Nghi vấn thông đồng giữa các Cục Dự trữ Nhà nước với doanh nghiệp gạo

Chủ nhật, 10/05/2020, 07:02 AM

Bộ Tài chính đã chuyển hồ sơ sang Bộ Công an đề nghị làm rõ có hay không sự thông đồng giữa các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực với các doanh nghiệp gạo.

gao

 

Phát hiện 7 cục dự trữ đã để các doan nghiệp gạo gửi hàng trong kho dự trữ của Nhà nước

Mới đây, Bộ Tài chính đã công khai kết quả kiểm tra việc mua gạo dự trữ quốc gia năm 2020 tại Tổng cục Dự trữ và 22 cục dự trữ khu vực.

Kết quả kiểm tra tại kho của 22 cục dự trữ khu vực thể hiện, có 7/22 cục dự trữ khu vực đã để các tổ chức, cá nhân gửi gạo trong kho dự trữ của Nhà nước, vi phạm quy định của Luật dự trữ nhà nước.

Danh sách gồm: Cục dự trữ khu vực Hà Bắc, Đông Bắc, Bắc Thái, Hà Nội, Hà Nam Ninh, Bình Trị Thiên và Thanh Hóa.

Căn cứ kết quả kiểm tra, Bộ Tài chính kết luận lãnh đạo Tổng cục Dự trữ thiếu kiểm tra giám sát để xảy ra các sai phạm nêu trên; tạm đình chỉ công tác để kiểm điểm làm rõ sai phạm đối với các cục trưởng, chi cục trưởng dự trữ cho gửi gạo vào kho dự trữ nhà nước; kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân của các cục dự trữ, Chi cục Dự trữ có liên quan đến các sai phạm nêu trên.

Đặc biệt, Bộ Tài chính yêu cầu đoàn thanh tra Bộ Tài chính có trách nhiệm chuyển ngay hồ sơ vụ việc sang Cơ quan điều tra Bộ Công an để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong khi kho dự trữ nhà nước cho gửi nhờ gạo, 22 cục dự trữ đã không mua được gạo dự trữ năm nay theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Cụ thể, đầu tháng 3 vừa qua, các cục dự trữ đã tổ chức đấu thầu mua 190.000 tấn gạo dự trữ quốc gia năm 2020. Kết quả mở thầu, có 28 doanh nghiệp trúng thầu với 178.000 tấn gạo.

Tuy nhiên, đến hết thời hạn ký hợp đồng, 24 doanh nghiệp đã từ chối ký hợp đồng cung cấp hơn 170.000 tấn gạo. Số gạo được doanh nghiệp ký hợp đồng cung cấp là 7.700 tấn. Với các doanh nghiệp từ chối ký hợp đồng, cơ quan dự trữ đã tịch thu toàn bộ số tiền bảo lãnh dự thầu hơn 27.877 tỷ đồng.

Để đảm bảo mua đủ số lượng gạo 190.000 tấn như Thủ tướng giao trong năm nay, Tổng cục Dự trữ đã mở thầu lại.

Theo kế hoạch, ngày 12/5, các cục dự trữ sẽ tổ chức đấu thầu lại để mua hơn 182.000 tấn gạo dự trữ.

Đề nghị điều tra nghi vấn thông đồng giữa các Cục Dự trữ Nhà nước với doanh nghiệp gạo

Trao đổi với báo chí, ông Đặng Ngọc Tuyến - Phó Chánh thanh tra Bộ Tài chính, cho biết: Lãnh đạo bộ đã giao Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Dự trữ Nhà nước và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân có sai phạm.

Theo ông Tuyến, tại khoản 2, Điều 61, Luật Dự trữ Quốc gia số 22/2012/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2012”.

Trong đó quy định “…Khu vực kho Dự trữ Quốc gia phải được tổ chức bảo vệ chặt chẽ, an toàn, bí mật theo quy định của pháp luật; trang bị đủ phương tiện, thiết bị kỹ thuật cần thiết cho quan sát, giám sát, phòng, chống thiên tai, hỏa hoạn, hư hỏng, mất mát và các yếu tố khác có thể gây thiệt hại đến hàng Dự trữ Quốc gia”.

Theo quy định tại Điều 1, Thông tư số 56/2013/TT-BCA-A81 ngày 13/11/2013 của Bộ Công an quy định: Hệ thống mạng lưới và kế hoạch bảo vệ đối với các kho Dự trữ Nhà nước thuộc Danh mục bí mật nhà nước của ngành Tài chính.

Ông Đặng Ngọc Tuyến cho rằng, qua kiểm tra vừa qua, trong số các doanh nghiệp cũng như cá nhân gửi gạo vào kho dự trữ nhà nước, có những doanh nghiệp đã trúng thầu đợt 1 (ngày 12/3/2020) nhưng không tiến hành ký hợp đồng bán gạo cho Dự trữ Nhà nước.

“Việc các doanh nghiệp này có thông đồng với các Cục Dự trữ Nhà nước chờ nâng giá để bán gạo cho Dự trữ Nhà nước hay không thì cần phải điều tra làm rõ thêm. Chính vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị chuyển cơ quan điều tra – Bộ Công an làm rõ nội dung này để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật nếu phát hiện có vi phạm”- Ông Đặng Ngọc Tuyến nhấn mạnh.

Bài liên quan