Nhìn lại quá trình phát hiện, đập tan dịch virus Corona trong lịch sử thế giới

Thứ sáu, 31/01/2020, 12:05 PM

Về bản chất chủng virus Corona mới gây viêm phổi từ Vũ Hán giống đến 70% so với chủng virus Corona gây ra đại dịch SARS những năm 2002 - 2003. Dịch này đã bị dập tắt khoảng 8 tháng sau khi xuất hiện.

Virus Corona mới gây viêm phổi từ Vũ Hán giống đến 70% so với chủng virus Corona gây ra đại dịch SARS những năm 2002 - 2003.

Virus Corona mới gây viêm phổi từ Vũ Hán giống đến 70% so với chủng virus Corona gây ra đại dịch SARS những năm 2002 - 2003.

SARS xuất hiện

Ca đầu tiên nhiễm Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) được cho là ở Quảng Đông, Trung Quốc vào tháng 11/2002. Vài tháng sau đó, nó nhanh chóng lan rộng ra 29 quốc gia trên toàn thế giới. Giống như chủng virus Corona gây viêm phổi mới từ Vũ Hán, dịch SARS có đặc điểm là lây lan nhanh chóng, tỷ lệ tử vong cao. Đợt dịch năm 2002-2003 có 8.422 người mắc bệnh và 916 người tử vong, tức tỷ lệ tử vong là 11%.

Nguyên nhân gây bệnh SARS

Chủng virus Corona gây bệnh SARS có đường kính từ 60 - 130nm, cùng họ với chủng virus Vũ Hán, bề mặt của virus có các gai glycoprotein giống hình vương miện. Nó có thể sống ở bên ngoài cơ thể trong nhiều giờ, tồn tại trong phân và nước tiểu ở nhiệt độ phòng trong tối thiểu 1 - 2 ngày và tối đa lên tới 4 ngày. Nếu ở 0°C, chủng virus Corona này có thể tồn tại tới ba tuần. Do vậy, chúng lây lan nhanh và nhanh chóng phát triển thành dịch.

Nguồn bệnh được cho là từ loại dơi tai to ở Trung Quốc. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp khi tiếp xúc với chất tiết qua hắt hơi, nói, thở của người bệnh, qua đường tiếp xúc như cùng cầm hay chạm vào vật với bệnh nhân nhiễm SARS.

SARS biến thành đại dịch

Theo các tài liệu ghi lại, bệnh SARS đang bị lan sang Hong Kong khi một bác sĩ nhiễm bệnh tới hòn đảo vốn là trung tâm tài chính thế giới này. Từ Hong Kong, bệnh lan khắp Đông Á, Bắc Mỹ, châu Âu...

Tháng 3/2003, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định SARS là nguy cơ sức khỏe đặc biệt. Trong đại dịch này, các nhân viên y tế là nhóm bệnh nhân bị ảnh hưởng nặng và đáng chú ý nhất.

Tính đến hết tháng 5/2003, thế giới có hơn 8.000 ca mắc bệnh, hầu hết tại Trung Quốc đại lục và Hong Kong với gần 800 ca tử vong.

 

 

Các biện pháp dập tắt đại dịch SARS của thế giới

Tới tháng 7/2003, đại dịch SARS được kiểm soát. Từ năm 2004 trở đi, thế giới đã không còn ghi nhận trường hợp nào nhiễm bệnh này.

Các biện pháp chủ yếu mà thế giới đã dùng để dập tắt đại dịch SARS gồm:

Hạn chế đi lại. Để phòng chống dịch bệnh, nhiều nước trên thế giới đã đồng loạt triển khai nhiều biện pháp kiểm soát dịch, trong đó có lệnh cấm đi/đến các nước có dịch và cách ly các bệnh viện, địa điểm đã có người nhiễm bệnh.

Nhiều trường học và các trụ sở công trên khắp phải đóng cửa để phòng dịch.

Tháng 6/2003, dịch bệnh được kiểm soát ở mức an toàn và nhiều lệnh hạn chế đi lại được gỡ bỏ.

Theo dõi, cách ly những người gần người nhiễm bệnh. Những người xung quanh người bị nhiễm bệnh được xác định và theo dõi. Nếu họ có bất kỳ triệu chứng nào sẽ bị cách ly và điều trị cho đến khi có kết quả xét nghiệm về virus gây bệnh.

Sàng lọc với định nghĩa ca lâm sàng. Do có nhiều trường hợp không được báo cáo, nên cần sử dụng định nghĩa ca lâm sàng, tức danh sách các triệu chứng và yếu tố nguy cơ nhiễm bệnh, để sàng lọc những người không được xác định có tiếp xúc với người bệnh nhưng có các triệu chứng của bệnh. Những người này cũng được cách ly và điều trị cho đến khi có kết quả xét nghiệm. Nếu dương tính, họ được cách ly và điều trị cho đến khi không còn khả năng truyền bệnh.

