Có nên nghỉ Tết như Singapore kéo dài chỉ 2 - 3 ngày

Thứ sáu, 01/02/2019, 06:10 AM

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, phương án nghỉ Tết như Singapore mới chỉ là gợi ý để nghiên cứu.

nghien-cuu-phuong-an-nghi-tet-giong-singapore-tu-2-3-ngay
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, phương án nghỉ Tết như  Singapore mới chỉ là gợi ý để nghiên cứu. Ảnh minh họa

Phương án nghỉ Tết như Singapore mới chỉ là Thủ tướng gợi ý, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối 31/1. Người phát ngôn Chính phủ thông tin, hiện nay chưa có phương án nào.

"Khi nào Chính phủ bàn tới, báo cáo để cơ quan thẩm quyền quyết định thì sẽ thông báo tới các cơ quan báo chí", ông Dũng nói.

Vị Bộ trưởng cũng mời các ý kiến cá nhân gợi ý về phương án nghỉ tết để tham mưu cho cơ quan chuyên môn.

Trước đó, Báo Chính phủ thông tin, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ chiều 31/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội nghiên cứu việc nghỉ Tết sang năm (2020), trong đó có mô hình Singapore.

Singapore là một trong số những nước châu Á vẫn giữ tục đón Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, khác với Việt Nam, Trung Quốc với kỳ nghỉ Tết dài, Singapore chỉ nghỉ Tết âm lịch khoảng từ 2 đến 3 ngày.

Trước đó, sau khi lịch nghỉ Tết nguyên đán 2019 được Chính phủ thông qua theo đó người lao động được nghỉ 9 ngày đã có ý kiến trái chiều người cho rằng nghỉ như vậy quá ít, người khác lại cho rằng quá dài.

Người có quê, cha mẹ ở xa thì thấy nghỉ tết trong khoảng 5-7 ngày thì quá ngắn, không đủ thời gian bên cha mẹ, thăm hỏi họ hàng. Bởi họ đã mất 1 ngày đi và 1 ngày về, chưa kể tàu xe ngày Tết rất khó khăn, nhiều khi đi về không được như kế hoạch, lạm vào thời gian ở bên gia đình.

Còn nhiều người khác thì lo lắng, nghỉ tết dài như vậy sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động, đến năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ở lĩnh vực sản xuất, nhiều năm qua có tình trạng sau Tết doanh nghiệp “đỏ mắt" đi tìm lao động, bởi nhiều người sau nghỉ Tết đã không quay lại làm việc, dù doanh nghiệp đã tìm đủ mọi cách kể cả việc giữ lại một phần lương của người lao động. Chính vì thế, những người chủ doanh nghiệp này thường rất sợ Tết.

Còn với khối hành chính sự nghiệp, sau kỳ nghỉ tết dài, nhiều người phải mất cả tháng mới chỉn chu bắt tay vào công việc được. Quan niệm “tháng Giêng là tháng ăn chơi" vẫn in sâu vào suy nghĩ của họ. Dù các cơ quan quản lý Nhà nước đã đề ra nhiều giải pháp, xử phạt nặng nhưng vẫn còn không ít trường hợp bỏ công sở để đi lễ, đi chơi.

Lịch nghỉ tết của học sinh và cha mẹ học sinh lại không trùng nhau, nên những ngày trước và sau Tết thực sự là nỗi ám ảnh kinh hoàng với nhiều gia đình. Họ phải tìm chỗ gửi con, phải lo đón con... trong khi công việc cuối năm thì bận “bù đầu".

Và, điều đáng quan tâm hơn là vào dịp nghỉ Tết nguyên đán, số người chết vì tai nạn giao thông tăng vọt. Ngày Tết sum vầy của nhiều gia đình lại trở thành ngày đưa tang, trong số ấy không ít người đang còn rất trẻ, là lao động chính trong gia đình.

 

Họp báo thường kỳ Chính phủ: Nóng vụ dùng xe biển xanh đưa đón người nhà Bộ trưởng Bộ Công Thương

Vụ dùng xe biển xanh đưa đón người nhà Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh được đại diện cơ quan báo chí đặt ra với Bộ Công Thương tại phiên Họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 1/2019.

 

Năm 2019 phải bứt phá, hiệu quả hơn, cải cách hơn

Thông tin tại buổi họp báo thường kỳ đầu tiên của năm 2019, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là năm 2019 phải bứt phá, hiệu quả hơn, cải cách hơn, thực chất hơn năm 2018.

 

Tết không phải lúc lao đầu vào nỗi khổ

Hãy để Tết là khoảng thời gian kết nối lại với người thân, dành cho những cuộc chuyện trò chân tình mà ai cũng được nghe điều cần nghe, nói điều muốn nói.