Ngành hàng không 'bốc hơi' hàng chục tỷ USD vì dịch COVID-19

Thứ sáu, 21/02/2020, 18:40 PM

Không chỉ ngành hàng không trong nước, hàng không thế giới cũn sụt giảm mạnh thị phần cũng như doanh thu do dịch COVID-19.

Hàng không thế giới lao đao, ''bốc hơi'' 29 tỷ USD vì dịch COVID-19.

Hàng không thế giới lao đao, ''bốc hơi'' 29 tỷ USD vì dịch COVID-19.

Ngành hàng không 'bốc hơi' hàng chục tỷ USD

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) ước tính, dịch COVID-19 (nCoV) sẽ khiến các hãng hàng không thiệt hại 29 tỷ USD, chủ yếu ở thị trường châu Á-Thái Bình Dương. Trong đó, các hãng bay Trung Quốc tổn thất khoảng 12,8 tỷ USD.

Trước khi dịch COVID-19 (nCoV) bùng phát từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) và lan rộng, IATA dự báo nhu cầu giao thông hàng không toàn cầu sẽ tăng trưởng 4,1% trong năm 2020. Tuy nhiên, hiện tổ chức này xác định thị trường sẽ chỉ còn lại con số 0,6%.

Tổ chức OAG Aviation Worldwide cho biết, sau khi dịch COVID-19 bùng phát, hàng loạt hãng hàng không quốc tế hủy 80% số chuyến bay đến và đi khỏi Trung Quốc. Các hãng bay Trung Quốc cũng hủy số chuyến bay của 10,4 triệu hành khách.

Theo thống kê của OAG Aviation, các hãng bay của hàng không khu vực cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vì thị trường Trung Quốc đại lục tê liệt là Air Macau, Cathay Dragon và Thai Lion Air bởi khoảng 60% công suất của các hãng hàng không này phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Các hãng hàng không như Air Asia X (Malaysia), Thai AirAsia (Thái Lan), Asiana Airlines (Hàn Quốc) cũng mất đi với 30% công suất, All Nippon Airways (Nhật Bản) và Korean Air (Hàn Quốc) đứng sau với 20% công suất.

Tại Việt Nam, Cục Hàng không đã dự kiến 3 kịch bản cho thị trường hàng không năm 2020 cho đến khi Trung Quốc công bố hết dịch. Cụ thể, nếu dịch hết trong tháng Tư (kịch bản lạc quan nhất), tổng thị trường năm 2020 vẫn đạt 80 triệu khách, tăng 1,1%. Lượng khách qua cảng đạt 119 triệu khách.

Empty

Ở kịch bản trung bình (tháng 6/2020 hết dịch), tổng thị trường sẽ chỉ đạt 74,6 triệu khách, giảm 5,7%, lượng khách qua cảng đạt 111,6 triệu khách, giảm 4,2%.

Trường hợp xấu nhất, nếu tháng 8 mới hết dịch, tổng thị trường sẽ giảm sâu 17,2%, chỉ còn 65,5 triệu khách. Lượng khách qua cảng giảm 15,5%, còn 98,5 triệu khách.

Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, thị trường các đường bay Trung Quốc đang chiếm khoảng hơn 18% thị trường quốc tế. Riêng với các hãng hàng không trong nước, thị trường này chiếm tới 26,1% sản lượng vận chuyển quốc tế.

Theo thông tin từ Cục Hàng không, trước khi có dịch COVID-19, trung bình mỗi tuần Việt Nam có khoảng 680 chuyến bay sang Trung Quốc. Tuy nhiên, từ ngày 01/2/2020, nhằm phòng chống dịch bệnh, theo chỉ đạo của Chính phủ, Cục hàng không hủy toàn bộ phép bay đã cấp phép cho các đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc. Như vậy, trung bình mỗi tuần, ngành hàng không mất đi 100 chuyến.

Ngoài ra, dịch bệnh còn ảnh hưởng đến thị trường Đông Bắc Á như Hàn Quốc Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông và Châu Âu, các chuyến bay quốc tế đa phần là khách bay về nước, không có nhiều người mới đến, số lượng khách quốc tế hủy chuyến tới Việt Nam tăng, trong khi lượng khách bay nội địa cũng sụt giảm đáng kể.

Nhằm giảm thiểu thiệt hại do những yếu tố khách quan mang lại, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines mới đây thông báo có nhu cầu cho thuê một số máy bay Airbus và Boeing với thời gian thuê là 6 tháng. Trong khi đó, Vietjet Air đã đẩy mạnh khai thác thị trường mới khi mở loạt 5 đường bay thẳng từ Đà Nẵng, Hà Nội và TP HCM tới các điểm đến trên đất nước Ấn Độ. Jetstar Pacific thì triển khai kế hoạch kích cầu với chương trình ưu đãi mua 4 tặng 1 vé máy bay trên tất cả đường bay nội địa…

Làm gì để tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không?

Thứ nhất, tái cơ cấu thị trường hàng không nhằm giảm thiểu thiệt hại và không nên cho nhiều trứng vào một “giỏ” nhằm hạn chế rủi ro.

Để bù đắp lượng hành khách sụt giảm lên tới 400 nghìn người/tháng, các hãng hàng không trong nước cần phải nỗ lực nghiên cứu để phát triển thêm những thị trường mới, mở thêm những đường bay mới đến những thị trường có tiềm năng lớn như Ấn Độ, Úc, New Zealand… tăng công suất và mở thêm những đường bay đến những thị trường hiện có.

Empty

Nhưng điều đó chưa đủ. Việc mở thêm những đường bay nội địa cũng cần phải tính đến khi lâu nay, một số sân bay nhỏ chỉ có số lượng chuyến bay rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu

Thứ hai, các hãng hàng không buộc phải cắt giảm chi phí để bù lỗ, bao gồm cả việc cho nhân viên nghỉ phép không lương, hay giảm lợi nhuận từ việc bán vé… Ngoài ra, cần có sự đàm phán với các đối tác về việc cho thuê lại tàu bay hay bán những tàu bay có tuổi đời cao, kéo dãn thời gian nhận tàu bay mới.

Được biết, việc dừng các đường bay tới Trung Quốc khiến ngành hàng không đang thừa khoảng 30 tàu bay, trong khi đó, các hãng hàng tháng vẫn phải trả chi phí tiền thuê tàu bay, vị trí sân đỗ, cùng nhiều chi phí bảo hành, bảo dưỡng máy bay…

Thứ ba, đẩy mạnh những hoạt động kích cầu bằng những chương trình giảm giá, khuyến mại và những thông tin khả quan về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam. Hiện nay, đa phần hành khách không sử dụng dịch vụ hàng không do lo ngại sự lây lan dịch bệnh khi phải ngồi trong không gian kín của tày bay. Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam đã thực hiện tốt việc khống chế và khoanh vùng dịch bệnh.

Chưa hề có trường hợp nào tử vong nào do dịch COVID-19 gây ra tại Việt Nam, và ngày càng có thêm nhiều bệnh nhân được xuất viện. Nếu ngành hàng không, các hãng bay thực hiện tốt những biện pháp về phòng dịch, người dân cảm thấy an tâm khi di chuyển thì lúc đó ngành hàng không nói riêng và ngành vận tải nói chung mới “thoát” khỏi vùng đáy của hình sin.

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, cũng cần có sự nghiên cứu, tính toán thiệt hại của các doanh nghiệp vận tải nói chung và ngành hàng không nói riêng để có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như giảm thuế, giãn nợ…