Nhìn lại lùm xùm về giá nước của Nhà máy nước mặt Sông Đuống

Thứ tư, 30/09/2020, 06:30 AM

Năm 2019, dư luận ồn ào về giá nước sạch của Nhà máy nước mặt Sông Đuống sau thông tin chi phí lãi vay vào khoảng 20% (2.003 đồng) cho 1m3.

Nhà máy nước mặt Sông Đuống với lùm xùm giá cả, chưa nghiệm thu đã bán nước. (Ảnh: IT).

Nhà máy nước mặt Sông Đuống với lùm xùm giá cả, chưa nghiệm thu đã bán nước. (Ảnh: IT).

Nước sạch Sông Đuống giá cao, chi phí lãi vay 2.000 đồng/m3?

Tháng 10/2019, dư luận xã hội xôn xao trước thông tin nước sạch Sông Đà nhiễm dầu bị 2 kẻ đổ trộm dầu thải dẫn đến hàng vạn hộ dân ở Hà Nội bị ảnh hưởng.

Tiếp sau đó, dư luận tiếp tục dậy sóng với câu chuyện nước sạch của Nhà máy nước mặt Sông Đuống có giá đắt đỏ và người mua nước phải gánh cả chi phí lãi vay trong giá nước.

Theo đó, trong giá tạm tính của nước Sông Đuống (10.246 đồng/m3) cao gấp đôi mặt bằng chung, có khoảng 2.003 đồng là trả lãi vay của nhà đầu tư.

Chiều ngày 12/11/2019, tại buổi họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Nguyễn Việt Hà - Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho hay: “Khi nhà máy đi vào hoạt động, chi phí lãi vay cũng tính vào giá nước. Theo báo cáo của công ty, phí lãi vay tính vào giá nước là 20%, theo đó là khoảng 2.003 đồng mỗi mét khối nước”.

Ngoài ra, ông Hà cho biết, tổng mức đầu tư của nhà máy nước mặt sông Đuống gần 5.000 tỷ đồng, nhưng công ty này đi vay tới 80%, tương ứng gần 4.000 tỷ đồng. Giá nước sạch sông Đuống 10.246 đồng/m3 là mức giá tạm tính để ký kết thỏa thuận, chứ đây không phải là giá bán đến người tiêu dùng, cũng không phải là giá bán lẻ.

Phát biểu của Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội ngay lập tức khiến nhiều người bàng hoàng bởi cho rằng việc người tiêu dùng phải gánh lãi vay 2.003 đồng mỗi mét khối nước là quá vô lý.

Nhiều chuyên gia kinh tế, ĐBQH sau đó lên tiếng cho rằng cần kiểm toán, kiểm tra, công bố chất lượng nước Sông Đuống.

Ông Nguyễn Việt Hà - Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội. (Ảnh: Vietnamnet).

Ông Nguyễn Việt Hà - Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội. (Ảnh: Vietnamnet).

Tuy nhiên, ngày 5/12/2019, trong kỳ họp thứ 11, HĐND TP Hà Nội khóa XV Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết ,đã yêu cầu ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính, nghiêm túc rút kinh nghiệm về phát biểu sai, khiến dư luận hiểu lầm về giá nước sạch.

Ông Chung cho biết thời gian qua, Hà Nội đẩy mạnh kêu gọi tư nhân đầu tư vào lĩnh vực nước sạch và đã có 23 doanh nghiệp tham gia xây dựng các dự án: Nhà máy Nước sạch Bắc Vân Trì, Nhà máy Nước sạch Ba Vì, Nhà máy Nước mặt Sông Hồng, Nhà máy Nước mặt Sông Đuống…

Ông Chung khẳng định giá nước sạch đang áp dụng trên địa bàn TP có từ năm 2013 đến nay và không thay đổi. Giá nước thỏa thuận cho Nhà máy Nước mặt Sông Đuống là 10.246 đồng/m3 và Nhà máy Nước mặt Sông Hồng là 10.365 đồng/m3 là để các doanh nghiệp lập dự án.

Hà Nội đề xuất chi ngân sách 200 tỷ để bù giá nước Sông Đuống

Báo Vietnamnet trong bài viết "Mua nước sông Đuống, Hà Nội đề xuất chi ngân sách 200 tỷ để bù giá" đăng tải ngày 11/11/2019 đưa tin: 

Theo phương án phê duyệt giá bán tạm tính đối với nước sạch sông Đuống tại văn bản số 3310/UBND-KT, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận giá bán tạm tính và lộ trình điều chỉnh giá nước cho dự án nhà máy nước sạch sông Đuống để triển khai thực hiện dự án này.

Theo đó, giá nước sạch tối đa của nhà máy nước sạch sông Đuống tạm tính năm 2017 là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế GTGT). Lộ trình tăng giá nước tối đa 7%/năm nhưng không vượt quá khung giá nước sạch sinh hoạt theo quy định của Bộ Tài chính.

Đáng chú ý, ngày 27/12/2018, liên ngành Tài chính - Xây dựng - công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Nội, công ty CP nước sạch số 2 Hà Nội, công ty nước mặt sông Đuống có tờ trình đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét chấp thuận giá bán nước của nhà máy nước mặt sông Đuống cho các đơn vị là 7.700 đồng/m3.

Bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn AquaOne, chủ tịch HĐQT Công ty CP nước mặt Sông Đuống. (Ảnh: IT).

Bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn AquaOne, chủ tịch HĐQT Công ty CP nước mặt Sông Đuống. (Ảnh: IT).

