Nhiều chuyến bay từ Tân Sơn Nhất đi Nội Bài buộc phải hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng

Thứ năm, 13/02/2020, 18:56 PM

2 chuyến bay QH202 và QH206 của Bamboo Airways và 1 chuyến bay khác của Vietjet từ Tân Sơn Nhất đi Nội Bài đã phải chuyển hướng hạ cánh xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Hoạt động khai thác bay tại Nội Bài bị ảnh hưởng do sương mù dày đặc (ảnh: Toàn Vũ/Dân Trí).

Hoạt động khai thác bay tại Nội Bài bị ảnh hưởng do sương mù dày đặc (ảnh: Toàn Vũ/Dân Trí).

Ngoài 3 chuyến bay trên, nhà chức trách sân bay cho biết, chuyến bay 8K524 của K-Mile Air (Thái Lan) từ Bangkok dự kiến hạ cánh Nội Bài cũng đã phải quay đầu về sân bay xuất phát trong khi chuyến bay FD624 của Thai Air Asia từ sân bay Quốc tế Udon Thani (Thái Lan) đi Nội Bài đã buộc phải xin hạ cánh tại Bangkok.

Nhiều chuyến bay khác đến sân bay Nội Bài trong sáng nay cũng đã phải bay vòng khá lâu trên bầu trời trước khi xác định đủ điều kiện thời tiết để hạ cánh.

Thời tiết là lí do bất khả kháng gây ảnh hưởng tới hoạt động khai thác của các chuyến bay, ảnh hưởng đến việc đi lại của nhiều hành khách và gây thiệt hại không nhỏ cho hãng hàng không.  

Để đảm bảo an toàn, các hãng hàng không buộc phải chọn giải pháp quay đầu hoặc chuyển hướng hạ cánh tại các sân bay khác chờ điều kiện thời tiết tốt hơn sẽ tiếp tục hành trình.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sắp tới một đợt không khí lạnh mạnh sẽ tràn về Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Trong sáng ngày 13/2, Thủ đô xuất hiện sương mù từ sáng sớm đến đầu giờ chiều, có mưa vài nơi, nhiệt độ cao nhất 25-27 độ C.

Các tuyến đường nội đô như: Lê Văn Lương, Giảng Võ, Nguyễn Thái Học, Lý Thường Kiệt, Quang Trung, Tràng Thi, Trần Phú... chìm trong màn sương mờ ảo.

Các phương tiện di chuyển phải bật đèn để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông trong buổi sáng.

Đến gần trưa, sương đã bắt đầu có dấu hiệu tan nhưng vẫn còn rất dày gây khó khăn cho các phương tiện khi di chuyển.

Sương mù khiến bụi mịn không được khuếch tán, cộng với lưu lượng phương tiện tham gia giao thông khiến chỉ số chất lượng không khí (AQI) luôn ở mức xấu, từ 151 đến 208.

Trong những ngày tới (đến khoảng ngày 15/2), dự báo ở các tỉnh miền Bắc tiếp tục có xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, thời gian xuất hiện là đêm và sáng, khi không khí lạnh yếu ở tầng thấp vẫn chi phối thời tiết khu vực này.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, những ngày có chất lượng không khí từ ngưỡng xấu trở lên, người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, tập thể dục, làm việc ngoài trời. Vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý, nhất là sau khi ra đường. Tra, rửa mắt bằng nước muối sinh lý trước khi đi ngủ. Người hút thuốc nên hạn chế hút thuốc lá, người không hút thuốc nên tránh xa khỏi thuốc lá.

Người dân cũng nên hạn chế sử dụng và thay thế bếp than tổ ong bằng bếp điện, bếp từ. Nhóm nhạy cảm gồm người mắc bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mãn tính, người già, người suy dinh dưỡng, người bệnh tim mạch cần thực hiện các biện pháp dự phòng kể trên nghiêm ngặt hơn.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội được xác định bởi nhiều nhóm nguyên nhân như giao thông, xây dựng, công nghiệp và hoạt động dân sinh như đốt than tổ ong, đốt rơm rạ. Trong điều kiện thời tiết nghịch nhiệt, ô nhiễm trở lên nghiêm trọng hơn do không khí không khuếch tán được mà tập trung ở tầng sát mặt đất.

Bài liên quan