Thứ sáu, 14/09/2018, 14:45 PM
  • Click để copy

Nhà văn Văn Giá giải thích câu nói: 'Ăn thịt chó tức là ăn thịt người'

Theo PGS.TS - Nhà lý luận phê bình, nhà văn Ngô Văn Giá, câu nói “Chó có cấu trúc sinh học và hệ thần kinh gần với con người nhất. Ăn thịt chó tức là ăn thịt người” của GS. Nguyễn Hoàng Phương đã giúp ông bỏ hẳn thói quen ăn thịt chó.

nha-van-van-gia-giai-thich-cau-noi-an-thit-cho-tuc-la-an-thit-nguoi
PGS.TS - Nhà lý luận phê bình, nhà văn Ngô Văn Giá trong một buổi giảng bài cho sinh viên.

Liên quan đến câu chuyện Hà Nội muốn người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mới đây dư luận hết sức sửng sốt trước một bài báo của PGS.TS - Nhà lý luận phê bình, nhà văn Ngô Văn Giá đăng tải trên báo VTC News với tiêu đề "Thú ăn thịt chó rất gần với sự ăn uống hoang dã".

Trong đó, nhà văn Văn Giá có nhắc đến một câu nói của cố Giáo sư Nguyễn Hoàng Phương (1927-2004), nhà nghiên cứu nổi tiếng về các lĩnh vực vật lý, Trường sinh học và tâm linh rằng: "Trong số các loài vật, con chó có cấu trúc sinh học và hệ thần kinh gần với con người nhất. Ăn thịt chó tức là ăn thịt người”. 

Ý kiến mà nhà văn Ngô Văn Giá đưa ra ngay lập tức nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Sáng 14/9, trao đổi ngắn với PV, nhà văn Ngô Văn Giá cho biết, câu nói trên ông được nghe từ Giáo sư Nguyễn Hoàng Phương.

Theo nhà văn Văn Giá, không rõ độ tin cậy trong ý kiến của Giáo sư Phương đến đâu nhưng câu nói ấy cũng đã là một động lực giúp ông bỏ hẳn thói quen ăn thịt chó.

Chia sẻ thêm với PV, nhà văn Văn Giá cho biết, ông hoan nghênh và hoàn toàn ủng hộ ý kiến của TP Hà Nội khi vận động tuyên truyền người dân bỏ thói quen ăn thịt chó. 

Là một người "quê" lên Hà Nội sống và công tác đã nhiều năm, nhà văn Văn Giá cho biết, ở quê ông việc ăn thịt chó vẫn phổ biến, tuy nhiên thói quen này đã dần có sự hạn chế, thay đổi trong cách nghĩ của lớp trẻ.

nha-van-van-gia-giai-thich-cau-noi-an-thit-cho-tuc-la-an-thit-nguoi
Ông Nguyễn Mạnh Hà – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chó nghiệp vụ PDS. 

"Từ góc độ văn minh, có luồng ý kiến cho rằng, thú ăn thịt chó rất gần với sự ăn uống hoang dã. Dưới góc nhìn văn hóa du lịch, cũng phải thừa nhận với nhau rằng cách giết mổ chó/mèo, chuyện ăn thịt chó mèo rất gây phản cảm cho khách phương Tây và những nước không có thói quen đó.

Còn dưới góc nhìn nhân văn, quả là giết một con vật nuôi thân thiết với con người, nhất là hành vi giết mổ, gây nên cảm giác bạo lực, hiếu sát; riêng đối với người nuôi, còn là một nỗi đau mất mát…

Trong quan sát của tôi, ở các đô thị lớn hiện nay, chuyện ăn thịt chó có những dấu hiệu suy giảm, và đối tượng đi đầu này chính là những người trẻ. Chúng thuộc thế hệ mới, được học hành, được tiếp xúc với các giá trị văn minh nhân loại ngay từ tấm bé, lớn lên lại được tiếp xúc mọi thứ qua các phương tiện truyền thông đại chúng.

Đối với người trẻ, họ không bị thói quen của quá khứ đè nặng, họ dám kháng cự lại với những áp đặt của người lớn, họ cần được tôn trọng với những sở thích mới, lựa chọn mới, thói quen mới. Tôi chứng kiến một cô bé sinh viên hàng xóm nhà tôi, nó bảo: “Cháu không bao giờ đi yêu cái thằng nào lại ăn thịt chó”.

Thói quen ăn thịt chó/mèo hiện nay đang còn khá nặng ở các vùng nông thôn. Họ vẫn coi thịt chó là nguồn thực phẩm ngon, rẻ, bổ. Phần lớn mỗi gia đình nuôi vài ba con để giữ nhà, tiện khi nào nhà có việc thì giết mổ để ăn. Cũng không ít gia đình nuôi chó để bán kiếm tiền. Việc tiêm phòng, quản lý đang còn khá lỏng lẻo.

Trong khi đó, những người dân thôn quê ngàn đời nay vẫn có tâm lý coi thịt chó là “quốc hồn quốc túy”, không thể thiếu được. Cho nên, câu chuyện quản lý thịt chó/mèo ở vùng nông thôn cần được tính toán thận trọng hơn đối với các đô thị", nhà văn Văn Giá đề cập trong bài báo đăng tải trên VTC News.

Trong diễn biến khác, trao đổi với PV, ông Nguyễn Mạnh Hà – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chó nghiệp vụ PDS cũng tán đồng với ý kiến mà nhà văn Văn Giá đưa ra.

Ông Hà cho rằng, con chó có cấu trúc sinh học và hệ thần kinh rất gần với con người, điều này được biểu hiện qua sự phản xạ có điều kiện khi huấn luyện chó, hay sự thông minh. Chó có khả năng ghi nhớ, phân biệt các loại âm thanh gấp nhiều lần tai người. Ngoài ra, tai chó còn nghe được những tần số âm thanh mà tai người không nghe thấy được như siêu âm...

Cũng tán thành với mong muốn không ăn thịt chó của TP Hà Nội, ông Hà cho rằng: "Thói quen ăn thịt chó của con người bắt nguồn từ việc quá nghèo đói".

"Từ xa xưa người ta nuôi chó không phải với mục đích lấy thịt mà để bảo vệ nhà cửa, đi săn... Tuy nhiên, do hoàn cảnh nghèo túng, nhiều gia đình bí quá, thấy chó chết và tiếc của nên đã lấy thịt để ăn, từ đó thói quen đó hình thành", ông Hà chia sẻ thêm.

Cùng trao đổi, Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Văn Khải cho rằng: "Nói con chó có cấu trúc sinh học và hệ thần kinh gần với con người nhất. Ăn thịt chó tức là ăn thịt người... là không đúng".

Theo Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Văn Khải, chó đơn thuần là những con vật nuôi, việc ăn thịt chó có từ lâu đời tuy nhiên cũng không nên lạm dụng thịt chó như một món hàng hóa đại trà.