Thứ sáu, 17/08/2018, 18:20 PM
  • Click để copy

Nghịch lý: Sinh viên giỏi ra trường khó xin việc hơn người không giỏi có 'ô dù'

“Giáo dục đại học của chúng ta đang nỗ lực đào tạo ra những con người tốt, những người giỏi, nhưng nghịch lý là người giỏi, người tốt cơ hội việc làm khi ra trường lại không tốt bằng những người không giỏi nhưng có quan hệ, ô dù”- GS-TS Phạm Quang Minh nói về nghịch lý trong việc sử dụng, tuyển dụng lao động hiện nay.

nghich-ly-sinh-vien-gioi-that-nghiep-nguoi-khong-gioi-co-o-du-co-viec-lam-tot
Cơ hội việc làm sau khi ra trường được nhiều thí sinh quan tâm trước khi lựa chọn trường, ngành nghề để theo học - (Ảnh minh họa: Hải Nguyễn).

“Người không giỏi lại có việc làm tốt”

Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, tính đến năm 2017, có khoảng 60% sinh viên ra trường làm trái ngành và có hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp.

Không ít người cho rằng, số cử nhân không có việc làm tăng mỗi năm là do chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam chưa cao, chưa đào tạo được nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Vì điều này nên không ít gia đình sẵn sàng bỏ tiền tỉ ra đầu tư cho con em ra nước ngoài du học.

Vấn đề này đã “làm nóng” Hội thảo Giáo dục 208 với chủ đề “Giáo dục đại học- chuyển hóa và hội nhập quốc tế” diễn ra ngày 17/8 tại Hà Nội.

Theo GS.TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), vấn đề cử nhân thất nghiệp cần nhìn từ hai phía, công bằng là do cả cơ chế tuyển dụng chứ không nên đổ lỗi hết cho các trường đại học.

“Người ta phê bình rất nhiều giáo dục đại học đào tạo ra những cử nhân, nhà khoa học không xin được việc, không đáp ứng được yêu cầu của xã hội, của thị trường. Điều này đúng nhưng chỉ đủ một phần.

Tôi nhìn từ góc độ nền kinh tế, xã hội của chúng ta thấy đầy sự bất công, khiếm khuyết…

Rất nhiều sinh viên của chúng tôi, dù rất giỏi nhưng ra trường không tìm được việc. Vì các em không có quan hệ, không có nguồn lực về kinh tế, không có một cái “ô” nào. Còn người không giỏi lại có việc làm tốt, vì có quan hệ, có ô dù.

Rõ ràng hiện vẫn còn tồn tại sự không bình đẳng, sự bất công trong tuyển dụng: Giáo dục đại học đã và đang nỗ lực đào tạo ra những người giỏi, con người tốt, nhưng nghịch lý là người giỏi, người tốt cơ hội việc làm lại không tốt”- GS-TS Phạm Quang Minh thẳng thắn.

GS Minh cho rằng, khi xảy ra nghịch lý này sẽ tác động rất lớn đến tâm lý của sinh viên. Các em sẽ hỏi tại sao phải học giỏi, phải rèn luyện, khi mà những bạn khác không rèn luyện, không học tập tốt cũng có việc làm tốt?

“Khi một xã hội đánh giá con người chưa dựa vào năng lực, còn nhiều bất cập như vậy thì không thể đỗ lỗi hết cho các trường đại học là đào tạo chưa tốt” - lãnh đạo Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn khẳng định.

Nghịch lý: Sinh viên giỏi ra trường khó xin việc hơn người không giỏi có
GS-TS Phạm Quang Minh chia sẻ tại Hội thảo Giáo dục 2018. 

Không nhất thiết phải có bằng đại học mới thành công

Cũng theo GS-TS Phạm Quang Minh, con số 200.000 cử nhân thất nghiệp còn liên quan đến nhận thức của toàn xã hội, về việc coi trọng bằng cấp, khoa cử.

“Nhiều người vẫn có quan niệm phải học đại học mới có việc, hay chỉ làm ở cơ quan nhà nước mới gọi là có việc, mới ổn định. Theo thống kê của chúng tôi, phần lớn sinh viên hiện nay ra trường không làm việc ở cơ quan nhà nước, mà làm ở khu vực tư nhân, liên doanh liên kết rất nhiều. Các em vẫn thành công, kể cả những học sinh không vào đại học”- GS Minh chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Hoàng - đại diện Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ - dẫn chứng ra rất nhiều tỉ phú thế giới hiện nay không có bằng đại học, để nhấn mạnh quan điểm “không nhất thiết phải có bằng đại học mới thành công”.

Đại diện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành chỉ ra quan niệm trọng bằng cấp còn ảnh hưởng vào các quy định của nhiều cơ quan, ban, ngành và điều này làm khó cho các trường đại học trong công cuộc tiến tới tự chủ: “Tôi lấy ví dụ, hiện nay nhiều trường đại học muốn đưa các lãnh đạo doanh nghiệp vào trường để giảng dạy, truyền kinh nghiệm cho sinh viên, nhưng bị vướng quy định là giảng viên đại học phải có bằng thạc sĩ trở lên, trong khi nhiều giám đốc không có những bằng cấp này. Quy định này gây khó khăn cho các trường”.

 

Hợp tác giáo dục đa dạng giữa Hà Nội và Vương quốc Anh

Ngày 15/8, Sở GD&ĐT Hà Nội đã ký kết Biên bản Ghi nhớ về Hợp tác giáo dục với Hội đồng Anh tại Việt Nam.

 

 

Các trường Đại học xử lý thế nào nếu thủ khoa 'gian lận thi cử' bị phanh phui?

Lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, trường hợp những thí sinh trúng tuyển hay thủ khoa mà bị xác định liên quan đến gian lận thi cử thì cần loại bỏ ngay.