Nhà máy dời đi, cao ốc mọc lên: Áp lực tập trung đông dân cư không kém ô nhiễm môi trường

Thứ tư, 05/02/2020, 13:34 PM

Chủ trương Chính phủ di dời các nhà máy, cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô, quỹ “đất vàng” để lại sẽ dành cho các công trình công cộng, tuy nhiênnhà máy sau di dời nhất loạt đều biến thành cao ốc.

Các nhà máy, xí nghiệp của doanh nghiệp nhà nước sau khi di dời khỏi nội đô hầu hết đã được cấp phép làm nhà ở, trung tâm thương mại.

Các nhà máy, xí nghiệp của doanh nghiệp nhà nước sau khi di dời khỏi nội đô hầu hết đã được cấp phép làm nhà ở, trung tâm thương mại.

Quyết định số 130 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ ghi rõ, sau khi di dời, quỹ đất của các cơ sở ô nhiễm sẽ được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch, ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị. Tuy nhiên, thực tế là hậu di dời, nhiều khu chung cư cao tầng đã được xây dựng hoành tráng.

Ông Nguyễn Văn Đính - Tổng Thư ký Hội Môi trường BĐS Việt Nam cho biết, trước đây bất kỳ nhà máy nào đi, nhà xưởng nào chuyển đi đều chuyển đổi thành tòa nhà chức năng thương mại, tạo ra quá tải về hạ tầng xã hội. 

Điển hình như đường Nguyễn Tuân, dù chiều dài chưa đầy 1km nhưng phải oằn mình gánh 20 chung cư san sát nhau. Trong số đó một số chung cư được xây dựng trên quỹ đất vàng là nhà máy, nhà xưởng mới được di dời. 

Cụ thể, Dự án Gold Season vốn là phần đất của công ty Dệt Mùa đông; Dự án Thống nhất Complex tiền thân là Nhà máy xe máy Thống Nhất; Dự án 90 Nguyễn Tuân cũng là khu đất Xí nghiệp xe buýt do tổng Công ty vận tải Hà Nội quản lý.

Nếu quỹ đất sau khi di dời các nhà máy chỉ chăm chăm xây dựng các tòa nhà chung cư, khu đô thị thì việc quá tải giao thông, ô nhiễm... còn là bài toán đau đầu.

Nếu quỹ đất sau khi di dời các nhà máy chỉ chăm chăm xây dựng các tòa nhà chung cư, khu đô thị thì việc quá tải giao thông, ô nhiễm... còn là bài toán đau đầu.

Trong một báo cáo kết luận được Thanh tra Chính phủ công bố năm 2018 về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại vị trí đắc địa của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước tại Thành phố Hà Nội giai đoạn 2003 – 2016 cho thấy, riêng tại Hà Nội, tính đến hết năm 2016, trên địa bàn Thành phố có 69 dự án với tổng diện tích 180 ha đất đã được chuyển đổi sang vị trí khác.

Đây là những dự án vốn là đất của các cơ sở sản xuất trong nội thành. Sau khi thành phố có chủ trương di dời những nhà máy không còn phù hợp hoặc gây ô nhiễm ra ngoại thành thì các khu đất này đều được chuyển mục đích sử dụng đất làm chung cư, khách sạn, trung tâm thương mại....

Tuy nhiên, ngoài một số dự án, khi lựa chọn nhà đầu tư đưa lợi thế đất để đấu giá, thu về cho nhà nước số tiền lớn vẫn còn 38 doanh nghiệp không tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư mà tự thỏa thuận, nên thu được thấp. Tổng số tiền sai phạm được phát hiện qua thanh tra 38 dự án chuyển mục đích sử dụng đất là gần 4.000 tỷ đồng.

Một số dự án phát hiện sai phạm khác như các sự án: Tổ hợp trung tâm thương mại, dịch vụ tổng hợp, văn phòng, căn hộ cao cấp và khách sạn căn hộ (47 Nguyễn Tuân), Khu hỗn hợp trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng, văn phòng và nhà ở để bán (108 Nguyễn Trãi), Tòa nhà hỗ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại, khách sạn và căn hộ thương mại (44 Yên Phụ), Trung tâm thương mại nhà ở cao tầng và thấp tầng Hano - Vid (430 cầu Am)...

Trước tình trạng trên, nhiều chuyên gia quy hoạch băn khoăn, khi các nhà máy dọn đi theo quy hoạch nhưng việc sử dụng lại phần diện tích đất còn lại có được thực hiện theo quy hoạch hay không vẫn đang mập mờ. Liệu có hay không việc đánh đổi kinh tế bằng mọi giá, kể cả đã hi sinh cả môi trường sống của người dân.

Trao đổi với Dân trí, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, về chủ trương và quy hoạch phát triển các công trình công cộng, các công trình cây xanh tại các quỹ đất trống đó là hoàn toàn đúng, tuy nhiên, cách thức thực hiện còn nhiều điểm bất hợp lý.

Sau khi di dời nhà máy, xí nghiệp công nghiệp, nhiều chung cư mới được xây dựng, thay cho công viên có một phần nguyên nhân là do doanh nghiệp đặt nặng vấn đề kinh doanh và không mặn mà với các phương án phát triển các công trình công cộng.

Ví dụ, theo quy hoạch đã được phê duyệt, khu Cao - Xà - Lá (Nhà máy Cao su sao vàng - nhà máy xà phòng và thuốc lá Thăng Long, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân) không chỉ có có chung cư, trên thực tế, tại đây có một quỹ đất rất lớn ưu tiên để phát triển công viên.

Tuy nhiên, người dân di qua khu vực này chỉ toàn thấy chung cư hoặc các dự án chung cư đang chuẩn bị thực hiện và hoàn toàn không thấy công viên nằm ở đâu.

Để giải quyết thực trạng này TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm đưa ra 3 giải pháp. Thứ nhất cơ quan quản lý Nhà nước phải giám sát quá trình phát triển quỹ đất trống theo quy hoạch.

Giải pháp thứ 2 là phải công bố, công khai quy hoạch phát triển các quỹ đất trống cho nhân dân được biết. Từ đó, người dân sẽ phối hợp với cơ quan Nhà nước để cùng kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các quỹ đất trống theo quy hoạch đã phê duyệt.

Thứ 3 các cơ quan ban, ngành trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch phải có cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các công trình kinh doanh với các công trình công cộng.

Bài liên quan