Người dùng Việt 'đào' lại và lan truyền thông tin giả mạo từ năm 2012 trên Facebook

Thứ ba, 19/03/2019, 11:35 AM

Nhiều người dùng Việt sử dụng Facebook nhưng "ngây thơ" tuyên bố không cho phép mạng xã hội này sử dụng thông tin của mình thông qua một bài đăng trạng thái.

nguoi-dung-viet-dao-lai-va-lan-truyen-thong-tin-gia-mao-tu-nam-2012-tren-facebook

Từ sáng 19/3, trên Facebook nhiều người dùng Việt Nam bắt đầu chia sẻ bài đăng trên trạng thái với nội dung khẳng định mạng xã hội này sắp tiết lộ thông tin của họ và hạn chót sẽ là ngày mai (20/3).

Trong thông điệp, họ tuyến bố không cho Facebook hay bất kỳ "thực thể nào liên quan đến Facebook" sử dụng hình ảnh, thông tin liên quan của mình quyền tiết lộ, sao chép, phân phối... nội dung liên quan đến chủ tài khoản. Nội dung còn khuyến khích mọi người chia sẻ thông tin trên, khẳng định "nếu sao chép và đăng lại bài này lên trang cá nhân", dữ liệu của họ sẽ được bảo vệ.

Với những tuyên bố cấm đầy hùng hồn và khẳng định quyền được bảo vệ chỉ bằng việc chia sẻ nội dung trên một bài đăng trạng thái đơn giản, nhiều người cả tin đã tham gia khiến thông tin này ngập tràn trên Facebook. 

Để thêm phần thuyết phục, trò bịp bợm còn sử dụng nội dụng trong luật và Quy chế Rome để làm căn cứ bảo vệ người dùng trước Facebook - công ty sống bằng việc mua bán dữ liệu người dùng và dính hàng loạt scandal về dữ liệu trên toàn cầu trong thời gian gần đây. Tuy vậy, ngôn ngữ được sử dụng khá thiếu tự nhiên, giống như được sử dụng lại bởi công cụ dịch sang tiếng Việt.

Quy chế Rome là khuôn khổ pháp lý do Tòa án Hình sự Quốc tế thành lập để xử lý tội phân biệt chủng tộc, tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh. Quy chế này hoàn toàn không liên quan đến vi phạm bản quyền hay quyền riêng tư của người dùng đối với các dịch vụ trên Internet.

Trong khi người dùng Việt "ngây thơ" nghĩ mình có thể cấm Facebook sử dụng thông tin cá nhân chỉ bằng một bài đăng trước khi hết hạn vào ngày 20/3 thì thực tế, trò bịp bợm này đã xuất hiện cách đây gần 7 năm. Từ tháng 6/2012, người dùng Facebook thế giới đã bắt đầu lan truyền thông tin giả mạo này. Hồi cuối năm 2018, trò lừa này từng rộ lên tại Việt Nam rồi nhanh chóng chìm xuống. Nhưng khi scandal của Facebook tiếp tục nóng trở lại, họ bắt đầu chia sẻ thông tin giả mạo cũ kỹ này mà không cần kiểm chứng.

Trước đó, Facebook cũng xuất hiện trò lừa bình luận "Bisou" để kiểm tra tài khoản đã được bảo mật hay chưa. Theo các chuyên gia, trò lừa được tạo ra trên mạng xã hội chủ yếu để kéo tương tác, câu like.

 

Sau hàng loạt scandal, Mark Zuckerberg muốn thay đổi Facebook ra sao?

Trong một bài viết trên Facebook, Mark Zuckerberg cho biết mạng xã hội này sẽ tập trung nhiều hơn vào những dịch vụ tin nhắn riêng tư và mã hóa đầu cuối.

 

Người có thể thay thế Mark Zuckerberg rời Facebook

Chris Cox - Giám đốc sản phẩm, đồng thời là người thân cận với CEO Mark Zuckerberg sẽ rời Facebook sau 14 năm gắn bó.

 

Trò lừa bình luận 'Bisou' để kiểm tra tài khoản Facebook

Lợi dụng Facebook gặp sự cố, nhiều người tung tin "bình luận 'Bisou' để kiểm tra bảo mật tài khoản", nhưng thực tế đây chỉ là trò "câu" tương tác.