Nhiều dự án đầu tư vào Khu kinh tế Chân Mây

Thứ sáu, 31/01/2020, 13:41 PM

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, có 46 dự án đầu tư tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô với vốn đăng kí 79.017 tỉ đồng, 102 dự án đầu tư tại các khu công nghiệp với vốn đăng kí 23.679 tỉ đồng.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh chứng kiến lễ ký kết giữa nhà đầu tư và Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Chân Mây.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh chứng kiến lễ ký kết giữa nhà đầu tư và Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Chân Mây.

Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, đến nay, trên địa bàn Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh có 148 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng kí 102.696 tỉ đồng.

Cụ thể, có 46 dự án đầu tư tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, vốn đăng kí 79.017 tỉ đồng, 102 dự án đầu tư tại các khu công nghiệp với vốn đăng kí 23.679 tỉ đồng.

Lũy kế vốn đầu tư thực hiện của các dự án đến nay ước đạt khoảng 29.386 tỉ đồng (đạt 29,3% tổng vốn đăng kí đầu tư); trong đó, có 93 dự án đang hoạt động (chiếm tỉ lệ 63,2%), 34 dự án đang triển khai thực hiện (chiếm tỉ lệ 22,4%), 21 dự án còn lại thuộc diện chậm tiến độ, ngừng triển khai thực hiện (chiếm tỉ lệ khoảng 14,2%). Trong đó, năm 2019 vốn đầu tư thực hiện ước đạt 3.041 tỉ đồng (đạt 60,8% kế hoạch).

Một số dự án đang được triển khai như dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây của Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Huế có vốn đầu tư đăng kí 2.583 tỉ đồng, diện tích sử dụng đất khoảng 657ha. Dự án đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khu đất giai đoạn 1 (Khu bảo thuế, 48,43ha) và khu đất giai đoạn 2 (Khu nhà xưởng 24,8ha). Đang triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng 2 khu đất tiếp theo. Hiện đã có 4 công ty đầu tư thực hiện với tổng vốn khoảng 35,5 triệu đô la Mỹ với diện tích gần 20ha.

Ngoài ra, Dự án Khu nghỉ dưỡng Huyền thoại Địa Trung Hải của Công ty CP Tập đoàn xây dựng và phát triển nhà Vicoland có có tổng vốn đầu tư đăng kí 838,5 tỉ đồng, diện tích sử dụng đất khoảng 7ha đang trong giai đoạn hoàn thiện; Dự án Khu du lịch Xanh Lăng Cô của Công ty TNHH Một thành viên Trùng Phương – Lăng Cô có tổng vốn đầu tư 213 tỉ đồng, diện tích đất khoảng 8,4ha sẽ đưa vào sử dụng Quý 2/2020; Dự án Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế của Công ty CP Kim Long Motors Huế có vốn đầu tư của dự án 3.330 tỉ đồng, diện tích sử dụng đất khoảng 160ha đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng.

Dự án Tổ hợp nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô của Công ty CP Công nghiệp Chế tạo Ô tô Bách Việt với tổng vốn 2.655 tỉ đồng dự kiến khởi công tháng 7/2020; Dự án đầu tư xây dựng Bến số 2 - cảng Chân Mây của Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây có tổng vốn đăng kí là 849 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 (hạng mục cầu cảng) đưa vào hoạt động Quý 1/2020, giai đoạn 2 hoàn thành đưa vào hoạt động Quý 2/2021; Dự án đầu tư xây dựng Bến số 3 - cảng Chân Mây của Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế có tổng mức đầu tư 846 tỉ đồng, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương giãn tiến độ hoàn thành đến Quý 3/2020.

Ông Thọ kiểm tra tại các bến số 2 và số 3 cảng Chân Mây.

Ông Thọ kiểm tra tại các bến số 2 và số 3 cảng Chân Mây.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ghi nhận và đánh giá cao việc Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đang có nhiều dự án đầu tư khởi động trong năm 2020.

Trao đổi với các nhà đầu tư, ông Phan Ngọc Thọ cho rằng, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô là khu kinh tế trọng điểm của tỉnh và của miền Trung. Với việc đẩy mạnh các hoạt động đầu tư xây dựng và chính sách ưu đãi, tạo quỹ đất sạch để thu hút các doanh nghiệp, tin rằng các nhà đầu tư có thương hiệu, nhà đầu tư chiến lược hoàn toàn an tâm khi đầu tư trên địa bàn tỉnh, bởi ngoài những cơ chế ưu đãi của Chính phủ, tỉnh cam kết sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư khi đến đầu tư tại Huế.

Ông Thọ nói: “Hiện, tỉnh Thừa Thiên Huế đang tập trung kêu gọi những dự án, nhà đầu tư chiến lược có chất lượng ở các lĩnh vực mũi nhọn, đặc biệt là các dự án sản xuất công nghệ cao có quy mô lớn, có sức lan tỏa. Vì vậy, sự nỗ lực của chính quyền sẽ đem lại những kết quả tích cực từ những nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư có dự án lớn, uy tín, mang tính phát triển bền vững. Sự vào cuộc đồng bộ cũng như việc tích cực hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh là điều kiện để Huế thực sự là nơi “đất lành”, điểm “níu chân” các nhà đầu tư trong và ngoài nước”.

Bài liên quan