Những ngọn đồi bị 'cạo trọc' trơ cành khô và đất đá vì người dân làm nương rẫy

Thứ bảy, 23/06/2018, 09:01 AM

Sau khi đất lâm nghiệp bị người dân phá để làm nương rẫy, chính quyền đã tạo điều kiện chuyển đổi sang đất nông nghiệp. Tuy nhiên, rừng ngày càng bị "ăn sâu" vào, thay vào đó là hoa màu của người dân mọc lên.

nguoi-dan-pha-rung-de-dung-nha-va-lam-nuong-ray
Những quả đồi bị cạo trọc, trơ cành khô và đất đá.

Vào một ngày cuối tháng 6, chúng tôi có dịp ghé thăm xã Hà Đông (huyện Đăk Đoa, Gia Lai). Tại đây, dọc hai bên đường đi đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh những ngọn đồi bị cạo trọc, trơ những cành khô và đất đá.

Cách đó không xa tại làng Kon Jốt và làng Kon Maha (xã Hà Đông), những người dân vẫn ngang nhiên dùng cưa lốc để đốn hạ cây rừng để làm nương rẫy.

Bên cạnh đó, những chiếc chòi được làm tạm bợ cũng được người dân dựng lên để phục vụ sinh hoạt trong khi làm nương rẫy.

Ngoài việc phá rừng để làm nương rẫy, người dân đốn về lấy gỗ để làm nhà cửa, vật dụng gia đình hoặc bán kiếm tiền. Những thân cây có đường kính khoảng 30-40cm đã bị người dân xẻ thành những lóng gỗ để di chuyển ra khỏi rừng. Nhiều cây gỗ lớn bị “xẻ thịt” lấy gỗ, dấu mùn cưa và những mảnh bìa vẫn còn nằm rải rác khắp nơi.

Cứ thế, ngày này qua tháng khác, những cây rừng xanh tươi bị cưa hạ một cách không thương tiếc, thay vào đó là những bãi đất được phủ bằng cây hoa màu, hoặc những bãi đất cháy đen nhẻm. Những cây rừng bị “ken” một thời gian sau mới chết, người dân “hợp thức hóa” bằng việc đốn hạ cây đã chết rồi mở rộng dần diện tích.

nguoi-dan-pha-rung-de-dung-nha-va-lam-nuong-ray
Cây bị chặt phá và đốt để người dân làm nương rẫy.

Theo chúng tôi tôi tìm hiểu, trước đây diện tích đất trên là quỹ đất lâm nghiệp nhưng do bà con có tập quán tái canh, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy nên nhiều diện tích đất rừng trở thành đất trống và xã đã chuyển sang đất nông nghiệp để tạo điều kiện cho bà con. Tuy nhiên, trải qua các mùa nương rẫy thì người dân lại phá diện tích mới để trồng hoa màu.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Việt, Phó Chủ tịch xã Hà Đông cho biết, khu vực người dân phá cây để làm nhà hoặc dùng đất để trồng trọt thuộc đất nông nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Việt, mặc dù là đất nông nghiệp nhưng người dân có hành vi dùng máy cưa cây rừng đều bị xử lý.

“Cũng do tập quán “du canh, du cư” nên người dân thường hay phá để làm nương rẫy. Trước đây, chúng tôi cũng đã cương quyết xử lý những vụ phá rừng làm nương rẫy, điển hình là năm 2012 đã truy tố 13 đối tượng đi tù vì phá hơn 10ha rừng. Sau đó, UBND huyện Đăk Đoa đã tiến hành vận động người dân đưa 20ha rừng bị phá vào trồng rừng…”, ông Việt nói.

Cũng theo ông Việt, hiện nay địa phương đang chờ phương án sử dụng đất cho quỹ đất trên. Diện tích chuyển đổi từ đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp là khoảng 4000-5000ha. Quỹ đất nông nghiệp này hiện do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đăk Đoa quản lý.

nguoi-dan-pha-rung-de-dung-nha-va-lam-nuong-ray
Những cây lớn bị đốn hạ, xẻ thịt còn sót lại.

Còn ông Nguyễn Hồng Quân, Phó ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đăk Đoa cho hay, sau khi nhận được thông tin phản ánh từ báo chí ông sẽ cho người tiến hành kiểm tra, rà soát lại để xác định diện tích đất trên là đất nông nghiệp hay đất lâm nghiệp.

“Việc người dân lấn chiếm đất để làm nương rẫy, chúng tôi sẽ xác minh rõ ràng. Nếu là đất nông nghiệp thì chúng tôi sẽ phạt hành chính vì phá cây rừng với đốt rẫy cháy lan vào rừng. Còn nếu là đất lâm nghiệp thì căn cứ pháp luật để tiến hành lập hồ sơ và chuyển cho cơ quan chức năng để tiến hành khởi tố", ông Quân nói.

 

Thanh tra hoạt động và xử lí về môi trường của hai nhà máy thép gây ô nhiễm tại Đà Nẵng

Sau một thời gian tạo điều kiện cho 2 nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc tiếp tục hoạt động, chính quyền Đà Nẵng đã quyết định lập đoàn thanh tra với nhiệm vụ tiến hành thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong quá trình xử lí về môi trường của 2 doanh nghiệp này.

 

Hoa khôi mặc bikini dẫn World Cup: 'Rất buồn khi đọc bình luận'

MC Thu Hằng được chú ý khi diện bikini dẫn chính chương trình Dự đoán cùng World Cup 2018.