/6, theo Reuters.

Động thái trên diễn ra sau khi cả hai công ty từ chối thanh toán bằng đồng ruble cho phía Nga.

Shell cho biết họ sẽ nỗ lực để duy trì lượng khí đốt đến các khách hàng của mình ở châu Âu sau tuyên bố của Gazprom.

Chia sẻ với BBC, công ty cho hay họ sẽ tiếp tục nhận khí đốt thay thế từ các nguồn khác của mình, đồng thời loại bỏ dần việc sử dụng các nhiên liệu hóa thạch của Nga.

Shell cũng tuyên bố họ không đồng ý với "các điều khoản thanh toán mới do Gazprom đưa ra", trong đó bao gồm việc tạo tài khoản ngân hàng Nga.

"Chúng tôi sẽ làm việc để tiếp tục cung cấp cho khách hàng của mình ở châu Âu thông qua danh mục cung cấp khí đốt đa dạng của chúng tôi", phát ngôn viên của hãng nói.

Trong khi đó, Orsted hôm 30/5 cho biết việc Gazprom ngừng cung cấp khí đốt sẽ khiến nguồn cung của Đan Mạch gặp rủi ro.

Tuyên bố của Gazprom được đưa ra sau khi các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu cho biết họ sẽ dừng hầu hết hoạt động nhập khẩu dầu Nga vào cuối năm 2022 để trừng phạt Moscow vì “chiến dịch quân sự" vào Ukraine.

Để đối phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga đã cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan và Hà Lan, sau khi các nước này từ chối tuân thủ yêu cầu của Nga, chuyển sang thanh toán bằng đồng ruble.

Hãng Shell Energy cam kết vào tháng 4 sẽ không mua dầu từ Nga nữa, nhưng cho biết các hợp đồng đã ký trước khi cuộc xung đột diễn ra sẽ được tiếp tục.

Shell từng bị chỉ trích khi mua dầu thô của Nga với giá rẻ ngay sau khi cuộc xung đột bắt đầu.

Phát biểu sau Hội nghị thượng đỉnh bất thường của EU ở Brussels cùng ngày, Thủ tướng Olaf Scholz nói rõ dù lệnh cấm của EU trước mắt chỉ áp dụng với dầu mỏ của Nga được vận chuyển qua đường biển nhưng Đức và quốc gia láng giềng Ba Lan vẫn muốn ngừng nhập khẩu dầu của Nga vận chuyển qua đường ống Druzhba vốn đưa dầu mỏ của Nga tới 5 nước châu Âu gồm Đức, Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Séc và Slovenia. Cụ thể là Đức sẽ nỗ lực để tới cuối năm 2022 có thể ngừng nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Nga, trong khi Ba Lan cũng sẽ có những động thái tương tự.

Bên cạnh đó, Đức cũng sẽ nỗ lực để giảm bớt phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga vốn chiếm khoảng 35% tổng mức tiêu thụ trong nước. Thời hạn mà Đức đặt ra cho việcchấm dứt nhập khẩu khí đốt Nga là vào mùa Hè năm 2024. Hiện Đức đã có một số bước đi hướng tới mục tiêu này như dốc sức xây dựng các trạm tiếp nhận khí hoá lỏng và cơ sở hạ tầng cần thiết để nhập khí đốt từ các nguồn khác.