Nhà hàng bị khách ‘bom’ 150 mâm cỗ cưới ở Điện Biên: Xử lý thế nào?

Thứ năm, 01/10/2020, 11:18 AM

Vụ một nhà hàng ở Điện Biên bị khách “bom” 150 mâm cỗ cưới gây thiệt hại lớn về tài sản của nhà hàng. Vậy, dư luận cho rằng chủ nhà hàng phải xử lý thế nào?

Nhà hàng bị khách ‘bom’ 150 mâm cỗ cưới ở Điện Biên: Xử lý thế nào?

Nhà hàng bị khách ‘bom’ 150 mâm cỗ cưới ở Điện Biên: Xử lý thế nào?

Chiều 30/9, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin về một nhà hàng ở TP Điện Biên (tỉnh Điện Biên) bị khách “bom” 150 mâm cỗ cưới gây xôn xao dư luận.

Theo chia sẻ, nhà hàng đã hỗ trợ dựng rạp ngoài đường, chuẩn bị mâm cỗ theo đúng kế hoạch. Đến khoảng 11h30 trưa cùng ngày, cô dâu, chú rể và quan khách 2 bên không xuất hiện. Chủ nhà hàng nhận được thông báo phía khách hàng rằng sẽ dời cỗ cưới xuống 14h chiều. Nhưng đến thời điểm này, vẫn không thấy một ai.

Sau khi xảy ra sự việc, phía nhà hàng đã đăng tải câu chuyện lên mạng xã hội, kêu gọi người dân giải cứu 150 mâm cỗ với giảm 500.000 đồng/mâm.

Theo đại diện nhà hàng cho biết, do gia đình cô dâu, chú rể là khách hàng quen, nên không bắt đặt cọc trước. Tổng số tiền 150 mâm cỗ trị giá khoảng hơn 200 triệu đồng.

Cũng trong ngày (30/9), lãnh đạo UBND phường Mường Thanh, TP Điện Biên xác nhận vụ việc trên xảy ra trên địa bàn, hiện chủ nhà hàng đang làm việc với bên công an phường.

Trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường (đoàn luật sư Hà Nội) đã phân tích về trường hợp của nhà hàng bị khách “bom” 150 mâm cỗ cưới trên.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, đây là chuyện hy hữu gây thiệt hại đến tài sản của nhà hàng. Trong vụ việc này, nếu có trình báo của chủ nhà hàng về hành vi của khách đặt hàng rồi không đến ăn cỗ, cũng không trả tiền thì cơ quan điều tra có thể vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân, động cơ và những vụ việc có liên quan để có hình thức xử lý phù hợp với quy định pháp luật.

Hai tình huống có thể đặt ra, một là đám cưới gặp phải sự cố do nguyên nhân khách quan khiến việc tổ chức đám cưới chưa thể thực hiện được.

Trong trường hợp này hoàn toàn là quan hệ dân sự thuần tuý, chủ nhà hàng có thể bắt đền người đặt hàng về thiệt hại từ việc thỏa thuận đặt cỗ đó.

Nếu hai bên không thỏa thuận được thì có thể khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự về yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Trường hợp thứ hai xảy ra có thể đó là người đặt cỗ đã cố tình làm như vậy để "chơi khăm", chủ đích gây thiệt hại cho chủ nhà hàng. Trường hợp này là lỗi cố ý và gây thiệt hại đến tài sản của chủ nhà hàng.

Tuy nhiên đối chiếu với các quy định của pháp luật hình sự hiện hành thì rất khó có thể áp dụng chế tài nào đối với hành vi này.

Nếu hành vi là cố ý, tác động trực tiếp đến tài sản của chủ nhà hàng khiến tài sản bị hư hỏng hoặc hủy hoại thì mới có thể áp dụng chế tài hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.

Hoặc trường hợp gian dối để chiếm đoạt tài sản thì mới có thể xử lý về tội lừa đảo hoặc tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Còn hành vi không thực hiện đúng thỏa thuận trong quan hệ dân sự, vi phạm thỏa thuận của hợp đồng dân sự gây thiệt hại cho chủ thể của hợp đồng thì đây hoàn toàn là quan hệ dân sự thuần tuý, dù có vô ý hay cố ý thì cũng sẽ giải quyết bằng thủ tục tố tụng dân sự.

Trong trường hợp này chủ nhà hàng phải khởi kiện đến tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu người đặt cỗ cố tình không bồi thường thiệt hại và hai bên không thỏa thuận được với nhau.

Có thể đây sẽ là một bài học cho hoạt động kinh doanh của chủ nhà hàng này cũng như cho những người bán hàng hóa lấy tiền sau.

Trong trường hợp người đặt hàng có tài sản để đảm bảo việc bồi thường, thiệt hại có thể được bù đắp. Tuy nhiên, người đặt hàng là người không có tài sản thì rủi ro hoàn toàn thuộc về chủ nhà hàng do thiếu kinh nghiệm và không có những nguyên tắc cần thiết để đảm bảo an toàn trong kinh doanh.

Bài liên quan