Nhiều chuyên gia khẳng định Việt Nam sẽ thắng nếu kiện Trung Quốc ở Biển Đông

Thứ năm, 07/11/2019, 15:29 PM

Theo Sputnik, tại Hội thảo Khoa học Quốc tế Biển Đông lần thứ 11 tại Hà Nội ngày 6 và 7/11, nhiều chuyên gia lên án các hành vi ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông và khẳng định Việt Nam sẽ chiến thắng nếu kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.

Hội thảo Khoa học Quốc tế Biển Đông lần thứ 11 với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” ngày 6 và 7/11 tại Hà Nội.
Hội thảo Khoa học Quốc tế Biển Đông lần thứ 11 với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” diễn ra ngày 6 và 7/11 tại Hà Nội.

Học viện Ngoại giao, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông (FESS) và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) đồng tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc tế Biển Đông lần thứ 11 với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” ngày 6 và 7/11 tại Hà Nội.

Tham dự hội nghị có 280 đại biểu, gồm 87 học giả quốc tế, 68 đại diện đến từ 36 cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, hơn 100 học giả, đại biểu Việt Nam, cùng nhiều phóng viên đến từ 58 hãng thông tấn, truyền hình trong và nước ngoài.

Tại hội thảo, có rất nhiều chuyên gia bày tỏ sự quan tâm và nhận định Việt sẽ thắng nếu kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông. Họ cũng chỉ trích mạnh mẽ những hành động trái với luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông.

Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington, Mỹ, ông Greg Poling, khẳng định: “Việt Nam nên nghiêm túc cân nhắc việc này (kiện Trung Quốc) vì tới nay, đã khá rõ ràng rằng Trung Quốc đang áp dụng chiến lược cưỡng ép, bắt nạt nhằm đẩy Việt Nam ra khỏi vùng biển của mình. Chỉ trong vòng 4 tháng qua khi tàu khảo sát Trung Quốc vi phạm, mọi cơ chế giao tiếp song phương đều có vẻ không hiệu quả”.

Giáo sư James Kraska đến từ Trung tâm luật quốc tế Stockton cho rằng Việt Nam chắc chắn sẽ thắng.

“Và sau khi thắng, Việt Nam có thể làm điều Philippines không làm: thật sự hưởng lợi từ phán quyết. Một khi giành được công lý, quá trình tranh đấu chỉ mới là khởi đầu. Các bạn có thể sử dụng ngoại giao để gây sức ép lớn nhằm ép họ tuân thủ. Trong lịch sử, điều này có tác dụng nhiều lần”, ông Kraska nói.

Tại hội thảo, các chuyên gia đều thống nhất Biển Đông không nên được hiểu chỉ là các tranh chấp chủ quyền, tranh chấp vùng biển và tài nguyên giữa các nước ven Biển Đông, mà nên được nhìn nhận như một vùng biển kết nối giữa các đại dương, nơi gặp gỡ lợi ích giữa các nước trong và ngoài khu vực.

Đó là nơi các quốc gia mong muốn duy trì sự thượng tôn của luật pháp quốc tế, là nơi các nước trong và ngoài khu vực đối thoại, phát triển hợp tác một cách hiệu quả.

Ngày đầu tiên của hội thảo có chủ đề chính là phiên kỷ niệm 25 năm Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển có hiệu lực. Những đại biểu tham dự Hội thảo lần này đều đề cao vai trò của luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982. Công ước là một thể chế pháp lý toàn diện, cân bằng lợi ích quốc tế với lợi ích quốc gia của tất cả các nước, kể cả các nước không có biển nên cần được triển khai ở cả cấp độ quốc gia và cấp độ quốc tế.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng UNCLOS vẫn còn tồn tại nhiều lỗ hổng để bị Trung Quốc lợi dụng. Giáo sư James Kraska cho rằng một lỗ hổng của UNCLOS là không bao gồm điều khoản đề cập đến quá trình “quân sự hóa”.

Trong khi đó, tướng Hải quân đã nghỉ hưu của Hàn Quốc, Yoon Suk Joon cho biết một quan chức Trung Quốc từng nói với ông rằng họ quân sự hóa Biển Đông “vì đảm bảo an ninh và không ai cấm”.

Trung Quốc đã sáng tạo lại lịch sử

Trung Quốc bị nhiều chuyên gia quốc tế cáo buộc sáng tạo lịch sử để chiếm Biển Đông. Ảnh: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trung Quốc bị nhiều chuyên gia quốc tế cáo buộc sáng tạo lịch sử để chiếm Biển Đông. Ảnh: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Giáo sư Học viện Quốc phòng Australia Carl Thayer cho rằng Trung Quốc đang ngang nhiên khẳng định yêu sách “đường lưỡi bò” bằng cách tuyên bố đây là “khu vực có các nguồn tài nguyên của Trung Quốc bị các nước khác cướp mất”.

“Trung Quốc đã tìm cách ‘sáng tạo lại lịch sử’ khi tuyên bố họ là quốc gia đầu tiên phát hiện ra khu vực này và muốn gạt Mỹ ra khỏi đây. Trung Quốc muốn trở thành cường quốc mới nổi tại khu vực châu Á và Biển Đông chính là trung tâm trong tham vọng này. Việc độc chiếm được Biển Đông có ý nghĩa chiến lược đối với Trung Quốc không chỉ về địa chính trị mà còn về nguồn dầu khí dồi dào tại đây”, ông Carl Thayer phát biểu tại hội thảo.

Ông Greg Poling cũng cho rằng Trung Quốc đang dùng đường lưỡi bò phi lý để ngăn chặn các quốc gia Đông Nam Á triển khai những dự án dầu khí và khai thác tài nguyên trên Biển Đông, ngoài các dự án với Trung Quốc.

“Thông qua hành động này, Trung Quốc muốn truyền đi thông điệp với các nước trong khu vực rằng, việc không tham gia vào các dự án với Trung Quốc sẽ khiến các nước gặp nhiều rủi ro và tốn kém không đáng có. Các nước sẽ chỉ có 2 lựa chọn: Một là ngừng việc thăm dò, khai thác dầu khí, hai là phải chấp nhận làm ăn với Trung Quốc”, ông Greg Poling khẳng định.

Hiện tại, Trung Quốc đang thúc đẩy việc khai thác tài nguyên chung với Philippines ở Biển Đông.

Để khẳng định yêu sách chủ quyền phi lý và muốn chiếm trọn Biển Đông, Trung Quốc đang điều thêm nhiều đội tàu tới Biển Đông để ngăn chặn và đe dọa tàu các nước khác. Gần đây, nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc liên tục vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cũng như có nhiều động thái khác gây bất ổn cho khu vực.

Trong khi Trung Quốc luôn cam kết sẽ hợp tác để đảm bảo an ninh khu vực, thì những hành động của nước này dường như không hề ăn nhập với cam kết đó.

“Đó không thể là hành vi của một quốc gia mong muốn hợp tác làm ăn với các nước khác trong khu vực. Trung Quốc đang tìm cách ép các nước khác phải làm theo những gì họ muốn”, ông Greg Poling nhấn mạnh.

Link gốc: https://baosuckhoecongdong.vn/nhieu-chuyen-gia-khang-dinh-viet-nam-se-thang-neu-kien-trung-quoc-o-bien-dong-141079.html