Ngoại trưởng Mỹ: Hong Kong không còn là khu tự trị

Thứ năm, 28/05/2020, 06:38 AM

Giới quan sát cho rằng việc Mỹ đánh giá như vậy có thể gây hậu quả sâu rộng đến quy chế thương mại đặc biệt mà Mỹ dành cho Hong Kong.

Người Hong Kong biểu tình hồi năm ngoái.

Người Hong Kong biểu tình hồi năm ngoái.

Ngày 27/5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Mỹ không còn coi Hong Kong độc lập về chính trị với Trung Quốc, đánh dấu sự leo thang trong phản ứng của Washington đối với kế hoạch của Bắc Kinh nhằm áp đặt các hạn chế an ninh mới đối với vùng lãnh thổ này.

Trên tài khoản Twitter của mình, Ngoại trưởng Pompeo nêu rõ: "Hôm nay, tôi đã báo cáo với Quốc hội rằng Hong Kong không còn độc lập với Trung Quốc, căn cứ vào các diễn biến trên thực địa. Nước Mỹ luôn kề vai sát cánh với người dân Hong Kong."

Theo đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong do Quốc hội Mỹ ban hành năm 2019, chính quyền Mỹ mỗi năm phải xác nhận đặc khu hành chính này duy trì mức độ tự chủ đủ để tiếp tục được hưởng quy chế ưu đãi thương mại của Mỹ.

Trong một tuyên bố khác, Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh rằng việc Trung Quốc dự kiến thông qua Luật An ninh quốc gia, đồng nghĩa với việc áp đặt thêm những hạn chế đối với quy chế tự trị của Hong Kong, sẽ không cho phép Washington tiếp tục ứng xử với Hong Kong như luật pháp Mỹ từng quy định trước thời điểm vùng lãnh thổ này được Anh trao trả về Trung Quốc tháng 7/1997.

Tuyên bố trên được coi là hành động cụ thể mới nhất của Washington nhằm chống lại Bắc Kinh trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới này đang rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử gần đây liên quan đến sự bùng phát của đại dịch COVID-19 với các cuộc "khẩu chiến" leo thang về nguồn gốc xuất xứ của virus SARS-CoV-2, cũng như việc Mỹ cáo buộc Trung Quốc che giấu thông tin khiến dịch COVID-19 lan rộng khắp thế giới.

Giới quan sát cho rằng động thái này có thể gây hậu quả sâu rộng đến quy chế thương mại đặc biệt mà Mỹ dành cho Hong Kong. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ việc không công nhận “quy chế đặc biệt” của Mỹ đối với Hong Kong có ý nghĩa như thế nào đối với mối quan hệ của Washington với cả Bắc Kinh cũng như vùng lãnh thổ này.

[Người đứng đầu an ninh Hong Kong nói 'chủ nghĩa khủng bố' đang gia tăng]

Động thái trên có thể cản trở người Mỹ tiếp cận du lịch miễn thị thực tới Hong Kong. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, trong năm 2018 có khoảng 85.000 người Mỹ sinh sống tại Hong Kong, khoảng 1.300 công ty của Mỹ, bao gồm 726 công ty có hoạt động trong khu vực, được đặt tại vùng lãnh thổ này.

Cũng theo bộ trên, thặng dư thương mại của Mỹ với Hong Kong trong năm 2017 đạt mức 32,6 tỷ USD, lớn nhất trong các đối tác thương mại của Mỹ. Hong Kong nhập khẩu chủ yếu máy bay, tàu vũ trụ, hàng điện máy, ngọc trai, vàng, kim cương, đồ mỹ thuật, thịt, trái cây và hạt của Mỹ, trong khi các công ty Mỹ đóng góp đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào vùng lãnh thổ này.

Một số nguồn tin cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc đình chỉ các mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với Hong Kong. Hãng tin Bloomberg ngày 27/5 đưa tin bộ Tài chính Mỹ có thể áp đặt các biện pháp kiểm soát đối với mọi giao dịch, đồng thời đóng băng tài sản của các quan chức và doanh nghiệp Trung Quốc nếu luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong được thực thi.

Từ năm 1992, Mỹ đã có quan hệ chính trị, kinh tế và thương mại riêng biệt với Hong Kong - vùng lãnh thổ được coi là một trung tâm tài chính toàn cầu, giống như New York (Mỹ) và London (Anh).