Thứ tư, 24/10/2018, 07:48 AM
  • Click để copy

Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm: Tư duy xây nhà hát hiện nay đã lỗi thời

Cho rằng việc nhà hát trăm tỷ Đan Phương (Hà Nội) chậm tiến độ sẽ gây ra sự lãng phí tiền của, tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm đặt câu hỏi "Nếu nhà hát này hoàn thành thì ai đến hát, ai đến xem và đỏ đèn được mấy buổi?"

nha-hat-tram-ty-dan-phuong-6-nam-van-dap-chieu
Quang cảnh nhà hát trăm tỷ ở huyện Đan Phượng (Hà Nội) - (Ảnh: Hà Nội Mới).

Tin tức về việc nhà hát trăm tỷ đồng ở huyện Đan Phượng (Hà Nội) sau nhiều năm xây dựng vẫn đang "đắp chiếu", chậm tiến độ 4 năm so với mục tiêu đề ra, thu hút sự quan tâm của dư luận.

Trả lời báo chí lãnh đạo huyện Đan Phượng cho biết, nguyên nhân là do chưa hoàn thiện hệ thống PCCC, đồng thời cho biết đến năm 2019 nhà hát mới có thể đi vào hoạt động.

Được biết, nhà hát huyện Đan Phượng được xây dựng trên mảnh đất 10.500 m2, tổng số vốn đầu tư  hơn 117 tỷ đồng từ ngân sách huyện. Công trình có diện tích mặt sàn 7.100 m2, gồm một khán phòng 700 chỗ ngồi cùng 20 phòng chức năng. Đến nay, nhà hát huyện Đan Phượng là thiết chế văn hóa cấp huyện lớn nhất Hà Nội.

Trước sự việc trên, nhiều ý kiến cho rằng việc dựng nhà hát trăm tỷ ở huyện là không cần thiết, gây lãng phí và việc chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng đến công năng của công trình? Đặc biệt, khi thời điểm này việc xây dựng các nhà hát đang gây tranh cãi lớn trong dư luận thì việc nhà hát trăm tỷ đồng ở huyện Đan Phượng chưa đi vào hoạt động được nhiều người cho là ví dụ tiêu biểu trong việc lãng phí xây nhà hát.

Trao đổi với PV, tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, việc một công trình được đầu tư đến cả trăm tỷ đồng mà "đắp chiếu" nhiều năm vì lý do không hoàn thiện hệ thống PCCC là điều khó chấp nhận nổi, gây lãng phí tiền bạc.

xay-to-hop-the-thao-hang-day-6000-ty-dong-chua-thay-thanh-pho-duoc-loi-gi
Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm.

"Tại sao công trình lớn như thế mà không hoàn thiện hệ thống PCCC sớm để đưa vào hoạt động mà "đắp chiếu" gây ra lãng phí...", tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm bày tỏ.

Bên cạnh đó, tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm cho rằng việc một huyện bỏ ngân sách đầu tư xây nhà hát trên trăm tỷ đồng là điều bất hợp lý bởi nhà hát chỉ thực sự cần thiết ở cấp thành phố vì chỉ có khách du lịch và các sự kiện mang tầm cỡ quốc tế khác mới cần tổ chức ở nhà hát.

"Tôi đang thắc mắc nếu hoàn thiện, đi vào hoạt động thì nhà hát đỏ đèn được mấy buổi? Ai sẽ đến biểu diễn ở đây? Lãng phí quá... ở huyện thì ai đến hát. Ngay nhà hát ở TP Hà Nội này còn chưa phát huy hết công xuất chứ đừng nói đến huyện, giỏi lắm được vài ba bận...", ông Liêm nêu ý kiến.

Cũng theo ông Liêm, tư duy xây nhà hát hiện nay đã lỗi thời bởi thời đại công nghệ người dân có rất nhiều lựa chọn giải trí thay vì đi đến nhà hát để xem hát.

nha-hat-tram-ty-dan-phuong-6-nam-van-dap-chieu
Nhà hát Đan Phượng sức chứa 700 chỗ ngồi nhưng vẫn chưa lắp ghế - (Ảnh: Hà Nội Mới).

