Nguyễn Phong Việt: ‘Nếu không có thơ, tôi sẽ rất thực dụng, thậm chí cực kỳ độc ác’

Thứ tư, 19/12/2018, 19:40 PM

“Khoan đã nói đến chuyện có trở nên tốt đẹp từ việc đọc thơ nhưng khi có những khoảng dừng như vậy, bạn sẽ được tiếp thêm năng lượng, được nhẹ nhõm... vì thế thơ cần thiết cho tất cả mọi người.” – Nhà thơ Nguyễn Phong Việt nói.

nguyenn phong viet
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt trong buổi giao lưu ra mắt tập thơ mới "Chỉ cần tin mình là duy nhất" tại TP HCM vừa qua.

- Chào nhà thơ Nguyễn Phong Việt! Với riêng anh "Chỉ cần tin mình là duy nhất" là tập thơ như thế nào? 

- Trước giờ tôi luôn mang câu chuyện của bản thân ra kể và soi chiếu cùng mọi người thì "Chỉ cần tin mình là duy nhất", tôi đã làm việc ngược lại. Đây cũng là cột mốc để tôi biết và hiểu rằng phải xem mình là duy nhất, chỉ có tựa vào mình mới không mất đi một thứ gì trong cuộc đời. 

Khi bạn mong chờ 1 điều gì đó đến từ người khác nó sẽ mất đi vào một lúc nào đó; và nếu bạn mong chờ càng nhiều, nỗi thất vọng của bạn sẽ càng lớn. Khi tôi đặt tất cả những kỳ vọng cho riêng bản thân mình, thì tôi biết điều gì sẽ xảy ra. Tôi chọn những điều tốt nhất cho cuộc đời mình trước khi chọn nó cho một người khác?

- Tôi không dám nói đó là một Nguyễn Phong Việt Trái ngược hoàn toàn với trước đây nhưng có vẻ như ở tập thơ mới, điểm nhìn của anh đã khác đi nhiều?

- Chính xác. Tôi nghĩ đó là cảm giác của sự trưởng thành. Tất cả những gì trong tập thơ chỉ đến với tôi trong vòng một năm trở lại đây mà không đến từ trước đó. Tôi luôn nghĩ, chúng ta phải đi qua cột mốc này mới có thể tiến đến một cột mốc khác. Anh không có cơ hội và khả năng để đốt cháy giai đoạn... 

Hành trình của tôi với "Chỉ cần tin mình là duy nhất" chính là bất chấp thế giới ngoài kia có đau khổ thế nào, thì mình vẫn là mình, không phải một ai khác.

tho5
Tập thơ "Chỉ cần tin mình là duy nhất" được xem là "trạm dừng thứ 7" của Nguyễn Phong Việt trong hành trình với thơ ca trong 7 năm vừa qua. 

- Là người rất bận rộn, anh làm thơ vào lúc nào?

- Có những ngày thong dong, lãng đãng, rảnh rỗi, tôi thức dậy và làm mọi thứ không vội vã, tôi lại chẳng viết được gì cả. Một trong những điều thú vị nhất chính là khi tôi bận rộn nhất, đối diện với deadline của công việc thì chính thơ là một không gian cho tôi sự thư giãn. Những ngày bận rộn nhất tôi lại viết được nhiều bài thơ nhất. Với tôi, thơ đưa đến một giới hạn cân bằng, trong lúc dầu sôi lửa bỏng thì thơ chính là cái cân bằng lại tất cả.

Tôi là người biết tính toán và sắp xếp công việc một cách hợp lý. Có ngày tôi làm đến 4, 5 loại công việc khác nhau nhưng tôi không bao giờ để lẫn vào nhau mà giải quyết một cách khoa học nhất. Và với tôi, thơ giống như một quãng nghỉ, giữa những lúc bạn căng thẳng nhất với công việc, cuộc sống.

