Nghị sĩ nhiều nước lập nhóm 'lập trường cứng rắn' với Trung Quốc

Thứ sáu, 05/06/2020, 10:00 AM

Hôm 5/6, một nhóm các nghị sĩ từ nhiều quốc gia tuyên bố thành lập một liên minh để có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc thông qua các chiến lược tập thể.

Các nghị sĩ từ nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Canada, Na Uy và Thụy Điển, Đức lập nhóm để có lập trường cứng rắn với Trung Quốc. Ảnh: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc họp.

Các nghị sĩ từ nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Canada, Na Uy và Thụy Điển, Đức lập nhóm để có lập trường cứng rắn với Trung Quốc. Ảnh: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc họp.

Nhóm này được đặt tên là Liên minh Nghị viện về Trung Quốc (Ipac), nhằm đối đầu với sức mạnh địa chính trị đang gia tăng của Trung Quốc trong bối cảnh nước này quyết định áp đặt luật an ninh quốc gia ở Hong Kong cũng như bị cho là thiếu minh bạch về dịch bệnh Covid-19.

Ipac cho biết sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực về hoạch định chính sách liên quan đến Trung Quốc: bảo vệ trật tự dựa trên các quy tắc quốc tế; giữ vững nhân quyền; thúc đẩy công bằng thương mại; xây dựng chiến lược an ninh bổ sung; và bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn quốc gia.

Trong một tuyên bố chung, nhóm này tuyên bố: “Trung Quốc đại diện cho một thách thức toàn cầu”.

Ipac gồm có 18 nghị sĩ cấp cao hoài nghi về Trung Quốc, bao gồm Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio và Robert Menendez, Nghị viện Châu Âu Reinhard Bütikofer và Iain Duncan Smith, một thành viên của Nghị viện và cựu lãnh đạo của Đảng Bảo thủ Anh.

Trong nhóm còn có các nghị sĩ từ Nhật Bản, Australia, Canada, Na Uy và Thụy Điển. Nhóm cho biết đang có nhiều người khác dự kiến sẽ tham gia.

“Cách thức chúng ta phản ứng với Trung Quốc và nỗ lực định hình lại toàn cầu của Trung Quốc là câu hỏi về chính sách đối ngoại của thời đại chúng ta”, ông Rubio nói.

Ông Rubio và Menendez là hai trong số những người có lập trường cứng rắn nhất với Trung Quốc tại quốc hội Mỹ. Năm ngoái, họ chính là những người đã đề xuất dự luật kêu gọi trừng phạt các quan chức Trung Quốc với cáo buộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Dự luật này vừa được cả hai viện thông qua với số phiếu áp đảo và đang chờ Tổng thống Mỹ Donald Trump phê duyệt.

Họ cũng là một phần của một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng đề xuất Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong Kong đã được ký kết thành luật vào tháng 11/2019.

Ông Rubio hiện là đồng chủ tịch của Ủy ban điều hành Quốc hội về Trung Quốc, một ủy ban có ảnh hưởng được thành lập năm 2000 để tư vấn cho Quốc hội và chính quyền về các vấn đề liên quan đến nhân quyền và pháp quyền ở Trung Quốc.

Đại diện Đức trong nhóm Ipac là Michael Brand, người phát ngôn nhân quyền của đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo của Thủ tướng Angela Merkel. Trước đây, ông Brand đã lên tiếng chống lại cái mà ông gọi là “sự khúm lúm” của Đức đối với Trung Quốc.