Người biểu tình Hong Kong trúng đạn cảnh sát

Thứ tư, 02/10/2019, 18:04 PM

Cảnh sát bắn vào ngực nam sinh 18 tuổi, khiến cậu bị thương nặng ở phổi trong ngày đụng độ bạo lực nhất ở Hong Kong gần 4 tháng qua.

nguoi-bieu-tinh-hong-kong-trung-dan-canh-sat
Nam sinh Tsang Chi-kin được sơ cứu sau khi bị cảnh sát bắn ở đường Tai Ho hôm 1/10. (Ảnh: SCMP).

Cảnh sát Hong Kong hôm 1/10 thừa nhận họ phải đối mặt với tình trạng bạo lực nghiêm trọng nhất kể từ khi biểu tình bùng phát ở thành phố hồi đầu tháng 6. Một học sinh trung học đã bị cảnh sát bắn trong cuộc đụng độ bạo lực ở đường Tai Ho, quận Tsuen Wan.

Đoạn video được đăng trên mạng cho thấy nhóm người biểu tình đuổi theo một cảnh sát cầm tấm khiên dài vào con hẻm, dúi anh xuống đất và đánh. Một cảnh sát chống bạo động khác đeo mặt nạ phòng độc lao tới với khẩu súng lục và chĩa vào người biểu tình. Khi đụng độ, cảnh sát này đã nổ súng vào nam sinh. Nguồn tin cảnh sát cho biết sĩ quan đeo mặt nạ phòng độc đã hét lên cảnh báo trước khi bóp cò.

"Cậu ta vẫn dùng gậy sắt đánh vào tay cầm súng của cảnh sát nên anh ấy đã nổ súng", nguồn tin nói, thêm rằng vụ nổ súng xảy ra khi nhóm cảnh sát rút lui vào một tòa nhà ở đường Tai Ho. "Tuy nhiên cảnh sát đã ra ngoài để giúp đỡ sau khi thấy một đồng nghiệp bị người biểu tình tấn công".

Nguồn tin cho biết các hướng dẫn huấn luyện của cảnh sát cho phép họ nổ súng trong tình huống sinh tử, và họ được yêu cầu nhắm vào "giữa cơ thể thay vì tay chân" vì tay và chân sẽ khó nhắm mục tiêu hơn trong một cuộc đụng độ. "Chúng tôi cần phải chắc chắn rằng chúng tôi nhắm trúng mục tiêu đã định và không bắn nhầm vào người khác", ông nói.

Một video khác cho thấy người biểu tình bị chảy máu từ ngực, nói tên mình là Tsang Chi-kin và số căn cước công dân. "Ngực tôi rất đau, tôi cần phải đến bệnh viện", Tsang nói trong video, trong khi những người khác khuyên cậu phải bình tĩnh.

Tsang đã được sơ cứu trước khi được đưa đến bệnh viện Princess Margaret trong tình trạng nguy kịch. Nạn nhân sau đó được chuyển tới bệnh viện Nữ hoàng Elizabeth, nơi cậu phải trải qua phẫu thuật để loại bỏ viên đạn.

Trong một thông cáo báo chí rạng sáng nay, chính quyền thành phố cho biết nam sinh đã qua cơn nguy kịch và hiện trong tình trạng ổn định.

24 nghị sĩ đối lập đã ra tuyên bố chung lên án cảnh sát vì đã leo thang sử dụng vũ lực không cần thiết và bắn đạn thật vào một nam sinh mới 18 tuổi. "Cảnh sát bắn súng ở cự li gần như vậy dường như là một cuộc tấn công chứ không phải tự vệ. Nhiều cảnh sát đã mất kiểm soát và đối xử thô bạo với người biểu tình", tuyên bố nêu.

Phản ứng về sự việc, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhua cho rằng việc cảnh sát Hong Kong nổ súng là "chính đáng và hợp pháp". "Những kẻ bạo loạn đã tấn công cảnh sát quy mô lớn ở Tsuen Wan. Tính mạng của cảnh sát tại hiện trường bị đe dọa nghiêm trọng và anh buộc phải bắn kẻ tấn công để bảo vệ chính mình và đồng nghiệp", bài bình luận trên Xinhua có đoạn viết.

Đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình hôm qua xảy ra tại ít nhất 13 khu vực, khiến 47 ga tàu phải ngừng hoạt động và hơn 25 trung tâm mua sắm phải đóng cửa. Người biểu tình chặn đường, đốt lửa, ném bom xăng vào cảnh sát và ga tàu. Họ cũng đập phá các cửa hàng có liên quan đến Trung Quốc đại lục và văn phòng ủy viên hội đồng quận. Cảnh sát phải sử dụng hơi cay, vòi rồng để giải tán người biểu tình.

nguoi-bieu-tinh-hong-kong-trung-dan-canh-sat
Cảnh sát chống bạo động Hong Kong được triển khai để đối phó người biểu tình hôm 1/10. (Ảnh: SCMP).

Một nguồn tin cảnh sát cho biết các sĩ quan đã bị choáng ngợp bởi quy mô bạo lực mới nhưng vẫn duy trì hoạt động hiệu quả. Hơn 180 người biểu tình bị bắt, 66 người bị thương, bao gồm cảnh sát.

Biểu tình ban đầu bùng phát để phản đối dự luật dẫn độ, trong đó cho phép Hong Kong đưa nghi phạm tới xét xử tại những khu vực thành phố chưa có hiệp ước dẫn độ, bao gồm Trung Quốc đại lục, đã khiến trung tâm tài chính châu Á rơi vào khủng hoảng.

Sau khi Trưởng đặc khu Carrie Lam tuyên bố rút hoàn toàn dự luật hồi đầu tháng 9, người biểu tình vẫn xuống đường để yêu cầu chính quyền đáp ứng 4 yêu cầu còn lại gồm mở cuộc điều tra độc lập về hành vi bạo lực của cảnh sát với người biểu tình, miễn tội cho những người bị bắt, rút lại việc coi các cuộc biểu tình là hành vi bạo loạn và khởi động quá trình cải cách chính trị đang bị đình trệ của đặc khu.

Phát biểu trước ngày kỷ niệm quốc khánh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc sẽ tiếp tục thực thi đầy đủ, trung thực mô hình "một quốc gia, hai chế độ" và duy trì quyền tự trị cao của Hong Kong.