Người phụ nữ 7X hạnh phúc làm 'mẹ bỉm sữa' sau 15 năm hiếm muộn

Thứ bảy, 27/04/2019, 15:01 PM

Đó là trường hợp của chị Nguyễn Thị Hương (trú tại Long Biên, TP Hà Nội) đã sinh thành công 1 bé gái và 1 bé trai nhờ kỹ thuật IVF.

Chị Nguyễn Thị Hương sau nhiều năm điều trị hiếm muộn đã tìm thấy "trái ngọt" nhờ kỹ thuật IVF. (Ảnh Chí Hiếu)

Chị Nguyễn Thị Hương sinh năm 1978 sau khi kết hôn đã sinh 1 cháu gái, do thời điểm đó vợ chồng chị chưa có điều kiện nên 3 năm sau mới tính chuyện sinh thêm cháu thứ 2. Tuy nhiên việc sinh đẻ không được như mong muốn, chị không thể mang thai mặc dù trong 15 năm qua đi gia đình đã đến nhiều bệnh viện lớn, tiêu tốn nhiều chi phí và thời gian vẫn không có kết quả.

Chị Nguyễn Thị Hương chia sẻ: "Sau khi đã thử qua nhiều biện pháp chữa vô sinh, tôi đã thử sử dụng kỹ thuật IVF để tìm 1 tia hy vọng. Khi đến Bệnh viện 16A Hà Đông để đặt 2 phôi thì thời gian ngắn sau tin mừng là có thai.

Tôi tuổi đã cao, trong quá trình mang thai tôi bị tiểu đường thai kỳ, nên phải nhận sự chăm sóc đặc biệt, để rồi 8 tháng 15 ngày sau tôi sinh đôi 1 trai, 1 gái, đó thực sự là kỳ tích".

Đây không chỉ là trường hợp đầu tiên được điều trị vô sinh hiếm muộn ở độ tuổi cao tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Đa khoa 16A Hà Đông), mới đây, chị Hoàng Thị Hằng (44 tuổi) và chồng là Thái Khắc Diên (47 tuổi) ở huyện Quỳ Châu, Nghệ An bị vô sinh nhiều năm và đã điều trị ở rất nhiều các bệnh viện trong Nam ngoài Bắc, anh chị đón đứa con chào đời trong niềm vui khôn xiết.

Trong thời gian 2 năm thành lập Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa 16A Hà Đông đã khám và tư vấn trên 9.000 lượt bệnh nhân, đã thực hiện thủ thuật chọc hút noãn trên 400 chu kỳ, tỷ lệ có thai sau chuyển phôi đạt trên 51%.

GS.TS Nguyễn Đình Tảo, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa 16A Hà Đông. (Ảnh Chí Hiếu)

Chia sẻ về áp dụng công nghệ mới điều trị vô sinh, hiếm muộn, GS.TS Nguyễn Đình Tảo, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa 16A Hà Đông, Chủ tịch Hội Hỗ trợ sinh sản Hà Nội, trung tâm đã thực hiện kỹ thuật IVF và chuyển phôi thành công rất nhiều ca khó, bao gồm các ca đã lớn tuổi, không có tinh trùng trong tinh dịch, vợ chồng mang gen bệnh…

“Điểm chung của các ca này là đều đã đến rất nhiều các trung tâm Hỗ trợ sinh sản, đặc biệt có người đã sang Thái Lan vẫn chưa có kết quả. Việc điều trị cho những người trên 35 tuổi đã bắt đầu khó, thế nhưng chúng tôi có những người đến trung tâm hỗ trợ sinh sản đều ở tuổi cao năm 1968 đến những người 1975, những người trên 40 tuổi thường tỷ lệ dự trữ trứng thấp, thường lấy được rất ít trứng và chất lượng trứng thấp.

Chính vì thế bằng những phương pháp chuyên biệt hiện đại đã tạo ra phôi, rồi chúng tôi phải chuẩn bị “đón phôi làm tổ”, mỗi khâu cần phải làm chi tiết và tỷ lệ thành công tương đối cao. Những trẻ sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệp cho những người tuổi cao đều đẻ con khoẻ mạnh bình thường. Ngoài ra chúng tôi còn sàng lọc trước khi chuyển phôi, chỉ lấy phôi không có bất thường về nhiễm sắc thể".

Bệnh viện trong ngày 26/4 đã tổ chức chào mừng đón em bé chào đời bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản. (Ảnh Chí Hiếu)

Trước những thành công bước đầu của các y bác sĩ tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Đa khoa 16A Hà Đông), GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, đến nay có nhiều trường hợp không cắt nghĩa được vì sao lại bị vô sinh. Đối với những cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn, mong mỏi có một đứa con là niềm khao khát lớn nhất. Phương pháp hỗ trợ sinh sản đã mang lại hạnh phúc cho rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn.

Ở nước ta, kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đã phát triển vượt bậc, minh chứng là hàng trăm ca thành công mỗi năm. 100 cháu bé chào đời đầu tiên ở Bệnh viện Đa khoa 16A Hà Đông là thành công bước đầu của bệnh viện, đồng thời đây cũng là một địa chỉ tin tưởng để các cặp vợ chồng hiếm muộn biết đến.

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến mong muốn Trung tâm hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện tiếp tục ứng dụng khoa học kỹ thuật, nghiên cứu chuyên sâu, phát triển loại trừ bệnh lý di truyền cho các cặp vợ chồng mang gen bệnh như Thalassemia…, tạo ra những đứa trẻ phát triển đầy đủ, khỏe mạnh, không mắc bệnh di truyền.