- Nghe anh chia sẻ, tôi thấy với anh thơ ca giống như một liệu pháp chữa lành, trước hết là cho chính bản thân anh?

- Đối với tôi thơ giống như là một tri kỷ; nó là thứ thấu hiểu mình nhất chứ không phải bên cạnh mình. Ngay cả bố mẹ sinh ra có thể chưa hiểu hết mình thì thơ lại đi từ bên trong ra và thực sự hiểu được mình nhất. Thơ tức là đối diện với những tổn thương nhưng quan trọng là mình không chia sẻ ngay mà giữ lại cho mình, phân tách, tìm cách ứng xử và đi cùng những nỗi đau đó... Tôi chiến đấu với những tổn thương cuộn lên mỗi ngày và đến khi cảm xúc đó đủ để tôi ngồi xuống và viết ra một câu thơ, một bài thơ một cách nhanh nhất. 

Thơ giống như một ngăn chứa, mà mỗi khi đóng lại nó liền mở ra ngay lập tức, ngay chính chỗ đã đóng với những câu chuyện, cảm xúc khác. Tôi không hề mong cầu điều này nhưng bản năng hoặc vô thức bắt tôi như vậy. Tôi không khao khát đi kể những nỗi đau, những nỗi mệt mỏi.... nó tự xuất hiện và mong muốn được ngồi xuống và viết những điều đó ra. Có những câu thơ tôi không thể lý giải được vì sao mình viết ra được... đó là sự vô thức và không chuẩn bị cho điều đó.

Nguyen phong viet 2
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt ký tặng cho một độc giả nữ. 

- Anh có bao giờ bí ý tưởng?

- Ý tưởng đến từ rất nhiều điều trong cuộc sống và các đề tài như tình yêu, gia đình... sẽ không bao giờ cạn đi. Vấn đề là tất cả đó có được chuyển hoá thành điều mà Nguyễn Phong Việt muốn viết hay không? Tôi không sợ mình hết vốn. Tuy nhiên, có thể sẽ đến một lúc nào đó mình vẫn còn vốn, nhưng duyên viết của mình không còn. Lúc đó tôi sẽ kể chuyện bằng một hình thức khác. Đây cũng là lý do tôi sẽ dừng lại ở tập thơ thứ 10 và tôi sẽ kể chuyện bằng một phương tiện khác, có thể là một tập tản văn, một bộ phim...

- Với anh, thơ là một phương tiện để kể câu chuyện của mình?

- Đúng vậy! Thơ giống như một phương tiện mà tôi vô tình đi trong suốt 7 năm vừa qua. Tôi chỉ có duy nhất một chuyến xe, và tôi vẫn ngồi với nó đến bây giờ. Có thể 3 năm tới tôi vẫn đang ngồi trên chuyến xe này nhưng cũng có thể tôi sẽ bước xuống và bắt một chuyến xe khác, một chuyến tàu, lên một chiếc thuyền...

- Vậy 7 tập thơ ra đời chính là 7 trạm dừng mà Nguyễn Phong Việt đã đi qua?

- Với thơ ca, tôi đã lên một chuyến xe, thực hiện một hành trình, đi qua những con đường, tới những thành phố, làng mạc, đi qua những đêm tối và cả ngày sáng trăng, đón những bình minh...và đó là những trải nghiệm hết sức tuyệt vời. 7 tập thơ là 7 trạm dừng, nơi neo đậu những tình cảm, nơi giải quyết những mâu thuẫn, nơi trả lời những câu hỏi và là nơi chân tôi không chạm đất, để cân bằng cuộc sống bận rộn những bộn bề.

Tôi luôn muốn nói cảm ơn độc giả của mình vì suốt hành trình đó tôi và mọi người đã sống và trưởng thành cùng nhau dù không sống chung một gia đình, ở cạnh nhau... 

- Ở Việt Nam hiện có những ai đang làm thơ, thưa anh?