Điều trị tích cực càng sớm càng tốt. Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh SARS. Bệnh nhân SARS được điều trị hồi sức tích cực càng sớm càng tốt, chủ yếu điều trị giảm nhẹ triệu chứng, phát hiện và xử trí kịp thời tình trạng suy hô hấp.

Phần lớn bệnh nhân SARS có thể hồi phục nếu được điều trị sớm bằng các loại thuốc kháng virus và steroid như thuốc kháng virus, kháng sinh điều trị bội nhiễm phế quản, phổi.

Điều trị giảm nhẹ triệu chứng như thuốc giảm ho cho bệnh nhân ho khan nhiều; nhỏ mũi bằng thuốc nhỏ mũi thông thường. Những bệnh nhân sốt trên 38,5°C được chỉ định dùng thuốc hạ sốt. Bên cạnh đó, bệnh nhân được đảm bảo có đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. 

Tận dụng công nghệ. Đại dịch SARS là trường hợp khẩn cấp y tế quốc tế lớn đầu tiên mà WHO tận dụng tối đa thời đại Internet. Các ca bệnh được báo cáo sớm nhờ các hệ thống dựa trên Web được thiết kế đã truy tìm các sự kiện sức khỏe bất thường. Các cơ quan y tế trên toàn thế giới - có kinh nghiệm trong các nỗ lực hợp tác để ngăn chặn sự lây lan của viêm màng não, sốt vàng da, bại liệt và virus Ebola, đã được thông báo cảnh giác và sẵn sàng ứng phó.

Công nghệ thông tin cho phép điều chỉnh ngay lập tức những phản ứng khi dịch bệnh bùng phát. Các chuyên gia về virus từ khắp nơi trên thế giới đã làm việc cùng nhau hầu như qua điện thoại, hội nghị truyền hình và thông qua Web, để chia sẻ thông tin và báo cáo tiến trình các khám phá, nghiên cứu.

Trong vòng một tháng kể từ khi ca nhiễm bệnh đầu tiên được công bố, họ đã xác định được virus gây ra SARS. Các nhà dịch tễ học đã sớm xác nhận rằng các nhân viên y tế có nguy cơ cao nhất và đi lại bằng hàng không đang lây lan bệnh. Các bác sĩ chia sẻ kiến thức của họ về những phương pháp điều trị có hiệu quả và những gì không có hiệu quả. Các phương tiện truyền thông cung cấp thông tin rõ ràng thu hút sự chú ý của thế giới về sự cần thiết phải phòng ngừa dịch bệnh.

Sự hợp tác của các chuyên gia y tế toàn cầu. Ngày 17/3, WHO kêu gọi 11 phòng thí nghiệm hàng đầu ở 9 quốc gia tham gia mạng lưới nghiên cứu đa trung tâm về nguyên nhân của SARS và đồng thời phát triển một xét nghiệm chẩn đoán. Mạng tận dụng các công nghệ truyền thông hiện đại (e-mail; trang web bảo mật) để kết quả kiểm tra các mẫu lâm sàng từ các trường hợp SARS có thể được chia sẻ trong thời gian thực.

Trên nền tảng của WHO, các thành viên chia sẻ hình ảnh kính hiển vi điện tử của virus, trình tự vật liệu di truyền để xác định và mô tả virus, phân lập virus, các mẫu khác nhau từ bệnh nhân... Các mẫu từ một bệnh nhân có thể được phân tích song song bởi một số phòng thí nghiệm và kết quả được chia sẻ trong thời gian thực. Mục tiêu: phát hiện tác nhân gây bệnh SARS và phát triển xét nghiệm chẩn đoán.

Ngày 26/3, WHO tổ chức cuộc hợp lớn toàn cầu đầu tiên về các đặc điểm lâm sàng và điều trị SARS. Cuộc họp qua mạng liên kết 80 bác sĩ lâm sàng từ 13 quốc gia đã cho ra đời một bản tóm tắt các cuộc thảo luận và kết luận của họ trên trang SARS của trang web WHO.

Từ các nỗ lực đó, quá trình phát hiện tác nhân gây bệnh SARS và phát triển xét nghiệm chẩn đoán bệnh đã được tăng cường, góp phần đáng kể vào việc điều trị hiệu quả và ngăn chặn bệnh lây lan.

Kết quả, bệnh lây lan trên toàn cầu trong khoảng 8 tháng, với đỉnh điểm bùng phát vào tháng 4 và tháng 5/2003. Đến ngày 5/7 cũng năm, tất cả các chuỗi lây truyền từ người sang người đã bị phá vỡ và dịch bệnh đã được ngăn chặn.