Ngừng bán vé tàu chở hành khách liên vận quốc tế Hà Nội – Nam Ninh, Trung Quốc

Thứ ba, 04/02/2020, 11:57 AM

Sáng 4/2, trao đổi với PV, đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đơn vị đã ngừng bán vé tàu chở hành khách liên vận quốc tế Hà Nội – Nam Ninh (Trung Quốc).

Ngừng bán vé tàu chở hành khách liên vận quốc tế Hà Nội – Nam Ninh (Trung Quốc).

Ngừng bán vé tàu chở hành khách liên vận quốc tế Hà Nội – Nam Ninh (Trung Quốc).

Cùng thông tin về việc dừng tàu chở hành khách liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc, ông Trần Thiện Cảnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, hiện nay 2 cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) và Lào Cai có tàu liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa và hành khách giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Trong đó, cửa khẩu Đồng Đăng vận chuyển hành khách và hàng hóa còn Lào Cai chỉ vận chuyển hàng hóa. Mỗi ngày, đường sắt Việt Nam và đường sắt Trung Quốc có 1 tàu liên vận từ Hà Nội đi Nam Ninh và lượng khách bình quân cả 2 chiều khoảng 150 hành khách.

Ông Cảnh cho biết thêm, tổng công ty đã triển khai ban đầu từ ngày mùng 3 Tết, đến ngày hôm nay (3-2), tất cả các ga liên vận quốc tế giữa hai nước đã được Trung tâm y tế của đường sắt Việt Nam phun thuốc khử trùng, phát khẩu trang cho cán bộ công nhân viên và những hành khách có nhu cầu.

Chính quyền địa phương 2 tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn thực hiện đo thân nhiệt của các hành khách khi xuất nhập cảnh và có phòng cách ly và các công cụ hỗ trợ khác để sớm phát hiện các bệnh nhân nghi nhiễm virus corona. Đến thời điểm này, chưa phát hiện hành khách đi tàu liên vận nghi nhiễm virus corona.

Ngoài ra, theo quy định của hiệp định quản lý về cửa khẩu và quy chế vận tải đường sắt giữa Việt Nam và Trung Quốc thì khi có sự chỉ đạo của các cơ quan nhà nước, hai Tổng Công ty đường sắt Việt Nam và Tổng Công ty đường sắt Trung Quốc mới có việc triển khai tiếp hay tạm dừng chạy tàu hay dừng.

Do đó, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đã liên hệ với Tổng công ty đường sắt Trung Quốc về việc dừng tàu liên vận và hai bên hoàn toàn nhất trí. Theo đó, tổng công ty đã có báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải và Tổng công ty đường sắt Trung Quốc đã có báo cáo cấp vụ của Bộ GTVT Trung Quốc.

Ngày 3-2, Bộ GTVT có công hàm gửi Bộ GTVT Trung Quốc để hai bên cùng thống nhất phương án tạm dừng tàu hay tiếp tục tàu liên vận. Khi có trao đổi của Bộ GTVT Việt Nam và Bộ GTVT Trung Quốc, hai bên thống nhất ngày dừng tàu thì hai Tổng công ty sẽ dừng tàu liên vận về hành khách.

Còn về tàu hàng, Tổng công ty đường sắt Trung Quốc cho biết, hiện nay tất cả các cửa khẩu trên bộ với đường sắt các nước láng giềng việc hàng hóa vẫn thông quan bình thường, chỉ cấm tàu khách. Ngoài ra, tổ công tác trên tàu hàng có 5 người nên rất dễ kiểm soát.

Chia sẻ về việc hai bố con người Trung Quốc bị nhiễm virus corona, di chuyển trên tàu của Tổng Công ty đường sắt Việt Nam từ Nha Trang vào TP Hồ Chí Minh, ông Cảnh cho hay, ngay sau khi biết sự việc, tổng công ty đã chỉ đạo cắt toa tàu đó để cách ly, không tiếp tục hoạt động và khử trùng toàn bộ toa xe đó.

Đồng thời yêu cầu các đơn vị cấp dưới của tổng công ty như trung tâm y tế đường sắt tiến hành phun thuốc khử trùng ở các nhà ga lớn, đặc biệt là các ga liên vận quốc tế có giao dịch với Trung Quốc như Lào Cai, Lạng Sơn, Bắc Giang, Gia Lâm (Hà Nội), phát khẩu trang cho cán bộ công nhân viên và cho hành khách khi có nhu cầu.

Ở các nhà ga thì tổ chức phát thanh theo khuyến cáo của Bộ Y tế như hành khách phải giữ gìn vệ sinh, đeo khẩu trang, rửa tay,… Đối với công ty vận tải thì chăn ga gối thì vệ sinh sạch sẽ, giặt thường xuyên. Đối với cơ quan trên Tổng công ty thì đã có chỉ đạo phun thuốc khử trùng, tuyên truyền rộng rãi việc phòng dịch.

Về mặt hàng hóa, tổng công ty đã làm việc với các khách hàng thường xuyên vận chuyển nông sản thì có 3 mặt hàng, một là điện tử xuất đi Châu Âu, trung chuyển qua Trung Quốc (chạy từ Lào Cai, qua Trung Quốc rồi đi Châu Âu), thứ hai là mặt hàng quặng 2 chiều từ Hải Phòng sang Trung Quốc và ngược lại. Mặt hàng thứ 3 là nông sản từ miền Nam ra, lên Lào Cai, đến Đồng Đăng rồi xuất qua Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường.