Nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình hầu tòa

Thứ hai, 25/06/2018, 08:19 AM

Ông Đặng Thanh Bình cùng đồng phạm thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng khi để Phạm Công Danh và các đồng phạm gây thiệt hại hơn 9.000 tỉ đồng của Ngân hàng Xây dựng.

 

nguyen-pho-thong-doc-ngan-hang-nha-nuoc-dang-thanh-binh-hau-toa
Bị cáo Đặng Thanh Bình đến tòa từ rất sớm.

Ngày 25/6, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử ông Đặng Thanh Bình, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và các đồng phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng khi để xảy ra sai phạm tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB).

Ngoài ông Bình, Viện KSND Tối cao còn truy tố thêm ông Hà Tấn Phước (tổ trưởng tổ giám sát, nguyên Phó giám đốc NHNN chi nhánh Long An), ông Phạm Thế Tuân (tổ phó tổ giám sát, nguyên Phó giám đốc Vietcombank chi nhánh TPHCM), ông Lê Văn Thanh (nguyên Chánh thanh tra NHNN tỉnh Long An, thành viên tổ giám sát) và ông Ngô Văn Thanh (thành viên tổ giám sát, nguyên là Phó phòng kiểm tra, giám sát tuân thủ Vietcombank Long An).

Phiên tòa này do thẩm phán Vũ Thanh Lâm - Phó chánh tòa hình sự TAND TPHCM, làm chủ tọa và thẩm phán là ông Trần Minh Châu. Dự kiến phiên tòa kéo dài trong vòng 1 tuần.

Viện KSND Tối cao đã ủy quyền cho Viện KSND TPHCM tham gia xét xử. Tuy nhiên, trong vụ án này VKSND Tối cao đã cử ông Phạm Văn Dũng - kiểm sát viên cao cấp cùng 2 kiểm sát viên của Viện KSND TPHCM tham gia vụ án.

Nhằm làm rõ các tình tiết trong vụ án, HĐXX quyết đinh trích xuất bị án Phạm Công Danh và Phan Thành Mai tới tham dự phiên tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vụ án. Bên cạnh đó, tòa cũng triệu tập 11 cá nhân thuộc tổ giám sát của NHNN đặt tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) ở các giai đoạn khác nhau.

Ngoài 14 cá nhân liên quan và làm chứng được tòa triệu tập còn có ông Đặng Văn Thảo, Phó Chánh Thanh tra NNNN. Đồng thời, tòa cũng triệu tập đại diện NHNN Việt Nam, cơ quan thanh tra giám sát NHNN, NHNN Chi nhánh tỉnh Long An và Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam.

nguyen-pho-thong-doc-ngan-hang-nha-nuoc-dang-thanh-binh-hau-toa
Bị cáo Hà Tấn Phước.

Tính đến thời điểm hiện tại đã có 10 luật sư đăng ký bào chữa cho các bị can trong phiên tòa sắp tới. Trong đó có các luật sư nguyên là thẩm phán có tiếng trong ngành nay nghỉ hưu như ông Vũ Phi Long, Vũ Lai Bằng, Trương Thị Minh Thơ...

Hiện nay đã có 5 luật sư bào chữa cho Đặng Thanh Bình gồm luật sư Phạm Văn Đàm, Lê Thị Minh Nhân, Nguyễn Xuân Bính, Vũ Lai Bằng. Qua trao đổi ban đầu, có luật sư cho rằng hành vi ông Bình bị cáo buộc là không rõ, chứng cứ chưa thuyết phục...

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị án Phạm Công Danh có luật sư Phan Trung Hoài, Hà Hải, Trần Minh Hải…

Hiện nay tất cả các bị cáo đều được tại ngoại, ông Đặng Thanh Bình được các luật sư đưa đến tòa từ rất sớm, trong trang phục màu xanh trông ông Bình rất khỏe mạnh.

Theo cáo trạng, ông Đặng Thanh Bình được giao nhiệm vụ phụ trách cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, vụ Pháp chế, giúp Thống đốc chỉ đạo việc tái cơ cấu 6 ngân hàng yếu kém theo đề án của chính phủ, trong đó có VNCB.

Tháng 8/2012, ông Bình đã ký tờ trình chính phủ về phương án tái cơ cấu VNCB và đã được Chính phủ chấp thuận chủ trương. Xuất phát từ thực trạng của một số ngân hàng thương mại, trong đó có VNCB và thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN trong việc củng cố lại VNCB, cơ quan Thanh tra giám sát NHNN đã có tờ trình về việc củng cố, chấn chỉnh, cơ cấu lại ngân hàng này. Ông Đặng Thanh Bình là người ký quyết định thành lập tổ giám sát đối với hoạt động của VNCB.

Theo phương án tái cơ cấu và chuyển nhượng cổ phần giữa nhóm cổ đông Phú Mỹ (do bà Hứa Thị Phấn làm đại diện) sang cho nhóm cổ đông Thiên Thanh (do ông Phạm Công Danh làm đại diện) thì VNCB được xếp loại ngân hàng yếu kém và cần thiết phải có cơ chế giám sát đặc biệt, mọi giao dịch trên 5 tỉ đồng phải có sự đồng ý của tổ giám sát.

Tuy nhiên, ông Bình đã không thực hiện đúng phương án do chính NHNN đề xuất để kiểm tra năng lực tài chính của nhóm cổ đông Thiên Thanh, tạo điều kiện cho nhóm cổ đông này điều hành và nắm giữ ngân hàng, sử dụng ngân hàng như một phương tiện phạm tội.

Kể từ khi nhóm cổ đông Thiên Thanh điều hành, ngân hàng làm ăn thua lỗ, vốn chủ sở hữu tiếp tục âm, nợ xấu tăng cao. Vào thời điểm khởi tố vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm năm 2014, vốn chủ sở hữu của VNCB âm hơn 18.000 tỉ đồng, gấp 4 lần so với lúc chưa tái cơ cấu, nợ phải trả là hơn 38.000 tỉ đồng. Vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm đã xác định thiệt hại là hơn 9.000 tỉ đồng.

Không chỉ ông Đặng Thanh Bình thiếu trách nhiệm trong việc giám sát và tái cơ cấu VNCB mà một số thành viên tổ giám sát được ông Bình ký quyết định thành lập cũng có những hành vi sai phạm trong thực thi công vụ.

Cụ thể, các ông Hà Tấn Phước, Lê Văn Thanh, Phạm Thế Tuân và Ngô Văn Thanh thuộc tổ giám sát NHNN đặt tại VNCB được giao nhiệm vụ, quyền hạn và chủ động tiếp cận không hạn chế mọi tài liệu hồ sơ, thông tin, hệ thống phần mềm và yêu cầu ngân hàng này báo cáo, cung cấp tài liệu, làm việc với mọi cán bộ có thẩm quyền, đối chiếu trực tiếp với khách hàng, chủ nợ, đối tác…

Tổ giám sát cũng có quyền đề nghị cấp có thẩm quyền đình chỉ những hoạt động không đúng pháp luật, giám sát trước khi chuyển tiền đối với những giao dịch có giá trị từ 5 tỉ đồng trở lên.

Nhưng các bị can đã không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, để Phạm Công Danh và các đồng phạm rút tiền của VNCB bằng các hành vi phạm tội để sử dụng, gây thiệt hại cho ngân hàng này.

 

Nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình chuẩn bị hầu tòa

Ngày mai (25/6), TAND TPHCM sẽ mở phiên tòa xét xử ông Đặng Thanh Bình, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và các đồng phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

 

Vụ cô giáo bị nam thanh niên hiếp dâm: Nhà nghi can cách trường học 300 mét

Hiệu trưởng Trường THCS Lê Thuyết cho biết nhà nam thanh niên hiếp dâm cô giáo cách trường 300 m có thể đứng ở trong nhà vẫn quan sát được hoạt động ở trường.

 

Nguyên thượng tá công an lừa đảo, chiếm đoạt hơn 24 tỷ đồng

VKSND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành cáo trạng để truy tố ông Y Tuyến Ksơr (nguyên Thượng tá - Phó Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội) Công an tỉnh Đắk Lắk về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hơn 24 tỷ đồng.