"Người ta xem trên điện thoại, ti vi... muốn xem gì có đấy vừa đa dạng lại thoải mái thì tội gì người ta phải đến tận nhà hát để xem", nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng bày tỏ. Đồng thời cho rằng, việc một số địa phương đua nhau xây nhà hát, làm công trình trăm tỷ là vì lý do khác.

"Trong đầu tư công thì việc tiêu cực khó tránh khỏi và đó cũng là lý do đất nước ta còn yếu kém...", ông Phạm Sỹ Liêm nói thêm.

Theo tìm hiểu của PV, nhà hát trăm tỷ huyện Đan Phượng (Hà Nội) có tổng vốn đầu tư hơn 117 tỷ đồng từ ngân sách huyện. Nhà hát được khởi công từ ngày 23/2/2012, cao 3 tầng, có tổng diện tích sàn hơn 7.000 m2, nằm trên mảnh đất rộng 10.500 m2. Nhà hát được xây dựng với quy mô hoành tráng, kiến trúc độc đáo.

Bên ngoài được ốp lớp kính và đá đen bóng loáng, bên trong thiết kế hiện đại. Với 40 phòng chức năng, trong khu biểu diễn là một hội trường rộng 700 ghế ngồi và một sàn diễn rộng tới hàng trăm mét vuông.

Trải qua 6 năm xây dựng, đến nay các hạng mục của nhà hát này cơ bản đã hoàn thành. Tuy nhiên, nhà hát huyện Đan Phương đến nay vẫn chưa hoạt động chính thức.

Thời điểm khởi công, huyện Đan Phượng dự kiến xây dựng nhà hát này trong vòng 2 năm (từ 2012-2014). Tính đến nay, nhà hát này chậm 4 năm so với tiến độ đề ra.

Trả lời báo chí mới đây, bà Đào Thị Hồng - phó chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho hay, huyện sẽ tiếp tục hoàn thiện các hạng mục còn dang dở, đặt mục tiêu đến đầu năm 2019, sẽ hoàn thành những hạng mục còn lại, đưa nhà hát vào hoạt động chính thức, phục vụ nhân dân.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phương cho biết, thực tế nhà hát này cũng đã được điều chỉnh công năng để phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư công. “Tên nó là nhà hát thôi, nhưng thực ra là trung tâm văn hóa đa chức năng, vừa biểu diễn nghệ thuật, vừa là nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của nhân dân”, bà Hồng giải thích.

Dù dự án chậm tiến độ so với dự kiến hơn 4 năm qua, nhưng các hoạt động văn hóa, văn nghệ của nhân dân Đan Phượng cũng không thiếu nơi biểu diễn. Bà Hồng cho hay, với những sự kiện lớn được tổ chức ở sân vận động, hoặc hội trường của UBND huyện.

 

TP HCM xây nhà hát 1.500 tỉ: Nhà hát chưa xây nhưng đã sắm đủ bộ nhạc cụ hơn 40 tỉ

TP HCM vừa thông qua chủ trương xây nhà hát giao hưởng 1.500 tỉ, nếu xây dựng thì mất nhiều năm nữa mới hoàn thành. Nhưng từ nhiều năm qua, TP HCM đã rót hơn 40 tỉ đồng để mua nhạc cụ phục vụ cho dàn nhạc giao hương.

 

Bộ VHTT&DL: Xây dựng nhà hát 1.500 tỷ đồng ở Thủ Thiêm thuộc thẩm quyền TP HCM

Liên quan đến việc TP HCM thông qua chủ trương xây dựng dự án nhà hát 1.500 tỷ ở Thủ Thiêm, Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Nguyễn Thái Bình cho biết, đây là thẩm quyền của TP HCM.

 

Nhà hát 1.500 tỷ tại Thủ Thiêm: 'Giờ không làm, đợi đến khi nào?'

Đó là ý kiến của TS Trần Du Lịch, nguyên đại biểu Quốc hội TPHCM khi được hỏi về việc HĐND TPHCM thông qua chủ trương xây dựng Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch tại Thủ Thiêm với tổng mức đầu tư 1.508 tỷ đồng.