Nhiều hội nghị, khánh thành có tính chất hình thức, gây lãng phí ngân sách

Thứ hai, 21/10/2019, 16:47 PM

Đó là một trong những nội của báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2019 được Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội nêu ra.

nhieu-hoi-nghi-khanh-thanh-co-tinh-chat-hinh-thuc-gay-lang-phi-ngan-sach
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: Quốc hội. 

Tiếp theo chương trình làm việc của Quốc hội, chiều 21/10, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày trước Quốc hội báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020.

Ủy ban thẩm tra ghi nhận Chính phủ đã nỗ lực để giảm chi thường xuyên, chú trọng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… 

Tuy nhiên báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020 Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cũng chỉ rõ, nhiều hội nghị gây lãng phí ngân sách.

Cụ thể, trọng chi thường xuyên có xu hướng giảm chậm. Vẫn còn nhiều địa phương chưa cân đối được ngân sách, chi thường xuyên vẫn còn cao trong khi nguồn lực dành cho chi đầu tư phát triển rất hạn chế.

Bên cạnh đó, vẫn có tình trạng mua sắm, sử dụng tài sản công chưa đúng quy định của pháp luật; nhiều lễ hội, hội nghị, kỷ niệm ngày thành lập, tái thành lập, các lễ khởi công, khánh thành có tính chất hình thức, gây lãng phí ngân sách, chưa thực sự tiết kiệm.

Chi cho đầu tư, phát triển vẫn còn hạn chế như tình trạng chậm giao vốn, thủ tục giao vốn vẫn còn phức tạp làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công, khiến nhiều dự án quan trọng bị dở dang, chuyển tiếp kéo dài.

Về dự toán chi ngân sách năm 2020, Chính phủ dự kiến chi đầu tư phát triển tăng 41.300 tỷ đồng (tăng 9,6%) so với dự toán năm 2019, chiếm 26,9% tổng chi ngân sách Nhà nước. Đại diện cơ quan thẩm tra đánh giá đây là mức tăng hợp lý do nguồn lực có hạn.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng mức tăng 9,6% là thấp so với yêu cầu về nguồn vốn đầu tư khá lớn để hoàn thành các dự án đầu tư công giai đoạn 2016-2020 còn dở dang.

Về bội chi ngân sách Nhà nước, đa số ý kiến trong Ủy ban thẩm tra đồng ý với đề nghị của Chính phủ giữ mức bội chi ngân sách Nhà nước 3,44% GDP.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cũng đồng ý với Chính phủ khi đề cập đến vấn đề nợ công, đến hết năm 2020 dự kiến mức dư nợ công là 54,3% GDP, nợ Chính phủ là 48,5% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia là 45,5% GDP.

“Đề nghị Chính phủ báo cáo rõ Quốc hội tại kỳ họp này về tất cả các khoản nợ của ngân sách Nhà nước như: Nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ vốn ứng trước, nợ nguồn thanh toán của ngân sách Nhà nước. Đồng thời lưu ý về rủi ro thanh khoản, kỳ hạn trái phiếu, lãi suất huy động và vấn đề đảo nợ… để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia”, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

Về phương án phân bổ ngân sách năm 2020, dự toán chi đầu tư phát triển tăng 11,7% so với dự toán năm 2019. Sau khi trừ một số khoản chi chung theo nhiệm vụ, nguồn vốn còn lại của ngân sách Trung ương để phân bổ không nhiều, khoảng 112.900 tỷ đồng, tăng 32.300 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, theo Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải, tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào NSNN chỉ đạt 20,2%GDP, chưa đạt yêu cầu do Quốc hội đề ra là 21%GDP. Thu từ 3 khu vực doanh nghiệp đều không đạt dự toán. Điều này cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn. Đề nghị Chính phủ cần tiếp tục có những giải pháp mới để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước, góp phần bảo đảm thu NSNN ngày càng vững chắc hơn từ các khu vực kinh tế.

Đối với công tác quản lý thuế, tính đến ngày 31/8/2019, tổng số tiền nợ thuế là 88.253 tỷ đồng, tăng 8,2% so với 31/12/2018, chưa đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 70/2018/QH14 của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2019 là giảm nợ đọng thuế. Đề nghị Chính phủ giải trình cụ thể hơn.

Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị, từ nay đến cuối năm, Chính phủ cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu để tăng thu và đẩy mạnh việc truy thu trong lĩnh vực này. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế sau hoàn thuế, sau thông quan, xác định số hoàn thuế giá trị gia tăng cho phù hợp; quyết liệt hơn trong việc đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế xuất nhập khẩu nhằm phấn đấu vượt thu cao hơn so với số dự ước.