Người tiêu dùng thất vọng trước lời quảng cáo lừa dối 'thổi phồng' của thực phẩm bảo vệ sức khỏe Zawa

Thứ tư, 27/05/2020, 13:33 PM

Không có tác dụng điều trị, thay thế thuốc chữa bệnh, nhưng ZAWA được quảng cáo trên một số website với nhiều công dụng hơn thực tế sản phẩm mang lại là bảo vệ sức khỏe. Bên cạnh đó, người tiêu dùng còn phát hiện rất nhiều điều đáng lo ngại về chất lượng sản phẩm.

Từ cuối năm 2019, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam giao cho Bộ Công Thương tại thông báo số 439/TB-VPCP, tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh thực phảm chức năng, thuốc theo phương thức bán hàng đa cấp, thương mại điện tử, quảng cáo sản phẩm sai sự thật. Vầ cần xử lý nghiêm các sai phạm này.

Theo kết quả thanh tra, kiểm tra ban đầu diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5, cơ quan chức năng phát hiện hàng chục các công ty vi phạm quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Điển hình là thuốc chữa bệnh, lừa dối người tiêu dùng. Những sản phẩm này được quảng cáo trên các trang web, mạng xã hội như “thần dược” điều trị khỏi một số bệnh: Đái tháo đường, tim mạch, xương khớp, sinh lý nam giới,…nhưng thực tế thì hoàn toàn khác. Theo đó, những cơ sở này đã bị xử phạt nặng.

Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện nhiều thông tin quảng cáo sai lệch bất chấp các quy định và xử phạt được chính phủ đưa ra. Như website: zawavietnam.com, https://zawachinhhang.com, https://www.zawa-chinhhang.vn,... Các website này hiện đang quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe  ZAWA với công dụng chữa bệnh, vi phạm nhiều quy định của luật quảng cáo.

Được biết đây là các web chưa đăng ký với Bộ Công thương theo quy định đang tổ chức bán sản phẩm Zawa. Các trang này được  tổ chức khá bài bản và thống nhất, đồng bộ với nhau về hình ảnh và giá bán sản phẩm. Theo thông tin tại các trang này, sản phẩm Zawa do Công ty Cổ phần Dược phẩm Locifa độc quyền sở hữu và phân phối sản phẩm Zawa ra thị trường.

Zawa được quảng cáo là thuốc kích dục

Zawa được quảng cáo là thuốc kích dục

Cụ thể, nội dung quảng cáo Zawa như sau: “Là sản phẩm thực phẩm chức năng hỗ trợ tăng cường sinh lý nam giới dạng nước đầu tiên tại Việt Nam được sản xuất theo công nghệ hiện đại Nhật Bản”. Điều đang nói, để thu hút người mua, cũng như làm nổi bật công dụng của sản phẩm, các nội dung quảng cáo này sử nhiều từ ngữ dung tục, phản cảm, vi phạm Luật quảng cáo.

Lộ liễu hơn, Zawa còn được giới như một loại thuốc chữa bệnh: “Giảm stress, giúp tập trung và minh mẫn hơn, làm chậm quá trình mãn dục nam, giúp cơ thể cải thiện trí nhớ, giảm căng thẳng mệt mỏi, tăng cường khả năng sinh lý và sức khỏe, cải thiện khả năng sinh sản, hỗ trợ và điều hòa đường huyết…”. Nội dung còn công khai hình ảnh giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm Zawa này.

Những danh mục được quảng cáo ghi trong giấy chưa được cơ quan chức năng cho phép

Những danh mục được quảng cáo ghi trong giấy chưa được cơ quan chức năng cho phép

Câu hỏi đặt ra, Cục an toàn thực phẩm có xác nhận nội dung quảng cáo vi phạm Luật này không? Với hàng loạt những điểm vi phạm nghiêm trọng Luật quảng cáo, “thổi phồng” công dụng, Công ty Lofica có đang qua mặt các cơ quan chức năng, trong khi bản đăng ký của họ chỉ là sản phẩm bảo vệ sức khỏe. Điều mà nội dung thể hiện rất rõ trong bản công bố sản phẩm đăng ký của Locifa.

Chuyển giao từ nhóm chuyên gia Nhật Bản nhưng “không biết mặt” trưởng nhóm?

Theo thông tin mà các trang đang quảng cáo: “Zawa là một trong những thương hiệu nước tăng cường sinh lý nam hàng đầu tại Nhật Bản được các chuyên gia, giáo sư nam học có kinh nghiệm nghiên cứu và phát triển”.

Cùng với đó, Công ty Lofica cũng giới thiệu được chuyển giao và nghiên cứu khoa học tăng cường sinh lý nam giới dạng nước từ Nhật Bản với sự tham gia của nhiều chuyên gia Nhật Bản.

Cùng với đó, Công ty giới thiệu nhóm chuyên gia này do ông Takakura Masaki làm Trưởng nhóm và hiện các trang quảng cáo đều đưa, sử dụng hình ảnh này để giới thiệu cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, hình ảnh đang được đăng tải để quảng cáo trên không phải là ông Takakura Masaki mà là bác sĩ Makoto Kondo, người đã từng có sách được dịch ra và bán ở Việt Nam.

Đây là hình ảnh tiến sĩ Makoto Kondo của Đại học Y khoa Keio chứ không phải là Takakura Masaki như trong quảng cáo

Đây là hình ảnh tiến sĩ Makoto Kondo của Đại học Y khoa Keio chứ không phải là Takakura Masaki như trong quảng cáo

Tiến sĩ Makoto Kondo là bác sĩ tại Đại học Y khoa Keio. Ông có kinh nghiệm hơn 40 năm điều trị ung thư, chuyên gia xạ trị của bệnh viện Đại học Keio. Ông được biết tới là tác giả của hàng loạt cuốn sách bán chạy, như “Ung thư đừng vội phẫu thuật”, “Bệnh nhân ơi, không nên đấu tranh với ung thư”, “Liệu pháp tự bỏ mặc phát triển trong điều trị ung thư”… Năm 2012, ông giành giải thưởng Kikuchi Kan Prize cho sự đóng góp to lớn của văn hóa Nhật Bản. Chuyên ngành nghiên cứu của ông cũng không hề liên quan đến sinh lý nam khoa hay hiếm muộn.

Lừa dối người tiêu dùng một cách trắng trợn

Lừa dối người tiêu dùng một cách trắng trợn

Như vậy, Công ty Lofica có thực sự biết mặt ông Takakura Masaki và được ông cho phép sử dụng hình ảnh để quảng cáo? Việc sử dụng hình ảnh của một người chưa được sự cho phép của họ gắn với tên một sản phẩm chưa co nhiều nghi vấn về chất lượng là điều tối kỵ nếu bị phát hiện. Công ty Lofica cố tình “đặt tên” ông là Takakura Masaki để phục vụ cho việc “đánh bóng” thương hiệu sản phẩm. Và thực chất có được chuyển giao hay không? Chất lượng sản phẩm liệu có đảm bảo? Những nghi vấn về sự gian dối khiến người tiêu dùng khó lòng tin tưởng vào chất lượng sản phẩm Zawa.

Phóng viên chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp thông tin về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm Zawa!

Tại Điều 7 Luật quảng cáo 2012 quy định rõ những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo, trong đó có các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục.

Tại Khoản 2 Điều 50 Nghị định 158/2013/NĐ-CP cũng quy định phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục. Bên cạnh đó còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tháo gỡ hoặc xóa quảng cáo đối với hành vi vi phạm.