'Ngành công an giải quyết vấn đề tội phạm để quốc thái, dân an là nhân dân mừng lắm rồi'

Thứ hai, 16/11/2020, 19:17 PM

ĐB Nguyễn Quốc Hận bày tỏ, ngành công an cần tập trung giải quyết vấn đề tội phạm để quốc thái, dân an là nhân dân mừng lắm rồi, không cần nhận thêm nhiệm vụ quản lý đào tạo, sát hạch và cấp GPLX.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận. Ảnh Quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận. Ảnh Quochoi.vn

Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ hiện hành. Tuy nhiên, việc tách hai luật như nêu trên vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, vì vậy cả phiên thảo luận sáng và chiều đều rất sôi nổi, những tranh luận thẳng thắn. Hầu hết các ý kiến đều phân vân khi tách thành 2 luật, có bị tăng biên chế không, có gây lãng phí không, có cần thiết không.

Chiều nay 16/11, ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cho rằng, nếu thay đổi sẽ gây tốn kém do thay đổi cấp lại GPLX trong khi Chính phủ đang kêu gọi tiết kiệm, dành nguồn lực để phát triển đất nước. Hiện giấy tờ do ngành công an cấp như hộ chiếu, chứng minh thư nhân dân cũng bị làm giả, thậm chí có cả công an giả để lừa dân. Do đó không nên giao hết quyền lực vào một số bộ ngành nào đó để tránh đặc quyền, đặc lợi.

“Chưa thấy ai giả danh nông dân vì có giả cũng không lừa được ai. 1 nghề cho chín, còn hơn 9 nghề. Hiện tội phạm ma túy, giết người đang gia tăng cần được kiềm chế. Do đó ngành công an cần tập trung giải quyết vấn đề tội phạm để quốc thái, dân an là nhân dân mừng lắm rồi, không cần nhận thêm nhiệm vụ quản lý đào tạo, sát hạch và cấp GPLX”- ĐB Nguyễn Quốc Hận bày tỏ quan điểm không nên chuyển quản lý cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.

ĐB Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) cũng cho rằng việc tách luật là không phù hợp. Điều này gây xáo trộn, mất ổn định, do đó Chính phủ phải hết sức cân nhắc, thận trọng. ĐB cho rằng việc giao quản lý lĩnh vực quản lý đào tạo, sát hạch GPLX cho Bộ Công an sẽ gây xáo trộn, làm tăng biên chế, phải sắp xếp lại trụ sở, điều chỉnh hồ sơ, tài liệu sắp xếp lại các trung tâm sát hạch, cấp phép GPLX… gây lãng phí rất lớn. Do đó, ĐB đề nghị hoàn thiện thêm luật bảo đảm giao thông đường bộ thay vì tách thành 2 luật.

ĐB Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) lại đồng ý tách thành 2 luật, bởi giao thông đường bộ có vị trí trọng yếu đối với kinh tế quốc gia, thị phần giao thông đường bộ tăng nhanh trong những năm vừa qua, tăng 10-15% với nhiều loại phương tiện giao thông. Tai nạn giao thông đường bộ chiếm 90-95% số vụ, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Đáng chú ý, giao thông đường bộ thường là nơi có vi phạm luật giao thông phổ biến nhất, chiếm 80-90%, nơi xảy ra nhiều loại tội phạm khác nhau… giao thông đường bộ cũng liên quan trực tiếp đến đời sống xã hội, đến quyền con người, do đó phải hoàn thiện luật pháp về  vấn đề này. Thực tế, nhiều quốc gia cũng đã tách thành công 2 lĩnh vực này.

“Việc xây dựng luật phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc, người dân, xây dựng văn minh đất nước, để bảo đảm cho người dân hàng ngày ra đường không phải lo lắng vì tai nạn giao thông. Việt Nam cần xây dựng sớm văn hóa giao thông, do đó đồng ý tách thành 2 luật”, ĐB Nguyễn Thị Xuân nói.

Giải trình trước Quốc hội, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an ghi nhận các đại biểu rất tâm huyết, trách nhiệm cho ý kiến xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Về phía Bộ Công an sẽ tiếp thu nghiêm túc các ý kiến để hoàn thiện dự luật.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, xuất phát từ công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, với trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự xã hội và Chính phủ cũng đã xác định rõ trật tự an toàn giao thông là một bộ phận quan trọng của trật tự an toàn xã hội, vì thế Bộ Công an được Quốc hội, Chính phủ đồng ý đề xuất xây dựng dự thảo luật này.

Qua các phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an ghi nhận ý kiến đại biểu băn khoăn đề nghị làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan.

Kết luận buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, trên cơ sở ý kiến thảo luận tại hội trường và ý kiến thảo luận tại tổ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo tổng hợp đầy đủ, xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về các vấn đề lớn của cả 2 dự án luật và báo cáo với Quốc hội theo quy trình.

Bài liên quan