Gần ba triệu hài cốt nạn nhân Khmer Đỏ vẫn còn đó, sao ông Lý Hiển Long nỡ ‘bóp méo’ sự thật?

Thứ tư, 05/06/2019, 09:48 AM

Nhìn vào sự thật rằng nhân dân Việt Nam đã hy sinh xương máu giúp nhân dân Campuchia chống lại chế độ diệt chủng Pol Pot, phát ngôn xuyên tạc lịch sử của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã khơi lại nỗi đau của người dân hai nước.

Các ngôi mộ tập thể các nạn nhân của Khmer Đỏ được khai quật.
Các ngôi mộ tập thể các nạn nhân của Khmer Đỏ được khai quật.

Phát biểu sai sự thật của ông Lý Hiển Long ngay lập tức bị báo chí và chính giới Campuchia phản đối kịch liệt. Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh nhấn mạnh việc ông Lý Hiển Long cho rằng Việt Nam đã “xâm lược và chiếm đóng” Campuchia là không đúng sự thật và coi thường lịch sử.

Việt Nam cũng lên tiếng cho rằng một số nội dung trong phát biểu của ông Lý Hiển Long phản ánh không khách quan thực tế lịch sử.

Trong khoảng thời gian ba năm 8 tháng 20 ngày gần ba triệu nạn nhân vô tội đã chết dưới tay Khmer Đỏ. Sự thật không thể khác khi những cánh đồng chết chất đầy xương của các nạn nhân Khmer Đỏ vẫn còn đó. Nỗi đau của cả người dân Việt Nam và người dân Campuchia vẫn còn những dấu vết chưa hề bị xóa nhòa dù đã hơn 40 năm qua đi.

Sau khi Mỹ rút hết quân khỏi miền Nam Việt Nam năm 1973, ngày 17/4/1975, Khmer Đỏ lật đổ chính quyền Lon Nol, xây dựng “Nước Cộng hòa Dân chủ Campuchia”.

Ngày 20/5/1975, Thường vụ Trung ương Đảng do Pol Pot chủ trì họp và nuôi tham vọng xây dựng xã hội mới ở Campuchia với nhiều đặc điểm kì lạ như không chợ, không tiền, không trường học, không đô thị, không trí thức, không tôn giáo…

Chính sách này đã gây ra thảm cảnh khủng khiếp đối với Campuchia. Chính quyền Khmer Đỏ do Pol Pot lãnh đạo đã sát hại hàng triệu đồng bào vô tội bằng những hình thức rất man rợ và vô nhân tính.

Quân Pol Pot đã giết gần ba triệu người dân vô tội.
Quân Pol Pot đã giết gần ba triệu người dân vô tội.

Không chỉ vậy, chúng còn đem quân khiêu khích, xâm lược Việt Nam, giết hàng ngàn người dân vô tội Việt Nam ở các tỉnh biên giới với Campuchia. Nơi lưu giữ rõ ràng nhất tội ác của Khmer Đỏ đối với nhân dân Việt Nam ở xã Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang với 3.157 người dân vô tội bị  đội quân này giết hại.

Ở Campuchia, tại các công trường lao động khổ sai chẳng khác mấy những nhà tù khổng lồ ở nông thôn. Quân Khmer Đỏ sử dụng các loại vũ khí từ đao, búa, chỉa đến các loại súng, lựu đạn để tàn sát người dân vô tội.

Tại các cánh đồng chết ở Campuchia hiện nay vẫn còn những hình ảnh rùnh mình như những chiếc cây mà quân của Pol Pot đã dùng để dập đầu trẻ em cho đến chết. Những đống xương người dân vô tội nằm ngổn ngang trên mặt đất.

Chúng vô cùng man rợ như chặt đầu, chặt tay chân, chặt người ra nhiều khúc, mổ bụng, moi gan, xé xác trẻ em ném vào lửa, đập đầu hãm hiếp phụ nữ, mổ bụng phụ nữ có thai, cắt cổ lấy máu, rạch miệng, ném xác người xuống giếng, chôn sống, tàn sát tập thể nhiều gia đình.

Thế giới đã làm ngơ, trừ Việt Nam!

Và trong tình cảnh người dân Campuchia đang đau đớn dưới bàn tay tàn sát của Khmer Đỏ, thế giới bị cho là đã làm ngơ.