- Nguyễn Thiên Ngân, Nồng Nàn Phố, Trần Việt Anh, Du Phong.... và rất nhiều người nữa đang làm thơ. Nếu chúng ta so sánh một thế hệ những người làm thơ với những những tác giả viết tản văn, truyện ngắn, tiểu thuyết.... thì không thể nào cạnh tranh được. Thơ là cái khó khăn quá đi và nếu được chọn bắt đầu sự nghiệp văn chương, tôi sẽ không chọn thơ. Mình sẽ chọn 1 thứ nhẹ nhàng mà độc giả dễ tiếp cận hơn. Phải nói thêm rằng, cuộc mưu sinh ở ngoài kia không cho phép nhiều người làm thơ vì thế nó vẫn chỉ là một niềm vui, một sở thích nho nhỏ bên cạnh một cuộc chiến khác của đời sống, phải dành nhiều tâm sức hơn. 

- Được xem là nhà thơ thành công, Nguyễn Phong Việt có sống được bằng thơ?

- Câu trả lời chắc chắn là không và khoảng 10 năm nữa nó vẫn vậy. Tôi là người làm rất nhiều công việc và để hoàn thành tốt, tôi nghĩ cần hai điều là sức khoẻ tốt và cần niềm vui sống. Ở vế thứ 2, thơ ca giúp cho tôi có niềm vui sống rất nhiều. Tôi có thể không kiếm tiền thơ ca nhưng đó là động lực để tôi hoàn thành sức công việc khác. Tôi tin thơ ca đã làm nên một phần con người mình và nếu không có nó sẽ không có Nguyễn Phong Việt của ngày hôm nay? 

Nguyen phong viet 1
Thừa nhận không thể sống được bằng thơ nhưng chính những dòng viết đầy cảm xúc đã giúp anh có niềm vui sống mỗi ngày. 

- Thế thì theo anh, ai đang đọc thơ và thơ cần cho ai?

- Trong cuộc sống hiện đại ngày hôm nay, chúng ta đang phải đối diện với quá nhiều thứ; các giá trị sống cũng không còn chậm rãi như ngày xưa nữa... Khi bạn phải đối diện với mọi thứ thay đổi quá nhanh, với tốc độ khủng khiếp thì thơ giống như một điểm neo, là một chặng nghỉ cho tất cả mọi người. Khoan đã nói đến chuyện có trở nên tốt đẹp từ việc đọc thơ nhưng khi bạn có những khoảng dừng như vậy, bạn sẽ được tiếp thêm năng lượng, được nhẹ nhõm... vì thế thơ cần thiết cho tất cả mọi người. Ngày nay có muôn vàn phương tiện giải trí nhưng tôi nghĩ thơ sẽ không bao giờ mất đi. Dù chỉ là một nhóm thiểu số đọc thơ thì nó vẫn sẽ rất cần, không thể thiếu trong đời sống này.

- Với riêng Nguyễn Phong Việt thì sao?

- Tôi là con người năng động, làm mọi việc một cách logic và rõ ràng vì thế con người thơ ca Nguyễn Phong Việt đã giữ lại được phần sâu sắc, sâu lắng trong tôi. Thơ ca đưa tôi đến một chiều không gian khác mà ở đó tôi được bay bổng, lãng mạn, chân không chạm đất. Nếu không tôi sẽ trở thành một con người rất thực dụng, hiếu chiến, thậm chí cực kỳ độc ác. Đó là phần tốt để giữ mình lại. Tôi nghĩ thơ là cái nghiệp, bạn dành bao nhiêu tâm sức, thời gian... khi bạn đã gắn vào thơ bạn sẽ không bao giờ từ bỏ được.

 

Có 'Một thời Hà Nội hát'

Cuốn du khảo của nhà văn Nguyễn Trương Quý không chỉ phác họa riêng về con người và tác phẩm của cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn mà còn là đời sống giải trí thủ đô giai đoạn giữa những năm 1950.