Ngày Tết thưởng thức món mứt sắn độc lạ

Thứ bảy, 25/01/2020, 12:58 PM

Từ những củ sắn tưởng chừng như chỉ để dùng làm thực phẩm, một vài hộ dân ở Cố đô Huế đã biến chúng thành những món mứt sắn thơm ngon, mang lại mùi vị dân dã trong những ngày Tết Nguyên đán.

Cắt nhỏ miếng sắn.

Cắt nhỏ miếng sắn.

Món mứt được chế biến từ củ sắn là sản phẩm hiếm thấy trong cuộc sống ngày nay. Giờ đây, trên mảnh đất xứ Huế, để tìm ra được người biết cách chế biến loại này như "mò kim đáy biển". May mắn thay, vẫn còn một cụ bà cùng người con gái của mình hằng năm vẫn miệt mài vào bếp sản xuất ra những mẻ mứt sắn thơm ngon. Cụ bà ấy chính là bà Lê Thị Tư (82 tuổi, ở phường Thủy Xuân, TP Huế).

Vừa đảo tay rang mứt sắn, bà Tư cho biết: “Món mứt sắn dù không được xếp vào loại cao lương mỹ vị, nhưng cũng có một thời từng là món ngon xuất hiện nhiều trong mâm cỗ Tết của nhiều gia đình ở xứ Huế. Món mứt này được nhiều người nói đây là mứt nhà nghèo, vì sự dân dã và rẻ tiền”.

Bà Tư chiên sắn.

Bà Tư chiên sắn.

Có trên 50 năm gắn bó với nghề, bà Tư cho biết thêm, vào thời xưa, phụ nữ ở xứ Huế còn nhỏ đã được người lớn dạy cách làm các món bánh, mứt. Để làm ra những miếng mứt sắn ngon không đơn giản. Họ phải chọn sắn có những đặc điểm phù hợp, nhất là sắn không bị đắng. Đó là sắn không quá to nhưng khi luộc chín, sắn lại có độ dẻo và vị bùi vừa phải.

Sắn được gọt vỏ và phần sần cứng, rồi được cắt ra từng khúc dài, rửa sạch cho vào nồi luộc. Khoảng 30 phút sau, khi sắn đã chín sẽ vớt ra để nguội và cắt thành lát mỏng.

Công đoạn vất vả nhất là chiên sắn.

Công đoạn vất vả nhất là chiên sắn.

Bà Tư nói rằng: “Thời trước, sắn sau khi cắt mỏng được mang phơi nắng. Khi miếng sắn đã khô, tiếp tục bỏ vào chảo rang. Để miếng sắn không bị cháy thì rang với cát. Sau này, chuyển qua chiên bằng dầu ăn nên sạch hơn, nhưng miếng sắn vẫn giữ được độ giòn và hương vị”.

Công đoạn vất vả nhất của việc làm ra những mẻ sắn chính là chiên sắn. Họ phải canh liên tục để đảo sắn đều. Nếu không đều, phần sắn dễ bị cháy, đảo không khéo tay, sắn bị nát không làm được mứt. Đến khi nào những miếng sắn chuyển sang màu vàng đều sẽ vớt ra để ráo dầu và ngào cùng đường để cho ra món mứt sắn thơm lừng.

Món mứt làm từ củ sắn này có mùi vị dân dã.

Món mứt làm từ củ sắn này có mùi vị dân dã.

Vừa nhìn vào mẻ mứt mới ra lò, bà Tư nói chậm rãi: “Gia đình tôi còn làm mứt vì muốn lưu giữ lại một chút hương vị Tết ở Huế ngày xưa. Vào mỗi vụ Tết, gia đình tôi làm ra khoảng 3 tạ mứt để phục vụ cho gia đình và bán cho khách hàng, mỗi kg có giá khoảng 80 nghìn đồng”.

Món mứt làm từ củ sắn này có mùi vị rất dân dã, vị ngọt, thanh và giòn tan, không còn nhiều vị bùi đặc trưng của củ sắn.

Một thời từng là món ngon xuất hiện nhiều trong ngày Tết.

Một thời từng là món ngon xuất hiện nhiều trong ngày Tết.

Phụ giúp bà Tư sản xuất ra những mẻ sắn thơm ngon này, người con gái của bà cũng rất miệt mài vào bếp làm các công đoạn chế biến sắn, thái sắn… Trước nguy cơ mai một của loại mứt sắn này, những người phụ nữ như bà Tư cùng người con gái đã và đang lưu giữ, duy trì món ăn ngon một thời.

Bài liên quan