Ngày 3/6, nghị sĩ Hun Many của Campuchia đã phản ứng gay gắt với phát biểu của ông Lý Hiển Long. Ông nhấn mạnh: “Trong khoảng thời gian 3 năm 8 tháng 20 ngày, bởi vì thế giới nhắm mắt làm ngơ với chúng tôi, gần 3 triệu nạn nhân vô tội đã chết dưới tay Khmer Đỏ. Trong khi tất cả đều đang chơi bài chính trị, người Campuchia đã cầu nguyện rằng không quan trọng đó là ai và sự giúp đỡ đến từ đâu, chỉ cần chúng tôi được cứu khỏi chế độ diệt chủng của Khmer Đỏ. Để rồi cuối cùng chỉ có nước láng giềng Việt Nam chìa tay ra giúp đỡ".

Đó là điều người dân Campuchia không bao giờ quên. Người dân Campuchia đã cầu cứu. Nhưng không có tiếng đáp lại, trừ Việt Nam.

Đáp lại lời kêu gọi của nhân dân Campuchia đồng thời để bảo vệ Tổ quốc, các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đã sát cánh cùng Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia tiến hành cuộc chiến tranh tự vệ, cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam.

Nhiều chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh trên đất Campuchia để đưa Cách mạng Campuchia thắng lợi, lật đổ chế độ diệt chủng vào ngày 7/1/1979, chấm dứt những năm tháng khổ đau, chết chóc mà người dân Campuchia phải chịu đựng.

Thời gian có thể trôi qua nhưng dấu vết tội các mà Khmer Đỏ để lại vẫn còn đó. Chúng đang ở nhà tù diệt chủng Toul Sleng hay các ngôi mộ tập thể Cheung Ek và vô số cánh đồng chết.

Bên cạnh đó là những nhân chứng sống, người thân của các nạn nhân của Khmer Đỏ ở cả Việt Nam và Campuchia.

Tại phiên tòa tuyên án hai cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ là Nuon Chea, 92 tuổi và Khieu Samphan, 87 tuổi vì tội chống lại loài người và diệt chủng hôm 16/11/2018, rất đông người đã tham dự phiên tòa, bao gồm các thành viên của cộng đồng người Chăm.

Lah Sath, một người đàn ông Chăm 72 tuổi từ miền đông tỉnh Kampong Cham, đã đưa vợ và 4 đứa cháu gái đến phiên tuyên án. Ông nói ông thường nghe mọi người nói về phiên tòa và đôi khi xem trên TV, nhưng đã quyết định đến đây để nhìn thấy tận mắt phiên xử.

Chỉ cần nhắc tới Khmer Đỏ cũng đã khiến ông nhớ lại những ký ức khủng khiếp. Khi đó, người Chăm bị coi là kẻ thù và bị bóc lột, hành hạ không thương tiếc. Ông Lah Sath nói em trai ông bị Khmer Đỏ giết vì đã không chăm sóc tốt cho một con bò.

Tòa án quốc tế xét xử tội ác Khmer Đỏ tại Campuchia (ECCC) cũng đã tuyên bố giữ nguyên mức án của Tòa sơ thẩm tháng 8/2014, phạt tù chung thân đối với hai cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ là Nuon Chea, 92 tuổi và Khieu Samphan, 87 tuổi vì tội chống lại loài người và diệt chủng. Đây là bản án cao nhất bởi Campuchia không có án tử hình.

Đó là sự khẳng định của thế giới về tội ác diệt chủng không thể chối cãi của Khmer Đỏ. Và nhân dân Việt Nam đã giúp người dân Campuchia chấm dứt thảm kịch đó.

Đó là sự thật, có cả nhân chứng và vật chứng cùng xương cốt của gần ba triệu nạn nhân mà Khmer Đỏ để lại.

 

Toàn bộ diễn biến chiến tranh biên giới Tây Nam

Ngày 7/1/2019 là ngày kỉ niệm 40 năm chiến thắng chiến tranh biên giới Tây Nam khi quân đội Việt Nam cùng nhân dân Campuchia đã đánh bại chế độ diệt chủng do Pôn Pốt lãnh đạo.

 

Những điều chưa biết về chiến tranh biên giới Tây Nam

Theo War History Online, một trang tin tổng hợp lịch sử thế giới, cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam là cuộc chiến chống chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, có ý nghĩa rất lớn mà Việt nam đã tiến hành, nhưng dường như đang bị lãng quên.

 

Chiến tranh biên giới Tây Nam: Chế độ diệt chủng Khmer Đỏ là gì? Tập đoàn Pôn Pốt gồm những ai?

Khmer Đỏ có tên chính thức Đảng Cộng sản Campuchia, sau này là Đảng Campuchia Dân chủ, là một đảng cầm quyền tại Campuchia từ 1975 đến 1979. Pôn Pốt là thủ lĩnh Khmer Đỏ, cùng với “tay chân” của mình, y đã gây ra nạn diệt chủng ở Campuchia và đau khổ cho nhiều người dân Việt Nam.