Ngày Tết về nơi có làng tranh nổi tiếng không thua gì tranh Đông Hồ, Hàng Trống

Thứ bảy, 25/01/2020, 13:05 PM

Tranh làng Sình là dòng tranh đã trải qua hơn 400 năm tồn tại. Cùng với tranh Đông Hồ, Hàng Trống ở phía Bắc, tranh dân gian Nam Bộ và tranh làng Sình tạo nên giá trị mỹ thuật dân gian truyền thống quý giá.

 

 

Hàng trăm năm qua, làng Sình (còn gọi là làng Lại Ân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) nổi danh khắp nơi với hội vật truyền thống và nghề làm tranh dân gian.

 

 

Ngôi làng này nằm cách trung tâm TP Huế khoảng 10 km. Tranh làng Sình là dòng tranh đã trải qua khoảng 400 năm tồn tại.

 

 

Tranh này cùng với tranh Đông Hồ, Hàng Trống ở phía Bắc và tranh dân gian Nam Bộ tạo nên giá trị mỹ thuật dân gian truyền thống quý giá.

 

 

Theo một số tài liệu có ghi chép lại, khoảng 300 - 400 năm trước, trong dòng người theo chân chúa Nguyễn vào đất Thuận Hóa lập nghiệp đã có người mang theo nghề làm tranh giấy mộc bản đến định cư tại làng Sình.

 

 

Ngày xưa, người dân ở làng Sình cũng sống bằng nghề trồng lúa, đánh bắt cá. Lúc nông nhàn, họ tranh thủ làm tranh phục vụ các lễ của làng và dâng lên các lễ chốn cung đình. Dần dà, nghề làm tranh ở ngôi làng này phát triển, được nhiều người biết đến hơn.

 

 

Để rồi, nó trở thành thứ đồ lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân xứ Huế.

 

 

Có 9 đời theo nghề, gia đình của nghệ nhân Kỳ Hữu Phước được coi là những người có công lớn khi đưa nghề này từ bờ vực lụi tàn đến giai đoạn hồi sinh.

 

 

Nghệ nhân Phước, truyền nhân đời thứ 9 của nghề in tranh làng Sình cho hay, có một thời nghề làm tranh này đã nuôi sống biết bao gia đình, ăn sâu vào văn hóa của làng Sình.

 

 

Tuy nhiên, sau năm 1975, dòng tranh này bị mai một, nhiều bản khắc cũ bị mất, kỹ thuật chế tạo màu tự nhiên không còn.

 

 

20 năm sau, tranh mới được phục hồi lại. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 200 hộ làm nghề in tranh Sình, trong đó làng Sình có khoảng 70 hộ.

 

 

Người dân in tranh quanh năm và tập trung cao điểm vào dịp Tết, với số lượng in hàng chục nghìn tờ.

 

 

Nội dung tranh chủ yếu xoay quanh các chủ đề như tranh nhân vật, tranh đồ vật và tranh súc vật. Ngoài ra, còn có một số chủ đề mới được sáng tạo thêm để phục vụ hoạt động du lịch.

 

 

Dòng tranh làng Sình được tạo nên từ các bản khắc từ gỗ mức, đào... Với các bản khắc như 12 con giáp, Bát Âm (8 cô gái chơi nhạc cụ), Con Ảnh (tranh cúng thế mạng)...

 

 

Theo nghệ nhân Phước, nghề in tranh Sình không khó nhưng cũng không dễ. Vì đây là loại tranh thờ cúng nên cần cái tâm của người làm tranh, chính vì vậy mà tranh Sình không phải là loại tranh độc bản, tùy vào khả năng cảm thụ màu sắc, kỹ năng vẽ tay và cả cung bậc cảm xúc của người nghệ nhân sẽ cho ra những dị bản khác nhau. Đó cũng là lí do khi vẽ tranh, người nghệ nhân rất tập trung, ít khi vừa vẽ vừa nói chuyện.

 

 

Kể từ năm 2007, lần đầu tiên tranh làng Sình được nhìn nhận và tôn vinh. Các nhà nghiên cứu đã đánh giá cao về giá trị nghệ thuật và giá trị trong đời sống tâm linh của loại tranh này.

 

 

Theo các nhà nghiên cứu, nét nổi bật của tranh làng Sình khác với những dòng tranh dân gian nổi tiếng khác như Đông Hồ, Hàng Trống... không phải là sự cầu kỳ, mà chính là bởi những nét vẽ đơn sơ, mộc mạc, đậm chất làng quê.

 

 

Ngoài màu chính được in từ khuôn, những màu sắc còn lại được vẽ hoàn toàn bằng tay nên mang đậm dấu ấn cá nhân, không có bức nào giống bức nào.

 

 

Để tạo ra được một bức tranh làng Sình phải trải qua nhiều công đoạn khá phức tạp. Mỗi bức tranh làng Sình là một khuôn gỗ hoàn chỉnh với những hoa văn, hình thù khác nhau, nên trước khi in tranh, người làm phải tạo ra được mộc bản. Trong ảnh là các mẫu ván khắc dùng in tranh.

 

 

Khi đã có khuôn gỗ hoàn chỉnh, người làm tranh dùng mực đen phết lên bản mộc, rồi dùng giấy dó để in tranh thô. Sau đó, tranh được mang phơi khô mực, rồi được vẽ các họa tiết bằng mực được làm bằng cách trộn lẫn một số số loại nhựa cây với nhau tạo nên những màu sắc rất đặc biệt.

 

 

Đây là thứ đồ lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân Cố đô Huế.