Phần chênh lệch với mức giá tạm tính là 10.246 đồng/m3 nước sạch sông Đuống, liên ngành TP Hà Nội đề xuất phương án cấp… bù lỗ cho 2 đơn vị mua nước của công ty nước mặt sông Đuống đồng thời… bù lỗ cho chính đơn vị sản xuất nước sạch.

Cụ thể, số tiền liên ngành đề nghị UBND TP Hà Nội cấp bù trong năm 2019 cho công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Nội khi mua 80.000m3/ngày đêm là hơn 118 tỉ đồng.

Cấp bù công ty CP nước sạch số 2 Hà Nội là hơn 37 tỉ đồng; cấp bù cho công ty nước mặt sông Đuống khoảng 43 tỉ đồng.

Sau kiến nghị của liên ngành, ngày 9/1/2019, Văn phòng UBND TP đã có thông báo kết luận của tập thể lãnh đạo UBND TP Hà Nội: Chấp thuận về nguyên tắc với đề xuất của liên ngành.

UBND TP cũng giao Sở Xây dựng hướng dẫn công ty nước mặt Sông Đuống, công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Nội, công ty CP nước sạch số 2 Hà Nội thống nhất tổ chức việc phát nước thương mại từ ngày 10/1/2019.

Như vậy, với giá nước thực bán cho 2 nhà máy nước sạch Hà Nội của nhà máy nước mặt sông Đuống là 7.700 đồng/m3, liên ngành đề xuất UBND TP Hà Nội cấp bù giá (phần thua lỗ do chênh lệch giá bán, mua) cho các đơn vị trong năm 2019 tổng số tiền gần 200 tỉ đồng bằng nguồn tiền lấy từ ngân sách.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung (thời điểm đó) khẳng định TP chưa mất một đồng nào bù giá cho nước sạch Sông Đuống và chắc chắn là không bao giờ bù giá cho doanh nghiệp.

"Tôi khẳng định là không có lợi ích nhóm nào ở đây cả. TP làm mọi cách, tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư vào lĩnh vực này giải quyết cấp bách vấn đề nước sạch cho người dân. Không chỉ Nhà máy Nước mặt Sông Đuống, mà tất cả các nhà đầu tư nước ngoài hay trong nước ở các lĩnh vực đều được coi trọng và tạo mọi điều kiện"- ông Chung nói.

Nhà máy nước mặt Sông Đuống chưa nghiệm thu đã bán nước

Báo Tuổi Trẻ TP HCM trong bài viết "Nhà máy nước mặt Sông Đuống chưa nghiệm thu đã cấp nước cho dân" ngày 28/10/2019 phản ánh: Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng khẳng định chưa hoàn tất quá trình nghiệm thu Nhà máy nước mặt Sông Đuống, trong khi đó nhà máy này lại đang cung cấp khoảng 150.000 m3 nước sạch/ngày đêm cho người dân Hà Nội sử dụng.

Nhà máy nước mặt Sông Đuống do Tập đoàn Aqua One đầu tư. Theo thiết kế, Nhà máy nước mặt Sông Đuống giai đoạn 1 cung cấp khoảng 150.000 m3 nước sạch/ngày đêm, giai đoạn 2 sẽ nâng công suất lên 300.000 m3 nước sạch/ngày đêm. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 của nhà máy khoảng 5.000 tỉ đồng.

Trong giai đoạn 1, Nhà máy nước mặt Sông Đuống sẽ cấp nước cho hàng triệu người dân các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì và các quận Long Biên, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai thuộc TP. Hà Nội.

Nhà máy nước mặt Sông Đuống trong buổi khánh thành đi vào hoạt động. (Ảnh: TP).

Nhà máy nước mặt Sông Đuống trong buổi khánh thành đi vào hoạt động. (Ảnh: TP).

Trao đổi với báo chí xung quanh việc công trình nhà máy nước mặt sông Đuống- giai đoạn 1 (huyện Gia Lâm, Hà Nội) chưa đủ điều kiện nghiệm thu đã bán nước cho nhiều khu dân cư, PGS.TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) cho rằng, đối với công trình nhà máy nước sạch thuộc công trình xây dựng liên quan đến an toàn sinh mạng nên cần phải rất khắt khe trong nghiệm thu, đánh giá. Đặc biệt phải kiểm tra đánh giá về sản phẩm cuối cùng mới có thể đưa vào sử dụng.

“Quy định công trình cấp 1 trở lên do Bộ Xây dựng thẩm quyền về chất lượng công trình; kiểm tra về công tác nghiệm thu của chủ đầu tư và đánh giá kết quả nghiệm thu. Việc nghiệm thu sẽ kiểm tra về kết quả xây dựng có đạt yêu cầu không, công nghệ có đạt yêu cầu không, đã có nghiệm thu về chất lượng nguồn nước chưa…

Trên cơ sở xem xét tất cả đã đủ điều kiện rồi thì Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) sẽ ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư về công trình này và công trình mới đủ điều kiện để đưa vào khai thác” – PGS.TS Trần Chủng phân tích.

Nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cho rằng, về nguyên tắc cơ quan Nhà nước chưa ra văn bản nghiệm thu công trình thì chưa được đưa vào sử dụng.

“Việc công trình chưa được chấp nhận nghiệm thu mà đã đưa vào sử dụng là vi phạm. Luật đã quy định như vậy rồi mà chủ đầu tư không tuân thủ thì đương nhiên vi phạm mà là vi phạm lớn. Một nhà máy nước lớn như nhà máy sông Đuống chưa được nghiệm thu đã cung cấp bán nước cho dân thì không được, là không ổn” – ông Chủng nhấn mạnh.

Bài liên quan